Thấp tim là một bệnh lý tim mạch thường gặp ở trẻ từ 5 – 15 tuổi. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh thấp tim có thể để lại những di chứng nặng nề đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ ở hiện tại và tương lai. Cùng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bệnh thấp tim, các yếu tố nguy cơ và cách phòng bệnh qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh thấp tim
Các nghiên cứu y khoa khẳng định nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh thấp tim là do phản ứng chéo của cơ thể. Nguyên nhân gián tiếp gây bệnh là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (Streptocuccus A). Cụ thể, trong lớp vỏ ngoài của liên cầu A chứa các kháng nguyên là protein M, T và R. Khi chúng xâm nhập vào cơ thể chúng ta, hệ miễn dịch sẽ sinh ra kháng thể để chống lại vi khuẩn đó. Nhưng đồng thời cũng vô tình gây ra phản ứng chéo với cơ thể, chống lại các protein tương tự ở các mô liên kết, trong đó có van tim.
Các bệnh nhân nhiễm liên cầu nhóm A gây bệnh viêm họng thường dễ bị thấp tim hơn những người nhiễm liên cầu ngoài da.
2. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh
2.1 Tuổi tác
Bệnh thấp tim thường khởi phát từ các nhiễm khuẩn hô hấp đường hầu họng gây ra bởi liên cầu nhóm A và xảy ra chủ yếu ở trẻ em 5-15 tuổi. Nếu không điều trị kịp thời và triệt để, khoảng 3% số trẻ bị viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn beta nhóm A sẽ bị thấp tim.
2.2 Dân tộc
Hiện nay bệnh thấp tim trên thế giới đã được giải quyết ở các nước phát triển. Các nước khác tỉ lệ mắc bệnh này vẫn còn cao, đặc biệt là ở châu Phi và Nam Á. Ở Việt Nam tỉ lệ thấp tim ở trẻ em < 16 tuổi là 0,45%.
2.3 Điều kiện sống thấp
Kinh tế, điều kiện sinh sống khó khăn, môi trường ô nhiễm là những yếu tố thuận lợi khiến vi khuẩn phát triển và xâm nhập gây hại cho con người. Người dân ở những khu vực này có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, từ đó dễ dẫn tới bệnh thấp tim.
2.4 Khí hậu
Những người thường sống ở khí hậu lạnh, ẩm cũng có nguy cơ cao mắc bệnh thấp tim. Giai đoạn chuyển mùa (đông – xuân, xuân – hè) ở các vùng nhiệt đới, ôn đới cũng dễ gây ra các bệnh nhiễm khuẩn hầu họng, dễ tiến triển thành thấp tim.
2.5 Dị ứng
Bệnh thấp tim cũng thường xuất hiện hơn ở những người có cơ địa dị ứng như mề đay, hen phế quản, chàm,…
2.6 Vệ sinh cá nhân kém
Dù ở điều kiện nào nhưng nếu không thường xuyên chăm sóc bản thân, đặc biệt là lười đánh răng, vệ sinh vùng hầu họng thì vi khuẩn liên cầu khuẩn beta nhóm A cũng rất dễ xâm nhập và gây bệnh.
2.7 Tiền sử viêm họng
Bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm xoang,…nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất dễ biến chứng thành bệnh thấp tim.
3. Cách phòng tránh
Để phòng tránh bệnh thấp tim và những hậu quả nặng nề do bệnh gây ra, bạn cần ngăn chặn hoặc cải thiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh, bao gồm:
3.1 Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ để phòng tránh nguyên nhân dẫn đến bệnh thấp tim
Vệ sinh nhà cửa, phơi chăn màn, thay ga đệm thường xuyên, tạo môi trường sống khô ráo, thoáng đãng,…sẽ giúp “cắt đứt” đường sống của các tác nhân gây bệnh, hạn chế nhiễm khuẩn và những biến chứng không mong muốn.
3.2 Vệ sinh cơ thể thường xuyên
Thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cơ thể sẽ khiến liên cầu khuẩn không còn môi trường để sinh sôi, giảm khả năng mắc bệnh. Đặc biệt, bạn nên quan tâm hơn đến vùng mũi họng: đánh răng ít nhất 2 lần ngày, thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc họng.
3.3 Giữ ấm cơ thể giúp hạn chế nguyên nhân dẫn đến bệnh thấp tim do thời tiết
Nếu ở những nước có khí hậu lạnh hoặc mùa đông khắc nghiệt, bạn hãy cố gắng giữ cho cổ, ngực, mũi họng của mình luôn ấm. Như vậy, có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp – nguyên nhân dẫn tới thấp tim.
3.4 Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Nếu có một chế độ dinh dưỡng phù hợp, sức đề kháng của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều. Đó chính là “lá chắn” giúp phòng chống các loại bệnh tật nói chung, các bệnh đường hô hấp và nguy cơ thấp tim nói riêng.
3.5 Điều trị tốt các nhiễm khuẩn hầu họng
Phát hiện và điều trị sớm tình trạng nhiễm khuẩn hầu họng như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang sẽ giúp trẻ ít phải đối mặt với biến chứng thấp tim. Đối với trẻ 5 – 15 tuổi, cha mẹ cần chú ý theo dõi sát sao và đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ bị viêm họng nhiều lần hoặc có một trong những triệu chứng của bệnh thấp tim sau:
– Thường xuyên đau mỏi, sưng, nóng, đau khớp
– Tức ngực, đau vùng tim
– Khó thở, mệt mỏi
– Bất thường về tâm thần, vận động
3.6 Tiêm phòng
Cho đến nay, tiêm phòng vẫn là cách phòng tránh bệnh thấp tim hiệu quả, giúp ngăn bệnh tái phát, gây ra những di chứng nguy hiểm. Thuốc dùng để tiêm phòng thấp là penicillin tác dụng chậm, cần tiêm ngay sau đợt điều trị thấp cấp. Thời gian phòng thấp tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, cụ thể:
+ Đối với thấp tim có viêm cơ tim, có di chứng van tim: Dự phòng ít nhất đến 40 tuổi, có thể suốt đời.
+ Đối với thấp tim có viêm tim nhưng gây ra di chứng: Tiêm ít nhất 10 năm cho đến tuổi trưởng thành. Một số trường hợp có thể lâu hơn.
+ Đối với bệnh thấp tim không có viêm tim: Tiêm phòng liên tục trong 5 năm. Nếu trong 5 năm có 1 lần tái phát thì tiêm phòng đến 21 tuổi hoặc lâu hơn tùy trường hợp.
Loại thuốc và thời gian tiêm phòng được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa dựa trên quá trình thăm khám. Sau khi điều trị ổn định, người bệnh vẫn cần duy trì khám định kỳ để được theo dõi trong, phòng ngừa tái phát.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu được nguyên nhân dẫn đến bệnh thấp tim và cách phòng tránh bệnh hiệu quả. Hãy chủ động thăm khám thường xuyên để được chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh thấp tim.