Đâu là cách trị mắt lé hiệu quả và phổ biến hiện nay?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Bệnh lé (lác) là bệnh lý ảnh hưởng không chỉ tới thị lực của người bệnh mà còn gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti khi giao tiếp và tiếp xúc với người ngoài. Hiện nay với y học và công nghệ phát triển, điều trị mắt lé/lác đã không còn là điều quá khó khăn. Tuy nhiên, để lựa chọn cách trị mắt lé hiệu quả và đạt được kết quả tối ưu thì người bệnh cần đi khám để phát hiện bệnh ngay khi có dấu hiệu.

1. Mắt lé là như thế nào?

cách trị mắt lé

Một trường hợp mắt lé điển hình

Hiện nay tại nước ta có khoảng 2 đến 3 triệu người mắc bệnh lý mắt lác/lé. Ở mắt bình thường, khi cả hai mắt cùng nhìn vào một điểm, hình ảnh mắt thu được tại tế bào que sẽ truyền qua dây thần kinh thị giác và dẫn đến trung khu thần kinh thị giác tại não. Tại đây, hình ảnh từ 2 mắt sẽ được tổng hợp thành một ảnh ba chiều duy nhất, gọi là thị giác tinh tế.

Mắt lé là khi 2 mắt không có sự cân bằng và thiếu hợp thị vì một lý do cụ thể nào đó. Điều này khiến 2 mắt không thể tập trung nhìn về một phía xác định mà thường mỗi mắt sẽ nhìn về một hướng lệch nhau. Mắt lé yếu hơn mắt bình thường dẫn đến việc thu nhận hình ảnh sự vật mờ hơn, tầm nhìn không được rõ ràng.

Thậm chí có một số trường hợp người bị lé chỉ nhìn bằng một mắt mà mình thấy rõ, mắt còn lại lâu ngày không sử dụng dẫn đến tình trạng nhược thị. Ngoài ra vì mắt không có khả năng hợp thị nên người bị lé/lác không thể nhìn hình nổi, ước lượng khoảng cách kém và khó có thể làm những việc đòi hỏi sự tinh tường.

2. Biểu hiệu thường gặp của người bị lé

Bệnh mắt lác/lé là bệnh lý rất dễ phát hiện, và nếu có thể thì nên được phát hiện sớm nhất là ở lứa tuổi trẻ em. Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, việc phát hiện sớm bệnh giúp tỉ lệ điều trị bệnh thành công lên đến 92%. Còn ở người lớn, lác mắt thường là triệu chứng hoặc biến chứng của bệnh lý khác. Nắm rõ các biểu hiện của bệnh để nhận biết mắt lác từ sớm còn có thể giúp phát hiện các bệnh lý nền và giúp việc chữa trị bệnh diễn ra hiệu quả hơn.

Biểu hiện bên ngoài của bệnh lé mắt như 2 mắt di chuyển lệch hướng với nhau thì người bệnh có thể nhận biết lé mắt qua những vấn đề về hình ảnh mà bản thân gặp khi quan sát:

– Ở trẻ em: não sẽ tự loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch hoặc mắt thu về hình ảnh mờ hơn, từ đó những gì trẻ nhìn thấy sẽ dựa vào hình ảnh của mắt nhìn thẳng hoặc mắt thu được hình ảnh rõ hơn. Lâu dần trẻ sẽ mất đi thị giác tinh tế.

– Ở người lớn: não bộ không thể tự loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch nên sẽ gây nên hiện tượng nhìn đôi.

Hoặc một số biểu hiện mắt bị lé thường gặp khác như:

– Thường xuyên mỏi mắt

– Mắt lé thường nhìn mờ hơn mắt còn lại

– Người bệnh thường vô ý nheo mắt, nghiêng đầu

– Dễ bị vấp té, làm việc cần sự tinh tường thường không chính xác;

Nếu bạn hoặc những người xung quanh có dấu hiệu trên cần nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để thăm khám và điều trị.

3. Phân loại mắt lé dựa vào các yếu tố

Có rất nhiều loại hình của bệnh mắt lé được phân chia phụ thuộc vào những khía cạnh xét khác nhau.

Về hình thái, chúng ta có 3 loại cơ bản gồm:

– Lé ngang: Một mắt nhìn thẳng vào vật, mắt còn lại hướng ngang về phía mũi (lé trong) hoặc hướng ngang về phía thái dương (lé ngoài).

– Lé đứng: Một mắt nhìn thẳng vào vật, mắt còn lại hướng thẳng xuống dưới hoặc lên trên

– Lé xoáy: Một mắt nhìn thẳng vào vật, mắt còn lại lệch xoáy vào trong phía mũi (lé xoáy trong) hoặc lệch xoáy ra phía thái dương (lé xoáy ngoài).

cách trị mắt lé

Các loại hình thái của mắt lé

Về thời điểm mắc bệnh, lé mắt chia thành 2 loại:

– Lé bẩm sinh: Thường xảy ra với trẻ từ sơ sinh đến dưới 1 tuổi, hhoảng 20% trường hợp lác bẩm sinh liên quan đến di truyền. Bên cạnh đó, trẻ sinh non hoặc nhẹ cân cũng là yếu tố nguy cơ.

– Lé do mắc phải: Đây là trường hợp mắt bị lác/lé thứ phát do các bệnh lý khác. Ví dụ như mắt bị tật khúc xạ nhưng không được điều trị; các bệnh lý suy giảm thị lực: Sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể, ung thư nguyên bào võng mạc hoặc bệnh lý võng mạc; tổn thương não, liệt cơ vận nhãn; bệnh lý toàn thân như: Basedow, Mobius,…

Về tình trạng di chuyển, hoạt động của mắt cũng chia lé thành 2 loại:

– Lé cơ năng (lé đồng hành): Thường gặp ở trẻ em, mắt lác luôn di chuyển cùng hướng với bên mắt bình thường;

– Lé liệt (lé bất đồng hành): Thường gặp ở người lớn, cơ vận nhãn bị liệt nên vận động của nhãn cầu bị hạn chế.

4. Các cách trị mắt lé phổ biến và hiệu quả

Hầu hết từ xưa mọi người đều quan niệm lé là tật trời sinh, không thể chữa trị hay cho rằng đó chỉ là vấn đề thẩm mỹ, vì thế mà không đi khám chữa sớm dẫn đến ảnh hưởng nhiều tới công việc và cuộc sống, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

4.1 Cách trị mắt lé tại cơ sở y tế

Tùy từng trường hợp và mức độ bệnh, bệnh nhân có thể áp dụng một hoặc phối hợp nhiều cách trị mắt lé như sau:

– Đeo kính điều trị để giúp mắt nhìn thẳng, áp dụng cho các trường hợp bị lé do quy tụ điều tiết hoặc do mắc tật khúc xạ.

cách trị mắt lé

Đeo kính điều chỉnh khúc xạ đúng độ là cách đơn giản cải thiện lé do tật khúc xạ

– Tập luyện với các bài tập được hướng dẫn bởi bác sĩ

– Tiêm thuốc Botulinum Toxin để điều trị các trường hợp lé thứ phát ở người lớn, với nguyên nhân liệt cơ vận nhãn trong thời gian chờ phẫu thuật. Phương pháp này sẽ giải quyết tạm thời tình trạng song thị.

– Phẫu thuật điều trị: phẫu thuật được áp dụng để chỉnh lại cơ vận nhãn không cân bằng. Ở trẻ đã bị lác một thời gian dài, phẫu thuật càng sớm càng tăng cơ hội phục hồi và tăng thị lực ở 2 mắt. Ở người lớn, phẫu thuật giúp khôi phục lại hình thái mắt bình thường, làm mất hoặc giảm nhìn đôi, cải thiện thị lực.

4.2 Cách trị mắt lé bằng các bài tập tại nhà

– Bịt từng mắt và nhìn về một điểm: ​Đối với tình trạng lé bắt nguồn từ tật khúc xạ, trước hết người bệnh nên đi đo lại mắt và dùng kính có độ phù hợp. Sau đó mỗi ngày nên dành 30 phút để tập nhìn tập trung thị lực vào một điểm.

Bước 1: Chấm hoặc tạo một chấm tròn màu đậm trên tường màu sáng.

Bước 2: Bịt một mắt và mắt còn lại nhìn tập trung vào chấm tròn đó. Điều chỉnh vị trí ngồi sao cho nhìn được rõ nhất và sáng nhất.

Bước 3: Cứ nhìn tập trung như vậy và đổi bên.

– Quan sát những đồ vật dạng chuỗi: Mỗi sáng, khi mặt trời đã lên đủ tầm cao và chưa gây chói, người bệnh có thể tập trung quan sát lần lượt từng ngôi nhà ở dãy nhà đối diện một cách từ từ. Nên thực hiện kiên trì hàng ngày để giảm các biến chứng do tình trạng lé gây nên.

– Rèn luyện tâm lý: Đối với những người mắc bệnh lé thường đều mang tâm lý tự ti, ngại giao tiếp và hay mặc cảm. Do đó, người thân cần cố gắng khuyến khích và ngay cả chính người bệnh cũng nên kiên nhẫn luyện tập và thực hiện thăm khám, điều trị bệnh càng sớm càng tốt.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý mắt lé và các cách trị mắt lé hiện nay. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh lý này, đừng vội lựa chọn phương pháp điều trị ngay mà hãy tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital