Hen suyễn là tên gọi khác của hen phế quản – một bệnh lý hô hấp mạn tính. Tỉ lệ mắc hen của người Việt trung bình khoảng 3,9% dân số, tức khoảng 4 triệu người mắc. Bệnh gây tử vong cho khoảng 3.000 – 4.000 người Việt mỗi năm.
Menu xem nhanh:
1. Hen suyễn là gì?
Theo Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Hoa Kỳ (AAFA), hen suyễn là một bệnh lý mạn tính gây sưng và viêm ở các mô đường thở, dẫn đến thu hẹp đường thở.
Mặc dù có cách kiểm soát nhưng hen vẫn là một căn bệnh mạn tính có khả năng gây tử vong. Các vấn đề sức khỏe và biến chứng bệnh hen thường gặp là:
– Luôn cảm thấy mệt mỏi
– Giấc ngủ bị cản trở, gây ảnh hưởng đến công việc và các hoạt động hàng ngày
– Chứng căng thẳng, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm
– Nguy cơ nhập viện khi có cơn hen nặng gây khó thở
– Nhiễm trùng phổi (viêm phổi)
– Chậm phát triển hoặc dậy thì sớm ở trẻ
Khi lên cơn hen nặng, người bệnh có thể tử vong.
2. Các triệu chứng của bệnh hen
Các triệu chứng của bệnh hen thường biểu hiện gồm:
– Khó thở, thở nhanh, thở dốc, thở rít và khò khè, biểu hiện thở rít còn xuất hiện vào buổi đêm
– Có cảm giác đau nhói, tức hoặc bị bóp nghẹt ở ngực
– Có tiếng ran rít ở phổi, ran ngáy rải rác
– Ho, khạc đờm
– Viêm nhiễm đường hô hấp trên
– Khi ngủ khó thở, gây ra tiếng ngáy
Các triệu chứng trên biểu hiện tùy theo mức độ của bệnh. Cụ thể:
– Nhẹ: Người bệnh ít bị lên các cơn hen, thường các cơn hen nhẹ xuất hiện dưới 2 lần/tuần. Triệu chứng thường xảy ra vào ban đêm, tần suất dưới 2 lần/tháng.
– Nhẹ nhưng dai dẳng: Cơn hen nhẹ nhưng diễn ra dai dẳng, tần suất khoảng 3 – 6 lần/tuần. Triệu chứng vào ban đêm thường xảy ra 3 – 4 lần/tháng. Tình trạng hen suyễn lúc này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến các sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
– Dai dẳng ở mức độ vừa phải: Bệnh nhân xuất hiện khoảng 3 – 6 cơn hen/tuần. Tuần suất các triệu chứng xuất hiện vào ban đêm khoảng 3 – 4 lần/tháng. Những hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân bị ảnh hưởng.
– Dai dẳng ở cấp độ nặng: Các triệu chứng của bệnh có thể diễn ra liên tục bất kể ngày hay đêm. Người bệnh cần hạn chế các hoạt động nặng, tránh làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của mình.
3. Nguyên nhân của bệnh hen phế quản là gì?
Các nguyên nhân chính gây ra bệnh hen suyễn (theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ – ALA) gồm: dị ứng, béo phì, hút thuốc, ô nhiễm không khí, tình hình sức khỏe đặc thù, tiền sử gia đình. Cụ thể:
3.1 Dị ứng là nguyên nhân gây hen suyễn
Một số tác nhân gây dị ứng như mạt bụi, lông chó mèo, phấn hoa… có thể gây khởi phát bệnh hen do dị ứng.
Khi gặp các tác nhân này, hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng một loại kháng thể nhất định gọi là globulin miễn dịch E (IgE). Phản ứng miễn dịch này có thể khiến bạn thở khò khè, hắt hơi và khó thở…
3.2 Béo phì làm tăng nguy cơ mắc hen suyễn
Theo ALA, nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở những người béo phì thường cao hơn những người có cân nặng bình thường. Đặc biệt, những người có chỉ số khối cơ thể BMI từ 30 trở lên đặc biệt dễ mắc bệnh hen suyễn. Nguyên nhân là do béo phì có thể gây ra tình trạng viêm, làm hạn chế chức năng của phổi.
3.3 Hút thuốc lá
Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại có thể gây viêm, kích ứng và làm tăng tích tụ chất nhầy trong phổi, gây ra bệnh hen suyễn. Thậm chí, khói thuốc lá có thể phá hủy mô phổi.
3.4 Chất gây ô nhiễm không khí
Việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong một thời gian dài là rất nguy hiểm. Các chất gây ô nhiễm trong không khí như bụi, ozon và khí gas… có thể xâm nhập vào phổi và gây rối loạn và gián đoạn hoạt động bình thường của phổi, khiến người bệnh gặp tình trạng khó thở.
Ngay cả khi bạn hút thuốc lá thụ động cũng như sử dụng, các chất kích thích khác trong không khí như chất tẩy rửa gia dụng, thuốc trừ sâu và chất làm mát không khí…khả năng mắc bệnh cũng rất cao.
3.5 Tình trạng sức khỏe
Các tình trạng sức khỏe sau đây có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn:
Nhiễm trùng đường thở thường xuyên, đặc biệt là trong thời thơ ấu
– Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
– Bị khó thở khi ngủ
– Có polyp mũi
– Dị ứng với một số loại thực phẩm
– Thai kỳ…
3.6 Tiền sử gia đình
Các nghiên cứu cho thấy những người có cha hoặc mẹ mắc bệnh hen suyễn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 đến 6 lần so với bình thường. Những người có yếu tố này cần thăm khám sớm chuyên khoa hô hấp để được kiểm tra, phát hiện sớm bệnh hen suyễn.
4. Biện pháp phòng bệnh
Cho đến hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh hen suyễn. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tình trạng hen và ngăn bệnh tiến triển nặng hơn.
Một số giải pháp được khuyến cáo để hạn chế và phòng ngừa bệnh hen:
– Tránh xa các tác nhân gây dị ứng làm khởi phát cơn hen
– Vệ sinh nơi ở thường xuyên để đảm bảo không gian sống luôn trong sạch
– Không làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất độc hại
– Đảm bảo cân nặng ở mức phù hợp, giảm cân nếu cần
– Thường xuyên rèn luyện, tập thể dục thể thao với các bộ môn đi bộ, thể dục nhịp điệu, yoga… để nâng cao sức khỏe
– Bổ sung thêm vitamin C và các thực phẩm giúp tăng đề kháng,…
– Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm, quàng khăn, đặc biệt trong những ngày trời lạnh
– Sử dụng bộ lọc không khí trong nhà làm sạch không khí, giảm các chất gây dị ứng
– Tiêm vaccine phòng bệnh cúm hàng năm
Như vậy, hen suyễn có thể xảy ra ở bất cứ ai với nhiều mức độ bệnh khác nhau. Bệnh có thể phòng tránh bằng cách tránh xa các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh. Khi thấy các dấu hiệu của bệnh hen, cần đi khám sớm chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị.