Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ trong gan quá mức cho phép. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng với căn bệnh này, vậy người bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng ăn gì là một trong những vấn đề mà rất nhiều người bệnh quan tâm.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ
1.1. Định nghĩa
Bệnh gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích lũy quá nhiều ở gan. Bệnh gan nhiễm mỡ làm tổn thương gan và hạn chế, suy giảm chức năng loại bỏ độc tố và sản xuất mật, protein tiêu hóa vốn có của nó. Về cơ bản có 2 loại gan nhiễm mỡ: gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.
1.2. Nguyên nhân
Những người nghiện rượu, lười vận động, thừa cân, béo phì thường có nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ. Ngoài ra mỡ máu cao, tiểu đường, tác dụng của một số loại thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường, ít chất đạm, chất xơ cũng có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Nếu bệnh gan nhiễm mỡ đi kèm với viêm gan virus B, C thì có đến 25% tiến triển thành xơ gan thậm chí là ung thư gan.
1.3. Dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ qua từng giai đoạn
Ở giai đoạn đầu, bệnh dường như không gây ra các triệu chứng nên rất khó phát hiện. Người bệnh thường chỉ vô tình phát hiện bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn và nặng vùng gan. Ở giai đoạn sau, bệnh nhân sẽ xuất hiện các dấu hiệu như đau bụng, vàng da, buồn nôn. Đây là các triệu chứng cảnh báo bệnh đã tiến triển nặng và dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
2. Giải đáp người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì và tránh ăn gì?
2.1. Gan nhiễm mỡ nên ăn gì – dành cho người bị gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng với người bị gan nhiễm mỡ. Bệnh nhân cần tuân thủ thực đơn mà bác sĩ chỉ định để bệnh có cải thiện tốt. Trả lời cho câu hỏi “gan nhiễm mỡ nên ăn gì?”, các chuyên gia gan mật gợi ý những loại thực phẩm như:
– Các loại rau xanh, hoa quả tươi
Rau xanh là thực phẩm người bệnh nên tăng cường bổ sung vì tốt cho sức khỏe và hỗ trợ giảm cân. Nên tăng cường các loại rau, quả có nhiều vitamin A và vitamin E vì đây là nhóm vitamin giúp tránh tích tụ thêm mỡ lên gan.
Nấm hương chứa nhiều chất giúp làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu và trong tế bào gan. Lá sen giúp giảm mỡ máu, giảm béo, chống sự tích tụ mỡ trong gan. Rau cần làm mát gan, chứa nhiều vitamin tốt cho gan và thúc đẩy quá trình bài tiết chất thải. Ngô chứa nhiều acid béo không no, hỗ trợ giảm cân tốt. Các loại rau như rau cải xanh, cải cúc, rau muống, cà chua, mướp đắng, dưa chuột… cũng được khuyên nên tăng cường ăn vì có công dụng làm mát gan.
– Sử dụng dầu thực vật để chế biến thực phẩm
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chế tối đa mỡ động vật và thay vào đó nên sử dụng dầu thực vật như dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu phộng…
– Chọn đồ uống làm mát gan
Người bệnh nên uống các loại nước có công dụng thanh lọc gan, mát gan như trà atiso, trà vối, trà xanh,… Những loại trà này còn giúp điều hòa cơ thể và hạn chế mỡ tích tụ trong gan.
– Tăng cường ăn cá biển
Cá biển rất tốt cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ vì chứa ít chất béo.
– Ăn nhiều thịt nạc
Người bị gan nhiễm mỡ nên hạn chế các loại thịt mỡ. Thay vào đó nên ăn thịt nạc cung cấp đủ protein và năng lượng cho cơ thể.
– Bổ sung các loại gia vị
Hành, tỏi, nghệ vì trong tỏi có chứa hoạt chất Allicin giúp kiểm soát lượng cholesterol xấu trong máu, trong gan. Tinh bột nghệ lại có công dụng tiêu hóa chất béo, phục hồi và giảm tình trạng tổn thương của gan.
2.2. Gan nhiễm mỡ nên ăn gì – dành cho người bị gan nhiễm mỡ độ 3
Độ 3 là giai đoạn nặng nhất của bệnh gan nhiễm mỡ bởi nguy cơ biến chứng thành viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan rất cao. Ở giai đoạn này, người bệnh cần đặc biệt chú ý và tuân thủ chế độ dinh dưỡng của mình. Người bệnh nên ăn tối thiểu 200g quả chín tươi, 300g rau xanh/ngày và cân đối theo tỷ lệ 1g chất/1kg cơ thể/1 ngày.
Do đây là giai đoạn nguy hiểm của bệnh nên người bệnh nên nhờ bác sĩ tham vấn cho thực đơn chi tiết gồm những món gì, trọng lượng ra sao để có kết quả điều trị tốt. Đồng thời người bệnh gan nhiễm mỡ cấp độ 3 cũng cần thăm khám thường xuyên để phòng ngừa bệnh gây biến chứng nguy hiểm hơn.
2.3. Nhóm thực phẩm người bị gan nhiễm mỡ nên hạn chế hoặc tránh xa
– Rượu: rượu, đồ uống có cồn là nguyên nhân chính gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, làm tình trạng nhiễm mỡ ở gan chuyển nặng. Khi bị bệnh mà vẫn tiếp tục uống bia rượu sẽ làm quá trình chuyển biến thành xơ gan, ung thư gan diễn ra nhanh hơn rất nhiều. Khi uống rượu, bia, gan phải hoạt động liên tục để đào thải toàn bộ chất độc trong bia rượu ra ngoài cơ thể khiến chức năng gan suy giảm.
– Đường, muối: các loại đồ ăn chứa nhiều đường là những thực phẩm mà bệnh gan nhiễm mỡ phải tránh xa hoàn toàn. Đây là nhóm thực phẩm làm lượng đường trong máu tăng cao, khiến chất béo dễ tích tụ trong gan. Trong khi đó muối là gia vị khiến cơ thể tích nước khi ăn quá mức cho phép.
– Nhóm tinh bột như bánh mì trắng, gạo: có thể làm tăng lượng đường trong máu nhiều hơn. Tuy nhiên không nên kiêng khem thái quá vì đây cũng nhóm chất cần thiết cho sức khỏe. Thay vào đó người bệnh nên xen kẽ ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, bún lứt …
– Nhóm các loại thịt đỏ, thịt nguội: đây cũng là nhóm cần hạn chế do chứa nhiều chất béo bão hòa, ăn quá nhiều khiến tình trạng gan nhiễm mỡ nặng hơn.
– Mít, sầu riêng: người bệnh chỉ nên ăn ít, tránh ăn nhiều vì hai loại quả này rất khó tiêu hóa, làm chức năng gan bị suy giảm và quá trình thải độc trở nên khó khăn. Sầu riêng chứa quá nhiều đường, không phù hợp với người bị gan nhiễm mỡ.
– Hạn chế gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng vì sẽ làm hạn chế hoạt động của gan.
3. Chế độ sinh hoạt cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ
Lối sống, thói quen sinh hoạt dành cho người bệnh gan nhiễm mỡ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo cần thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe gan và tăng cường hệ miễn dịch bằng cách:
– Duy trì tập luyện thể dục thể thao, lựa chọn những môn yêu thích và tập khoảng 30 phút mỗi ngày. Tập luyện kết hợp với ăn uống lành mạnh giúp giảm cân, kiểm soát tình trạng mỡ trong gan.
– Kiểm soát bệnh tiểu đường: bệnh tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ thường xảy ra cùng lúc khiến tình trạng bệnh chuyển biến xấu nhanh hơn.
Ngoài ra, người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên thường xuyên đến các bệnh viện để kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Việc thăm khám định kỳ sẽ phát hiện bệnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được các biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân nên lựa chọn xét nghiệm gan, kiểm tra chức năng gan để biết rõ tình trạng gan của mình.
Nếu cần được tư vấn thêm về gan nhiễm mỡ nên ăn gì, triệu chứng gan nhiễm mỡ như thế nào hoặc đặt lịch kiểm tra gan, mời bạn liên hệ với hotline 1900 558892 để được hỗ trợ nhanh chóng.