Phù chân khi mang thai không phải là hiện tượng hiếm gặp ở bà bầu. Triệu chứng này không đáng lo ngại nhưng cũng cần biết cách nhận biết những bất thường nếu có và quan trọng hơn là những giải pháp giúp “trị” chứng phù chân khi mang thai.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao bị phù chân khi mang thai?
Có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng phù chân khi mang thai. Đó là:
1.1. Sự cản trở máu trở về tim
Càng về tháng cuối khi thai nhi càng lớn dần sẽ làm tăng áp lực lên ổ bụng, gây ra lực ép lên các tĩnh mạch vùng chậu khiến máu khó chảy trở về tim. Vì thế rất nhiều mẹ bầu bị phù chân khi mang thai tháng thứ 9.
Ngoài ra sự cản trở máu về tim còn có thể do mẹ bầu mặc đồ quá chật; thai lớn; chơi các môn thể thao nặng; khiêng vác nặng…Ngồi lâu hoặc ngồi bắt chéo chân cũng có thể là lý do gây ra phù chân khi mang thai.
1.2. Giảm hoạt động bơm máu của cơ vùng chân
Nguyên nhân thứ hai gây ra phù chân khi mang thai là go sự giảm hoạt động bơm máu của cơ vùng chậu. Cụ thể, có thể do mẹ bầu đứng làm việc hoặc ngồi lâu trong thời gian dài; mẹ bầu đi giày cao gót thường xuyên hay có những bệnh về thần kinh trước đó.
2. Phù chân khi mang thai thế nào là nguy hiểm?
Mặc dù phù chân khi mang thai là biểu hiện bình thường và không hiếm gặp nhưng cũng có thể là triệu chứng cảnh báo nguy hiểm. Nếu chị em bị phù cả tay hoặc mặt thì nên nghỉ ngơi hợp lý và biết cách chăm sóc để giảm các triệu chứng sưng nề.
Còn khi phù chân kéo dài lâu ngày kèm theo triệu chứng đau đầu, đau bụng, mờ mắt thì mẹ bầu cần đi khám càng sớm càng tốt vì đây cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Tiền sản giật thì đây là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
3. Cách làm giảm phù chân khi mang thai
Mẹ bầu cũng có thể tham khảo những biện pháp dưới đây để làm giảm tình trạng phù chân khi mang thai
3.1. Chế độ dinh dưỡng
- Đảm bảo cung cấp đủ nguồn đạm cho cơ thể bằng cách ăn đủ lượng thực phẩm giàu protein chất lượng cao (có trong thịt, cá, tôm, trứng, sữa…). Ngoài ra, mẹ cũng nên ăn các thực phẩm giàu chất sắt mỗi tuần.
- Hạn chế ăn mặn vì nó làm tăng áp lực lên thận
- Nên lựa chọn những đồ ăn dễ tiêu, không ăn thức ăn gây đầy hơi (như gạo nếp, khoai lang, hành tây…) để đảm bảo lưu thông máu tốt hơn, giảm phù nề.
3.2. Chế độ nghỉ ngơi
- Mẹ nên nằm nghiêng về bên trái để giảm bớt áp lực lên các tĩnh mạch. Có thể kê thêm một chiếc gối kê chân khi ngủ để xoa dịu và giảm chứng phù chân.
- Không nên đứng hay ngồi một chỗ quá lâu, không nên ngồi bắt chéo chân
3.3. Chế độ sinh hoạt, vận động
- Mẹ bầu không nên mang giày cao gót hay giày, dép quá chật vì có thể gây ra chứng tấy kẽ chân, chai, sần ngón chân…Tốt nhất mẹ nên sử dụng những loại giày hay dép phù hợp với kích thước chân và có độ cao vừa phải (khoảng 1 – 3cm). Khi có điều kiện thì nên để chân được thư giãn bằng cách cởi giày, dép và thay bằng dép đi trong nhà)
- Mẹ bầu không nên nhịn tiểu vì nước tiểu trữ trong bàng quang cũng làm tăng mức độ sưng phù.
- Thường xuyên massage chân để tạo cảm giác thoải mái. Có thể ngâm chân trong nước ấm pha chút muối loãng trước khi đi ngủ để vừa có giấc ngủ sâu hơn lại thoải mái, dễ chịu hơn.
- Nên đi bộ nhẹ nhàng để tốt cho cả mẹ và thai nhi, dễ dàng hơn cho quá trình vượt cạn.
- Mẹ bầu có thể áp dụng bài tập sau: ngồi xếp bằng chân trái, giữ lưng thẳng, cánh tay trái ôm chặt đầu gối phải và tay phải nhấc bàn chân phải lên khỏi mặt đất. Sau đó, xoay quanh cổ chân theo một vòng tròn lớn và gập bàn chân lại, tiếp theo là xoay từng ngón chân theo chữ O trong không khí, sau đó đổi chân. Nếu tập đều đặn mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần trong 10 phút chắc chắn sẽ giảm cảm giác đau mỏi cho mẹ bầu.
Trên đây là những phương pháp giúp giảm phù chân khi mang thai mà các mẹ bầu nên tham khảo. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ bệnh viện ĐKQT Thu Cúc để được tư vấn giải đáp.
Xem thêm
>> Bị sốt khi mang thai – Mẹ bầu hết sức cẩn thận
> Chuột rút khi mang thai: Nguyên nhân và cách xử trí
Sản phụ khoa – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc