Mũi tiêm Hexaxim: Công dụng, liều dùng và lưu ý sử dụng

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Mũi tiêm Hexaxim được nghiên cứu và sản xuất bởi công ty dược phẩm Sanofi Pasteur (Pháp), có tác dụng phòng tránh 6 bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm mà trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc phải trong những năm đầu đời.

1. Thông tin chung về vắc xin Hexaxim ngừa 6 bệnh truyền nhiễm

1.1. Mũi tiêm Hexaxim ngừa 6 bệnh

Vắc xin Hexaxim là một loại vắc xin 6 trong 1 được nghiên cứu và sản xuất bởi công ty dược phẩm Sanofi Pasteur (Pháp), có tác dụng phòng tránh 6 bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm mà trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc phải trong những năm đầu đời là:

– Bệnh bạch hầu.

Bệnh ho gà.

– Bệnh uốn ván.

– Bệnh bại liệt.

Bệnh viêm gan B.

– Bệnh viêm màng não mũ và viêm phổi do vi khuẩn Hib.

Vắc xin Hexaxim bản chất là giải độc tố bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, hoạt động bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của trẻ sản sinh kháng thể chống lại 6 bệnh lý kể trên. Các kháng thể được tạo ra nhờ vắc xin sẽ tồn tại trong cơ thể và nếu trẻ tiếp xúc tự nhiên với các loại vi khuẩn, virus hoặc độc tố gây bệnh, các kháng thể này sẽ cho phép hệ thống miễn dịch nhanh chóng nhận ra, tấn công và ngăn cản chủng gây bệnh.

Nếu không được tiêm ngừa đầy đủ, trong trường hợp nhiễm bệnh, trẻ có nguy cơ tử vong rất cao bởi cơ thể không thể tự sinh kháng thể miễn dịch tự nhiên. Nói cách khác, tiêm ngừa là biện pháp bảo vệ sức khỏe tối ưu dành cho trẻ nhỏ trong những giai đoạn đầu đời.

1.2. Chỉ định, chống chỉ định và thận trọng khi sử dụng mũi tiêm Hexaxim

Chỉ định tiêm phòng

– Vắc xin Hexaxim phải được tiêm bắp, thường vị trí tiêm cho trẻ nhỏ là mặt trước hoặc ngoài của phần trên đùi. Đối với trẻ trên 15 tháng tuổi có thể tiêm vào vùng cơ delta. Không được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm mạch máu.

– Trước khi thực hiện tiêm ngừa, lọ vắc xin hoặc bơm tiêm đã nạp sẵn vắc xin cần được lắc đều để hỗn dịch tiêm đồng nhất.

– Tuyệt đối không trộn chung vắc xin Hexaxim với các vắc xin khác.

mũi tiêm hexaxim

Trước khi thực hiện tiêm ngừa cần được lắc đều bơm tiêm để hỗn dịch tiêm đồng nhất.

Chống chỉ định tiêm phòng

– Trẻ có tiền sử phản ứng với vắc xin Hexaxim hoặc quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin.

– Trẻ có bệnh lý ở não không rõ nguyên nhân, xảy ra trong vòng 7 ngày sau khi tiêm phòng vắc xin có thành phần ho gà. Trong trường hợp này nên ngừng tiêm ngừa ho gà để tiếp tục quá trình tiêm chủng với vắc xin bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib.

– Trẻ bị bệnh thần kinh, động kinh không kiểm soát.

Thận trọng khi sử dụng

– Tương tự tất cả các loại vắc xin đường tiêm khác, cần thận trọng khi sử dụng mũi tiêm Hexaxim cho trẻ bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu vì có thể xảy ra tình trạng chảy máu sau tiêm.

– Trong vắc xin Hexaxim có một lượng rất nhỏ các chất glutaraldehyde, neomycin, streptomycin và polymycin B, do đó cần cẩn trọng với những trẻ có tiền sử dị ứng với những chất này.

– Trẻ đang có các vấn đề sức khỏe hoặc bị dị ứng.

– Trước đây sau khi tiêm vắc xin uốn ván trẻ bị hội chứng Guillain-Barré (nhạy cảm bất thường, liệt) hay viêm dây thần kinh cánh tay.

– Trẻ đang tiếp nhận điều trị với thuốc ức chế miễn dịch hoặc trẻ bị suy giảm miễn dịch.

Cân nhắc cẩn thận khi quyết định sử dụng tiếp các vắc xin có thành phần ho gà cho trẻ nếu từng xảy ra một trong các trường hợp sau:

– Trẻ sốt trên 40 độ trong vòng 48 tiếng sau tiêm mà không phải do nguyên nhân khác.

– Trẻ bị trụy mạch hay có trạng thái giống sốc trong vòng 48 tiếng sau tiêm.

– Trẻ quấy khóc dai dẳng, kéo dài trên 3 tiếng, xảy ra trong vòng 48 tiếng sau tiêm.

– Trẻ co giật, có thể kèm theo sốt hoặc không, xảy ra trong vòng 3 ngày sau tiêm.

mũi tiêm hexaxim

Phụ huynh hãy tham khảo tư vấn từ bác sĩ để trẻ có quá trình tiêm chủng an toàn nhất.

2. Liều dùng của mũi tiêm Hexaxim

Vắc xin Hexaxim sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 24 tháng tuổi với lịch tiêm gồm 4 mũi như sau:

– Mũi đầu: Lần tiêm đầu tiên.

– Mũi thứ hai và ba: Cách mũi đầu và cách nhau liên tiếp 1 tháng.

– Mũi thứ tư tức mũi nhắc lại: 12 tháng sau mũi thứ ba.

Trong quá trình tiêm sử dụng liều 0.5ml với đường dùng là tiêm bắp.

Lưu ý:

– Theo thông tin kê toa, vắc xin Hexaxim có thể được tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Tuy nhiên để phù hợp nhất với lịch tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam, có thể thực hiện tiêm ngừa cho trẻ lúc đủ 2 tháng tuổi hoặc trên 8 tuần tuổi.

– Nếu liều tiêm thứ ba của trẻ kết thúc sau 12 tháng thì ít nhất 6 tháng sau phải tiêm nhắc lại để đảm bảo trẻ tiêm đủ 4 mũi trước 24 tháng tuổi.

– Có thể thay thế vắc xin Hexaxim với vắc xin Infanrix Hexa ở các lần tiêm.

– Cân nhắc việc tiêm vắc xin Hexaxim với vắc xin thủy đậu trong cùng thời điểm. Tùy tình huống cụ thể để quyết định tiêm cùng lúc ở 2 vị trí khác nhau hoặc tiêm vắc xin nào trước để đáp ứng tối đa hiệu quả phòng bệnh và không cần quan tâm đến khoảng cách tiêm mũi còn lại.

mũi tiêm hexaxim

Vắc xin Hexaxim sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 24 tháng tuổi với lịch tiêm gồm 4 mũi.

3. Lưu ý sau khi tiêm vắc xin Hexaxim ngừa 6 bệnh cho trẻ

Mũi tiêm Hexaxim có độ an toàn cao và được sử dụng cực kỳ phổ biến, tuy nhiên sau khi tiêm trẻ có thể gặp phải một vài phản ứng nhẹ, không kéo dài và không yêu cầu điều trị bởi đó là phản ứng đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Cụ thể:

– Các phản ứng thường gặp nhất bao gồm đau tại vị trí tiêm, sưng đỏ, trẻ dễ kích động, quấy khóc. Các triệu chứng này thường gặp trong vòng 48 tiếng sau tiêm và có thể kéo dài đến 72 tiếng rồi tự khỏi và không cần điều trị đặc hiệu.

– Các phản ứng toàn thân gồm sốt, dễ kích động, chán ăn, buồn ngủ, mệt mỏi, tiêu chảy, ói mửa, quấy khóc. Hiếm hơn có thể xuất hiện mề đay, phát ban ngoài da, co giật trong vòng 48 tiếng sau tiêm.

– Sau khi tiêm vắc xin chứa thành phần Hib, một số phản ứng sưng phù ở chi dưới cũng được ghi nhận, thường khởi phát trong 24-72 tiếng sau tiêm và đi kèm với sốt, đau, quấy khóc. Sau 3-5 ngày phản ứng sẽ tự biến mất.

Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu lạ không tự biến mất, sốt cao không ngừng,… phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Trên đây là những thông tin chung về mũi tiêm Hexaxim ở trẻ. Hi vọng những thông tin này đã giúp quý phụ huynh hiểu rõ hơn về vai trò, hướng dẫn sử dụng của vắc xin và có những quyết định tiêm ngừa hiệu quả cho trẻ. Nếu quý phụ huynh có bất kỳ thắc mắc nào có thể liên hệ Thu Cúc TCI để được đội ngũ y bác sĩ hỗ trợ giải đáp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital