Đo mật độ xương giúp bạn nắm bắt tình trạng sức khỏe xương. Vậy mật độ xương bao nhiêu là bị loãng xương? Những trường hợp nào cần đo mật độ xương? Cùng tìm hiểu ngay nhé.
Menu xem nhanh:
1. Mật độ xương là gì?
Mật độ xương được xác định bằng lượng mô khoáng trên một đơn vị diện tích (g/cm2) kiểm tra bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Với một số kỹ thuật khác, mật độ xương biểu hiện lượng chất khoáng trên đơn vị thể tích xương (g/cm3).
Mật độ xương chậu (hip bone density) được dùng phổ biến để đánh giá độ chắc của xương và tiên lượng nguy cơ gãy xương ở vị trí khác nhau của bộ xương. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ mãn kinh hay sau khi cắt buồng trứng, mật độ xương cột sống hay được dùng để đánh giá sự biến đổi xương.
2. Mật độ xương bao nhiêu là bị loãng xương?
Mật độ xương bao nhiêu là bị loãng xương? Khi đo mật độ xương, sẽ dùng 2 chỉ số là T-Score và Z-Score để đánh giá. Cụ thể như:
– Khi T-Score từ – 1SD trở lên thì xương bình thường.
– Khi T-Score dưới – 1SD đến – 2,5SD, tức là đã bị thiếu xương, hay tiền loãng xương.
– Khi T-Score dưới – 2,5SD, tức là đã bị loãng xương.
– Khi T-Score dưới – 2,5 SD kèm tiền sử hoặc hiện tại có gãy xương, tức là đã bị loãng xương nặng.
Nếu không có điều kiện đo mật độ xương, thì có thể xác định bệnh loãng xương khi có 1 số biến chứng hoặc triệu chứng lâm sàng như gãy xương sau chấn thương nhẹ, đau xương, đau cột sống thắt lưng,…
Khi đã xác định bị thiếu xương thì bạn cần có giải pháp dự phòng tích cực, còn nếu đã bị loãng xương thì ngoài việc điều trị bệnh và kiểm tra định kỳ và hỗ trợ điều trị tích cực, kiên trì, kéo dài trong suốt quãng đời còn lại.
3. Những trường hợp nào cần đo mật độ xương?
Các chuyên gia về loãng xương khuyến cáo các đối tượng sau đây cần xét nghiệm mật độ xương:
– Tất cả những phụ nữ mãn kinh, dưới 65 tuổi, và có một trong những yếu tố nguy cơ:
– Tiền sử gãy xương ở sau 30 tuổi.
– Có người thân (cha mẹ ruột, anh chị em ruột) từng bị gãy xương.
– Hút thuốc lá
– Cân nặng thấp (<56 kg)…
– Tất cả phụ nữ 65 tuổi trở lên, bất kể có hay không có một yếu tố nguy cơ nào.
– Phụ nữ sau mãn kinh với tiền sử gãy xương.
– Phụ nữ đã từng được điều trị bằng liệu pháp thay thế hoóc-môn trong một thời gian dài (trên 10 năm).
– Đàn ông 70 tuổi trở lên.
– Đàn ông từ 50-69 tuổi, có các yếu tố nguy cơ:
– Giảm năng tuyến sinh dục nam (Hypogonadism).
– Tăng glucocorticoid.
– Nghiện thuốc lá và rượu.
– Suy thận…