Em bé mắt lác là tình trạng thường gặp do sự phối hợp giữa hai mắt trẻ còn kém. Hiện tượng này thường sẽ giảm dần khi bé được 4 tới 6 tháng tuổi và hết hẳn cho đến 2 tuổi. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp lác mắt ở trẻ sẽ kéo dài và trở thành vấn đề đáng lo ngại, lúc này các bậc phụ huynh nên cho bé đi khám mắt sớm.
Menu xem nhanh:
1. Cách giúp phụ huynh nhận biết trẻ sơ sinh bị lác mắt
Dấu hiệu mắt lác ở trẻ sơ sinh điển hình đó là hai mắt của trẻ không nhìn cùng một hướng, một mắt sẽ có hiện tượng không nhìn thẳng. Cha mẹ có thể nhận biết con có bị lác hay không qua một số biểu hiện.
1.1. Cách nhận biết em bé mắt lác
Cách nhận biết mắt trẻ bị lác đơn giản nhất là hãy đứng đối diện với bé để quan sát kỹ các hoạt động của mắt con. Bé bị lác là khi mắt không nhìn theo cùng một hướng, mỗi mắt sẽ nhìn theo những hướng khác nhau như:
– Hướng mắt vào trong: Một hoặc cả hai con ngươi ở mắt bị quy vào trong về phía mũi. Đây là loại mắt lác phổ biến nhất hiện nay. Theo thống kê, có từ 2 tới 4% trẻ bị ảnh hưởng bởi lác trong.
– Hướng mắt ra ngoài: Một hoặc cả hai con ngươi ở mắt của trẻ sẽ quay ra ngoài về phía tai. Loại lác này thường ít gặp hơn. Theo thống kê có khoảng 1 tới 1,5% trẻ bị ảnh hưởng bởi lác ngoài.
– Hướng mắt lên trên: Hai mắt nằm lệch nhau, một bên mắt bất thường nằm cao hơn bên mắt còn lại. Tình trạng này hiếm gặp, thường 400 trẻ em sẽ có một trẻ mắc phải.
– Hướng mắt xuống dưới: Ngược lại với tình trạng hướng lên trên, mắt bất thường sẽ nằm ở vị trí thấp hơn so với bên mắt còn lại.
1.2. Các biểu hiện khác của em bé mắt lác
Vào những tháng đầu đời, hiện tượng lác mắt ở trẻ sơ sinh được nhận định là bình thường, bởi giai đoạn này trẻ đang học cách tập trung. Tuy nhiên, khi trẻ được 4 tới 6 tháng tuổi, mắt lúc này có thể nhìn thẳng và tập trung vào đồ vật. Trường hợp mắt trẻ sơ sinh tiếp tục tái diễn tình trạng bị lác sẽ thường đi kèm một số biểu hiện như:
– Thường xuyên chớp mắt, nheo mắt, đặc biệt là khi trẻ gặp phải ánh sáng chói. Đây có thể là tín hiệu cảnh báo trẻ đang mắc phải tình trạng song thị.
– Nhìn lệch, phải quay hoặc nghiêng đầu khi nhìn một vật nào đó. Đây có thể là biểu hiện trẻ đang cố gắng để xếp một vật thể rõ ràng vào trong tầm nhìn của mình.
– Nhắm một mắt khi nhìn bất cứ đồ vật nào.
Bác sĩ nhãn khoa có thể giúp các bậc cha mẹ phân biệt được trẻ bị lác mắt bệnh lý hoặc lác mắt sinh lý. Một số trường hợp bị lác ẩn khác sẽ khó có thể phát hiện thông qua độ lệch giữa hai mắt. Vì vậy, phụ huynh nên khám mắt cho trẻ sơ sinh trong vòng 6 tháng đầu đời nhằm kiểm tra tổng quát và tầm soát sớm các bệnh lý bẩm sinh, di truyền ở mắt của con.
2. Nguyên nhân gây nên tình trạng em bé mắt lác
Hiện tượng mắt lác ở trẻ sơ sinh chủ yếu do một số nguyên nhân dưới đây:
– Cơ mắt gặp vấn đề: Mỗi mắt của chúng ta có 6 cơ để nhằm kiểm soát những chuyển động linh hoạt. Chúng phối hợp nhịp nhàng giúp cho thị lực đạt mức tinh tế. Vì một nguyên nhân nào đó khiến cho các cơ không thể phối hợp nhịp nhàng, từ đó một bên mắt của trẻ có chuyển động bất thường.
– Dây thần kinh bị thương tổn và khiếm khuyết: Việc kiểm soát các cơ mắt liên quan tới ba dây thần kinh số 3, 4 và 6 trên sọ của chúng ta. Do đó, bất cứ dây thần kinh nào bị khiếm khuyết cũng có thể là nguyên nhân khiến gây nên tình trạng trẻ sơ sinh bị lác mắt.
– Các vấn đề về thần kinh: Khi trung tâm điều khiển thần kinh có vấn đề cũng sẽ tác động đến cơ mắt gây nên hiện tượng lác mắt ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, chuyên gia nhãn khoa cũng nhận định một số yếu tố dưới đây có thể khiến cho trẻ sơ sinh phải đối diện với nguy cơ bị lác cao hơn so với những trẻ bình thường khác:
– Tiền sử gia đình có người thân, đặc biệt là cha/mẹ, anh/chị bị lác thì trẻ sơ sinh sẽ đối diện với nguy cơ bị mắt lác cao.
– Trẻ mắc các bệnh lý, hội chứng di truyền gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, phát triển trí não như não úng thủy, hội chứng Down…
– Trẻ sinh non, thiếu tháng và nhẹ cân thường có nguy cơ bị lác mắt cao hơn.
– Trẻ gặp các chấn thương ở mắt, từng trải qua các phẫu thuật ở mắt hoặc thương tổn ở vùng cấu trúc xung quanh mắt.
– Trẻ em bị bệnh cận thị hoặc viễn thị bẩm sinh.
3. Khi nào trẻ sơ sinh mắt lác cần đến gặp bác sĩ?
Mặc dù tình trạng em bé mắt lác không hiếm gặp nhưng đây là tật về mắt mà cha mẹ cần lưu tâm. Đặc biệt, khi mắt của con bạn vẫn còn lác lúc trẻ được khoảng 4 tháng tuổi cũng là lúc cha mẹ nên đưa bé đi khám.
Mắt trẻ sơ sinh như bị lác không chỉ gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý. Ví dụ, theo thời gian, bên mắt thẳng hơn, chiếm ưu thế hơn có thể bù đắp cho mắt bị lác, điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm thị lực ở bên mắt bị bệnh (khi não vô tình bỏ qua các tín hiệu thị giác của nó). Đây được gọi là bệnh nhược thị.
Ba mẹ cần kịp thời phát hiện tình trạng mắt bị lác cho trẻ trong độ tuổi từ 1 tới 4 (càng sớm càng tốt). Hiện nay, có nhiều phương pháp giúp điều trị lác mắt, từ miếng dán, kính tới phẫu thuật sẽ giúp làm thẳng mắt lác và bảo vệ thị lực của các con.
Tóm lại, việc nhận biết em bé mắt lác để thực hiện thăm khám và can thiệp y tế phù hợp là vô cùng quan trọng giúp cho cha mẹ bảo vệ thị lực của con. Nhờ đó, trẻ sẽ được phát triển khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc thông tin hữu ích về vấn đề lác mắt ở trẻ. Hãy liên hệ ngay với Thu Cúc TCI nếu bạn cần được tư vấn, giải đáp thêm nhé!