Nấm ống tai là một trong những bệnh lý dễ mắc ở mọi độ tuổi. Không chỉ gây ra cảm giác ngứa ngáy, nấm tai còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng nghe. Vậy nguyên nhân vì sao bị nấm tai và điều trị như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Nấm ống tai là gì?
Nấm ống tai là tình trạng vi nấm phát triển ở vùng ống tai ngoài. Tương tự như các bệnh nấm thông thường, có rất nhiều loại vi nấm có thể “trú ngụ” và phát triển trong tai. Tuy nhiên, hai loại vi nấm phổ biến gây ra bệnh nấm tai thường gặp là Candida và nấm Aspergillus.
Mặc dù là bệnh thường gặp nhưng không phải ai cũng dễ mắc nấm tai nếu luôn duy trì vệ sinh tai sạch sẽ. Nói cách khác, khi ống tai không được vệ sinh thường xuyên, tạo môi trường ẩm thì nguy cơ bị nhiễm nấm tai là rất cao.
2. Các yếu tố gia tăng nguy cơ nấm tai
Ngoài việc vệ sinh tai không sạch sẽ thì nếu bạn thuộc nhóm dưới đây, tỷ lệ bị nhiễm nấm tai cũng sẽ cao hơn thông thường:
2.1. Người thường xuyên bơi lội tại các bể bơi tập thể
Chúng ta thường lầm tưởng bể bơi tập thể chứa Clo thì sẽ khử trùng mọi vi khuẩn trong nước. Thực tế ngược lại, nhất là ở các bể bơi công cộng. Do lượng người tắm thường xuyên đông và không phải lúc nào nước cũng được thay liên tục nên sự xuất hiện của các vi sinh vật trong đó có vi nấm là điều không thể tránh khỏi.
Sau khi bơi tại bể công cộng, nếu không dốc hết nước từ bể bơi khỏi tai và làm vệ sinh tai thì rất có thể vi nấm sẽ bám trú trong tai và phát triển.
2.2. Người có thói quen lấy ráy tai ở tiệm cắt tóc
Kết quả từ nhiều thống kê cho thấy việc lấy ráy tai ở các tiệm cắt tóc mang đến nguy cơ nhiễm nấm tai rất lớn do dụng cụ thường xuyên sử dụng từ tai người này sang tai người khác có thể chưa được vệ sinh một cách kỹ lưỡng.
2.3. Người suy giảm miễn dịch
Bên cạnh yếu tố từ thói quen nêu trên thì những người bị suy giảm miễn dịch cũng là yếu tố khiến dễ mắc nấm tai. Hệ thống miễn dịch suy giảm khiến cơ thể không loại trừ được các vi nấm khi tấn công tai, đặc biệt là ở các bệnh nhân bị tiểu đường hoặc đang trong quá trình điều trị bệnh có sử dụng thuốc chứa corticoid trong thời gian dài.
2.4. Phụ nữ bị nấm âm đạo
Chị em bị nhiễm nấm âm đạo có nguy cơ cao bị nấm tai Candida do cơ thể sẵn nguồn lây nhiễm.
3. Nhận biết nấm tai như thế nào?
Nấm tai tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng mang đến không ít khó chịu cho người bệnh. Nếu có những biểu hiện dưới đây, hãy nghĩ đến những triệu chứng của nấm ống tai:
– Ngứa tai liên tục. Đây là dấu hiệu điển hình của các bệnh nấm. Mức độ ngứa tăng dần theo mức độ phát triển của nấm. Cảm giác ngứa khiến người bệnh ngoáy tai liên tục, vô tình làm tổn thương niêm mạc ống tai và tạo điều kiện để nấm càng phát triển.
– Ù tai xuất hiện khi nấm lan rộng. Nguyên nhân nấm gây cản trở luồng không khí, âm thanh vào trong tai gây ra cảm giác ù tai. Dần dần, thính lực bị ảnh hưởng, nhất là với người bị nấm hai tai thì khả năng nghe bị giảm đáng kể.
– Tai bị đau. Ngoài ngứa tai thì người bị nấm tai còn cảm thấy những cơn đau âm ỉ trong tai. Khi ngáp hoặc nhai có thể cảm thấy rõ hơn những cơn đau này.
– Vành tai, vùng ống tai ngoài đỏ.
– Khi nấm ống tai tiến triển ở mức độ nghiêm trọng sẽ gây ra tình trạng chảy dịch trăng hoặc vàng, nâu, gì bẩn ra phía ngoài vành tai.
Khi thăm khám và nội soi tai, hình ảnh cho thấy:
– Những mảng nấm xuất hiện trong tai và những vùng tổn thương niêm mạc
– Lấy mẫu quan sát dưới kính hiển vi sẽ thấy những mảnh nấm màu trắng với nấm Candida và những nút ẩm trắng có thể có những tấm đen với nấm Aspergillus.
4. Điều trị nấm ống tai như thế nào?
Nấm ống tai tuy ít nguy hiểm nhưng quá trình điều trị kéo dài và mất nhiều thời gian. Nấm tai nặng là yếu tố gia tăng nguy cơ viêm tai giữa, mất thính lực. Phát hiện sớm và điều trị sớm giúp việc điều trị được dễ dàng hơn do nấm phát triển ở giai đoạn đầu dễ loại bỏ.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ gắp và làm sạch nấm khỏi ống tai và tra thuốc trị nấm trực tiếp vào vùng bị tổn thương. Ở mức độ nhẹ, chỉ cần sử dụng thuốc trị nấm bôi da kiên trì đã có thể tiêu diệt hoàn toàn nấm tai. Thời gian điều trị trung bình kéo dài trong khoảng 3 đến 4 tuần
Tuy nhiên nếu nấm ăn sâu, rộng và gây chảy rỉ thì việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian hơn. Song song với đo, ngoài việc bôi thuốc nấm thường xuyên cần kết hợp với thuốc kháng nấm đường uống phổ rộng. Thời gian điều trị có thể kéo dài đến 3 tháng hoặc lâu hơn, tùy thuộc mức độ nhiễm nấm.
Khi điều trị nấm tai, người bệnh cần lưu ý sử dụng hết thuốc và điều trị dứt điểm. Nhiều bệnh nhân khi thấy hết triệu chứng dừng quá trình điều trị. Điều này khiến cho vi nấm không được loại bỏ hoàn toàn và nấm tai tiếp tục tái lại khi gặp điều kiện thuận lợi.
5. Phòng tránh nấm tai như thế nào?
Nấm tai hoàn toàn có thể phòng tránh nếu đôi tai được chăm sóc và bảo vệ đúng cách.
5.1. Luôn giữ vệ sinh tai
Giữ vệ sinh tai là vô cùng quan trọng giúp tai được khỏe mạnh. Trong đó, cần ghi nhớ:
Tránh nước ứ trong tai quá lâu. Sau khi tắm hay bơi, cần nghiêng tai và giậm chân để nước thoát hết ra bên ngoài. Nếu thường xuyên bơi ở bể bơi công cộng cần vệ sinh tai bằng nước muối sinh lý sau khi bơi.
5.2. Không cần lấy sạch ráy tai khi không cần thiết
Nhiều người quan niệm phải lấy ráy tai mới sạch. Thực thế ráy tai có chức năng ngăn bụi vào sâu bên trong. Ráy tai hoàn toàn có thể tự đẩy ra ngoài mà không cần can thiệp. Bạn chỉ nên lấy ráy tai khi chúng tích tụ dày và có dấu hiệu không đẩy được ra bên ngoài. Khi lấy ráy tai, tốt nhất nên đến phòng khám tai mũi họng để được lấy đúng cách và đảm bảo vệ sinh.
5.3. Cẩn trọng với thói quen ngoáy tai
Nhiều người có thói quen sử dụng tăm bông hoặc đưa tay ngoáy tai để cảm thấy “dễ chịu hơn”. Tuy nhiên thói quen này vô tình đưa bụi bẩn và các vi khuẩn, vi nấm vào trong tai dễ dàng hơn.
Trên đây là một số kiến thức về bệnh nấm tai. Hi vọng rằng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này, cách điều trị cũng như cách phòng tránh để có đôi tai khỏe mạnh.