Mắt bé bị lé – Dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Mắt bé bị lé là một dấu hiệu mà cha mẹ không nên chủ quan, xem nhẹ bởi có thể là sự cảnh báo cho nhiều căn bệnh nguy hiểm xảy đến trong tương lai. Do đó, cha mẹ cần theo dõi, để ý tình trạng thị lực của con và cần đưa bé tới bệnh viện để kiểm tra, điều trị càng sớm càng tốt.

1. Tìm hiểu chung về tình trạng lé mắt ở bé

Hiện nay, tình trạng lác mắt ở các em bé ngày càng gia tăng. Đây là tình trạng hai mắt nhìn nhưng không thẳng hàng, không cùng nhìn về một phía mà theo các hướng khác nhau. Một mắt của bé có thể nhìn thẳng về trước, trong khi mắt kia có thể nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới.

Tình trạng mắt lác (mắt lé) là do nhiều nguyên nhân gây nên, bao gồm:

– Dây thần kinh thị giác, trung khu thần kinh thị giác bị tổn thương hoặc có tổn thương tại cơ vận nhãn như nhược thị thực thể (đục thủy tinh thể).

– Trẻ mắc tật khúc xạ (cận thị nặng, viễn thị không được điều trị).

– Liệt cơ vận nhãn.

– Do di truyền.

– Tổn thương não, các dây thần kinh vận nhãn có thể do khối u…

mắt bé bị lé

Mắt lé ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

2. Mắt bé bị lé là dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm nào?

Nhiều cha mẹ vẫn còn chủ quan với dị tật mắt lác (hay còn gọi là mắt lé) ở bé, cho rằng chỉ là khiếm khuyết nhỏ, lớn lên sẽ đỡ. Nhưng thực tế nếu vấn đề này không được điều trị sớm và triệt để thì rất dễ dẫn tới một số bệnh nguy hiểm sau này.

Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy mắt bé bị lé vì đó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm.

– Đục thủy tinh thể bẩm sinh.

– Khối u võng mạc.

Viêm màng bồ đào.

– Tổn thương ở não bộ.

Tình trạng này kéo dài còn ảnh hưởng tới chất lượng học tập, vui chơi và phát triển của trẻ nhỏ. Trẻ sẽ gặp khó khăn trong quá trình tiếp thu kiến thức, tham gia tìm hiểu khám phá xã hội hoặc các hoạt động ở trường, ở nhà… Đồng thời, trẻ bắt đầu thấy tự ti, rụt rè và ái ngại hơn.

3. Cách điều trị cho bé bị lác

Khi cha mẹ thấy trẻ có những dấu hiệu nhìn lệch thì cần đưa tới bệnh viện kiểm tra ngay. Việc phát hiện sớm sẽ rất có ích cho hiệu quả điều trị, tránh những các vấn đề về mắt nghiêm trọng khác xảy đến.

3.1. Chỉnh kính ở mắt bé bị lé

Là phương pháp có vai trò quan trọng trong điều trị lác mắt. Điều chỉnh kính sẽ giúp hình ảnh trẻ nhìn thấy được rõ nét và cải thiện tình trạng nhìn lệch của cả 2 mắt.

– Trẻ dưới 2 tuổi bị lác kèm viễn thị thì cần điều chỉnh kính khi viễn thị 2 độ. Bình thường chỉ cần chỉnh kính khi viễn thị 4 độ nếu không bị lác.

– Chỉnh kính khi trẻ loạn thị từ 1 độ trở lên và có kèm theo loạn thị.

– Nếu trẻ dưới 2 tuổi bị cận thị trên 5 độ thì cần được chỉnh kính. Còn đối với trẻ dưới 4 tuổi vừa bị mắt lác, vừa bị cận thì thì cần chỉnh kính khi cận 3 độ.

– Nhược thị do lác mắt nếu được điều trị sớm thì khả năng phục hồi sẽ tốt hơn.

phương pháp điều trị mắt lác

Chỉnh kính là phương pháp quan trọng trong việc điều trị mắt lác

3.2. Phương pháp bịt mắt

Phương pháp này khá hiệu quả đối với trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể dùng băng mắt hoặc miếng vải sẫm màu hình bầu dục, hai đầu có dây để quấn quanh đầu. Với trẻ đeo kính có thể dùng băng dán có màu đục dán lên mắt kính. Phương pháp này có thể áp dụng cho cả bên mắt lành lẫn mắt lác.

– Bịt mắt lành: Với trường hợp này thì bắt buộc mắt lác phải làm việc liên tục, điều này giúp thị lực phục hồi nhanh chóng. Thời gian bịt mắt có thể kéo dài từ 3 đến 6 ngày/tuần. Trong quá trình thực hiện, cha mẹ cần lưu ý đề phòng nhược thị ở mắt lành.

– Bịt mắt bị lác: Nên thực hiện trong nhiều tuần để thấy được kết quả.

– Bịt mắt luân phiên, tức là mỗi ngày bịt một mắt để cân bằng cả hai bên.

3.3. Phẫu thuật nếu mắt bé bị lé nặng

Phẫu thuật là bước cuối cùng để chỉnh lại độ lé. Phương pháp này giúp điều chỉnh sự cân bằng của các cơ bám trên mắt, bởi đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến mắt bé bị lé. Phẫu thuật mắt lác được đánh giá là đơn giản, thời gian thực hiện khoảng 20 – 40 phút và cha mẹ có thể đưa trẻ về nhà luôn sau mổ. Cha mẹ nên thực hiện mổ lác cho trẻ càng sớm để có kết quả tốt, tránh để tổn thương kéo dài bởi tình trạng lác càng nặng thì càng khó điều trị và hiệu quả đạt được cũng không cao

Sau khi phẫu thuật, cha mẹ cần vệ sinh mắt cho trẻ bằng cách dùng nước lọc hoặc nước khoáng. Đặc biệt là cần sử dụng khăn rửa mặt riêng. Thường xuyên rửa tay cho trẻ và nhắc nhở trẻ hạn chế dùng tay dụi mắt tránh gây nhiễm trùng.

4. Phương pháp chăm sóc trẻ bị mắt lác

Bên cạnh việc điều trị thì cha mẹ cũng cần chú ý tới việc chăm sóc mắt bé bị lé để cải thiện thị lực như là:

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng với đầy đủ nhóm chất thiết yếu. Đặc biệt chú trọng các thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, trứng, đu đủ, cá chép,…. Những thực phẩm này sẽ giảm tình trạng mỏi do lác mắt gây ra, bảo vệ giác mạc.

– Hướng dẫn trẻ thiết kế thời gian sinh hoạt cho đôi mắt hợp lý. Tránh để trẻ xem tivi, dùng máy tính, điện thoại,… quá lâu. Cách 30 phút/lần nên cho mắt được nghỉ ngơi để tránh tình trạng tăng áp lực lên đôi mắt. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời để tăng cường vận động và bảo vệ sức khỏe thị giác.

– Lên lịch kiểm tra mắt định kỳ để theo dõi, phát hiện sớm dấu hiệu bất thường và ngăn chặn biến chứng trong tương lai.

khám mắt cho bé

Kiểm tra mắt định kỳ giúp cha mẹ phát hiện sớm trẻ có bị lác mắt hay không

Tình trạng mắt bé bị lé không nên xem nhẹ, chủ quan. Thay vào đó cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đi kiểm tra thị giác định kỳ ít nhất 6 tháng/lần cũng như tích cực điều trị để đạt được hiệu quả tốt. Hãy bảo vệ đôi mắt của bé luôn sáng khỏe ngay từ bây giờ cha mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital