Loãng xương là tình trạng xương bị xốp, giảm khối lượng xương, làm xương dễ nứt, gãy. Đây là bệnh lý xương khớp thường gặp vì thế chúng ta nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa loãng xương để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Phòng ngừa loãng xương từ khi còn nhỏ là điều cần thiết. Trẻ cần bổ sung đầy đủ canxi qua chế độ ăn nhằm cung cấp đủ canxi cho xương phát triển, ngăn ngừa tình trạng còi xương. Khi đến tuổi trưởng thành, cơ thể chúng ta cũng cần phải bổ sung canxi để bộ xương phát triển tốt, mật độ xương cao nhằm giảm nguy cơ loãng xương.
Menu xem nhanh:
Lượng canxi cung cấp mỗi ngày
Tùy vào từng đối tượng cụ thể mà cung cấp lượng canxi phù hợp.
- Phụ nữ có thai cần hơn 1200mg canxi/ ngày
- Đối với trẻ em dưới 15 tuổi cần 600-700mg canxi/ ngày
- Đối với người ở độ tuổi 19-50 cần trung bình khoảng 1000mg canxi, 400-800 đơn vị vitamin D, một lượng nhỏ magie, vitamin K hàng ngày để giúp xương chắc khỏe.
- Người già trên 50 tuổi cần 1200mg canxi/ ngày
Lượng canxi chúng ta đưa vào cơ thể có thể qua các thực phẩm hoặc các viên uống bổ sung canxi.
Chế độ ăn ngừa loãng xương
Chế độ ăn uống hàng ngày rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là hệ xương. Vì thế chúng ta cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo đầy đủ các nhóm chất, lượng canxi cần thiết cho cơ thể để ngăn ngừa loãng xương.
- Bổ sung các thực phẩm giàu canxi trong chế độ ăn như sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua…; các loại cá như cá hồi, cá thu; các loại rau củ quả như súp lơ xanh, củ cải đường, rau xanh đậm…
- Hạn chế tối đa chất béo trong khẩu phần ăn vì cholesterol là nguyên nhân làm tăng phát hủy xương
- Hạn chế muối và lượng protein, lipid
Bổ sung vitamin D
Vitamin D giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ canxi từ thực phẩm. Thiếu vitamin D xương sẽ nhanh giòn, yếu, tình trạng loãng xương diễn ra nhanh chóng. Vì thế, ngoài việc sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D thì chúng ta nên tắm nắng hàng ngày.
Tập thể dục đều đặn
Mỗi ngày bạn nên dành khoảng 30 phút để vận động. Lợi ích của việc vận động sẽ giúp xương chắc khỏe, dẻo dai, hạn chế quá trình mất xương, tăng quá trình tạo xương.
Lưu ý trong quá trình vận động cần lắng nghe cơ thể, vận động nhịp nhàng, vừa phải, tránh vận động mạnh có thể gây đau nhức xương khớp hoặc gãy xương.
Đối với người đã bị loãng xương nên vận động nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng, mang vác nặng.
Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia
Việc hút thuốc lá và uống rượu bia trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương. Tiếp tục hút thuốc lá và sử dụng rượu bia trong thời gian bị gãy xương còn khiến xương khó phục hồi. Vì thế, để phòng ngừa loãng xương, chúng ta nên bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia.
Tránh sử dụng các loại thuốc gây loãng xương
Thông thường khi gặp vấn đề ở xương khớp như đau nhức xương khớp khi chuyển mùa. Nhiều người sử dụng các loại thuốc giảm đau nhanh có chứa corticoide. Các loại thuốc có thành phần này nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe như giữ muối và nước trong cơ thể gây phù, rối loạn nội tiết, teo cơ, yếu cơ, loãng xương…
Vì thế, để phòng bệnh loãng xương, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thuốc điều trị bệnh lý xương khớp phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Khám sức khỏe định kỳ
Để biết mình có mắc bệnh loãng xương hay không, bạn nên tới bệnh viện để kiểm tra mật độ xương. Nếu có dấu hiệu mắc bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp khắc phục.