Menu xem nhanh:
Theo nghiên cứu, những cơn đột quỵ lúc nửa đêm chiếm khoảng 14% tổng số ca đột quỵ. Tình trạng đột quỵ khi ngủ có thể gây ra nhiều nguy hiểm do bản thân người bệnh hoặc người nhà không phát hiện ra, dẫn đến cấp cứu muộn. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách chống đột quỵ khi ngủ trong bài viết sau.
1. Đột quỵ khi ngủ là gì?
Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả khi người bệnh đang thức hay ngủ. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurology, tạp chí y khoa của Học viện Thần kinh Hoa Kỳ, tỷ lệ người bị đột quỵ lúc nửa đêm chiếm khoảng 14% tổng số ca đột quỵ. Những người này thường được đưa đến phòng cấp cứu với một số triệu chứng đột quỵ.
Đột quỵ là một bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị ngay khi phát hiện. Tuy nhiên, trong những trường hợp đột quỵ xảy ra khi ngủ, thường rất khó để chính xác thời điểm đột quỵ xảy ra. Trong khi đây là cơ sở quan trọng để đưa ra phương pháp điều trị.
Nhiều người bệnh đột quỵ trong lúc ngủ được phát hiện muộn, dẫn đến bỏ lỡ “thời gian vàng” để cấp cứu, vì vậy dễ gây tử vong hoặc để lại những biến chứng nặng nề hơn.
Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm từ thời điểm bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, người bệnh bị đột quỵ khi ngủ vẫn sẽ đủ điều kiện để điều trị bằng thuốc phá cục máu đông. Vì vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh cũng như các đối tượng dễ mắc bệnh sẽ giúp bạn có biện pháp dự phòng phù hợp, ngăn chặn căn bệnh này.
2. Các nguyên nhân gây đột quỵ khi ngủ
2.1 Các thói quen xấu
– Uống rượu bia quá nhiều trước khi ngủ
Sử dụng rượu, bia trước khi ngủ có thể khiến huyết áp tăng cao, gây áp lực và làm tổn thương mạch máu, làm tăng nhanh tình trạng xơ vữa, cục máu đông và làm giảm chức năng động mạch, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ khi ngủ.
– Thường xuyên ăn đêm
Cholesterol cao là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Thói quen ăn đêm, đặc biệt là những thực phẩm không tốt như đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, nước uống có ga, mì tôm, đồ quá mặn,… thường xuyên, đặc biệt vào buổi tối, đêm muộn khiến lipid trong máu tăng cao. Điều này làm tăng nhanh quá trình xơ vữa động mạch máu não và dẫn đến tắc mạch máu não.
– Sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ
Mất ngủ là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Theo nghiên cứu từ các chuyên gia tại Hòa Kỳ, một người bình thường nếu chỉ ngủ ít hơn 4 – 5 tiếng/ngày sẽ có nguy đột quỵ cao hơn 83% so với người ngủ đủ 7-8 tiếng.
– Tắm đêm
Nhiều người tắm đêm trước khi ngủ, đặc biệt sau khi đi nhậu về hoặc ăn đêm. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi tắm đêm có thể khiến các mạch máu co lại. Điều này gây ảnh hưởng đến việc lưu thông máu lên não, gây ra đột quỵ khi ngủ.
– Hút thuốc
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị xuất huyết não – một dạng đột quỵ thường gặp khi ngủ. Các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ khi ngủ không được nhận thấy cho đến khi người bệnh tỉnh dậy. Nhiều người có thể thấy họ bị giảm thị lực khi mở mắt vào buổi sáng. Một số khác thấy cánh tay mình mềm nhũn không thể ngồi dậy trên giường.
2.2 Bất ổn về tâm trạng
Tâm trạng quá phấn khích trước khi ngủ có thể gây mất ngủ, khiến cơ thể sản sinh ra nhiều hormone adrenaline làm tăng huyết áp và dẫn đến đột quỵ.
2.3 Tuổi tác
Yếu tố tuổi tác cũng có liên quan đến đột quỵ về đêm. Một nghiên cứu về đột quỵ khi ngủ cho thấy, 72 tuổi là tuổi trung bình của những người bị đột quỵ khi ngủ, còn với đột quỵ khác là 70 tuổi.
3. Cách chống đột quỵ khi ngủ bạn nên biết
Để ngăn đột quỵ khi ngủ xảy ra, bạn nên loại bỏ những nguyên nhân gây ra đột quỵ bằng các biện pháp sau đây:
3.1 Từ bỏ các thói quen xấu – Cách chống đột quỵ khi ngủ hiệu quả
– Không uống rượu bia hoặc các chất kích thích khác trước khi ngủ.
– Không ăn đêm.
– Hạn chế sử dụng hoặc để các thiết bị điện tử quan người.
– Giữ tâm trạng bình tĩnh, thoải mái để bắt đầu giấc ngủ.
– Không hút thuốc lá.
3.2 Cải thiện chế độ dinh dưỡng
Ngoài tránh ăn đêm, bạn cần cải thiện chế độ của mình:
– Nên bổ sung các loại ngũ cốc, các sản phẩm họ đậu, rau củ quả.
– Tránh đồ ngọt, thực phẩm có chất béo xấu, thức ăn nhanh, đồ chiên xào, cay nóng.
– Hạn chế thực phẩm chứa nhiều sữa động vật, chất béo, đường.
– Uống nhiều nước lọc hoặc các loại sữa hạt.
3.4 Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục giúp cải thiện hệ tuần hoàn máu tốt hơn, từ đó tránh nguy cơ đột quỵ. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên tập luyện 5 lần/tuần, mỗi lần 30 phút sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
3.5 Giữ ấm cơ thể
Giữ ấm cơ thể nói riêng và giữ gìn sức khỏe nói chung chính là điều quan trọng nhất để phòng tránh bệnh tật, đặc biệt là bệnh đột quỵ.
Giữ ấm cơ thể giúp phòng tránh tăng huyết áp, từ đó ngăn ngừa tình trạng đột quỵ do vỡ mạch máu.
3.6 Kiểm tra sức khỏe – Cách chống đột quỵ khi ngủ quan trọng
Kiểm tra, tầm soát sức khỏe giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Nếu có các yếu tố nguy cơ gây đột quy, cần chủ động điều trị hoặc can thiệp kịp thời giúp phòng tránh tối đa nguy cơ gây đột quỵ. Đối với những người mắc các bệnh lý như đái tháo đường, mỡ trong máu, tim mạch, cần theo dõi sức khỏe sát sao và điều trị hiệu quả.
Trên đây là những thông tin về đột quỵ khi ngủ và cách phòng tránh. Những thay đổi rất nhỏ trong tư duy và thói quen thường ngày, quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe là cách chống đột quỵ khi ngủ hiệu quả nhất. Khi cảm thấy sức khỏe bất thường, hãy thăm khám sớm chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị giúp dự phòng tốt bệnh đột quỵ.