Sởi, quai bị và rubella là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, việc tiêm phòng vắc xin sởi, quai bị và rubella cho trẻ từ sớm là rất cần thiết. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin cần theo dõi dấu hiệu của cơ thể trẻ để ngăn ngừa các phản ứng phụ do vắc xin gây nên. Hãy cùng theo dõi bài viết để nắm rõ các phản ứng sau khi tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella cho trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao trẻ em cần được tiêm phòng vắc xin sởi, quai bị, rubella?
Sởi, quai bị, rubella là những loại bệnh có khả năng lây lan dễ dàng thông qua đường hô hấp. Theo bác sĩ, tỷ lệ mắc sởi, quai bị, Rubella ở trẻ em là rất lớn, tiến triển bệnh nhanh do sức đề kháng còn non nớt, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị các loại virus tấn công. Nếu chẳng may mắc phải các bệnh này trẻ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong do những bệnh này chưa có thuốc đặc hiệu điều trị dứt điểm. Hơn nữa, các căn bệnh này dễ lây lan ra môi trường xung quanh, thậm chí bùng phát thành dịch trên diện rộng.
Do đó, tiêm phòng vắc xin sởi là cách nhanh chóng và hiệu quả nhất để phòng tránh các biến chứng cho trẻ. Khi đã được tiêm phòng, trẻ bị sẽ có các triệu chứng nhẹ và tự khỏi nếu chẳng may mắc bệnh.
2. Phác đồ tiêm phòng vắc xin sởi, quai bị, rubella cho trẻ
Hiện nay, có 2 loại vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn, là:
– Vắc xin PRIORIX.
– Vắc xin MMR II.
Đối với mỗi một loại vắc xin đều có phác đồ tiêm chủng khác nhau.
2.1. Lịch tiêm chủng của vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella PRIORIX (Bỉ)
Vắc xin PRIORIX được khuyến nghị tiêm 3 mũi cho trẻ từ 9 tháng trở lên. Cụ thể:
– Mũi tiêm đầu tiên: Bắt đầu tiêm cho trẻ khi đủ 9 tháng tuổi.
– Mũi tiêm 2: tiêm cách mũi 1 từ 3 đến 6 tháng.
– Mũi tiêm 3: tiêm vào 4 năm sau khi tiêm mũi 2.
2.2. Lịch tiêm chủng của vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella MMR II (Mỹ)
Vắc xin được áp dụng tiêm đối với trẻ em đạt đủ 12 tháng tuổi trở lên. Trẻ cần tiêm bao gồm 2 mũi vắc xin:
– Mũi tiêm đầu tiên nên tiêm khi trẻ đạt đủ 12 tháng tuổi trở lên.
– Mũi tiêm thứ 2 nên tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
3. Trường hợp trẻ không nên tiêm vắc xin sởi, quai bị, rubella
Cha mẹ cần lưu ý những trường hợp sau không nên tiêm vắc xin sởi, quai bị, Rubella cho trẻ:
– Những trẻ đang sử dụng corticosteroids, các thuốc ức chế miễn dịch khác hoặc đang xạ trị.
– Những trẻ đang bị sốt, mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh bạch cầu, thiếu máu nghiêm trọng và các bệnh nặng khác về máu hoặc có tổn thương chức năng thận, bệnh tim mất bù.
– Trẻ đang sử dụng gammaglobulin hoặc truyền máu hoặc những người dị ứng với các thành phần của vắc xin.
– Trẻ có phản ứng quá mẫn với neomycin, có tiền sử phản ứng quá mẫn đối với trứng.
– Trẻ bị tổn thương nghiêm trọng hệ miễn dịch do mắc bệnh bẩm sinh, bệnh bạch cầu hoặc lympho tiến triển.
– Trẻ bị nhiễm HIV hoặc mắc các bệnh ác tính đang điều trị bằng steroid liều cao hoặc ở những người xạ trị để điều trị suy giảm miễn dịch.
4. Lưu ý khi gặp các phản ứng sau khi tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella cho trẻ
4.1. Các phản ứng sau khi tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella cho trẻ
Sau khi tiêm chủng vắc xin sởi, quai bị, rubella cho trẻ, cha mẹ cần chú ý tới một số triệu chứng, phản ứng phổ biến sau tiêm như sau:
– Dấu hiệu sưng tấy, đỏ, hoặc nóng rát ngay tại vị trí tiêm chủng. Đây là một hiện tượng phổ biến và thường sẽ tự biến mất sau khoảng 1- 2 ngày sau tiêm.
– Sốt nhẹ.
– Ngoài ra tùy vào cơ địa của trẻ mà sẽ có hiện tượng bị nổi ban đỏ, lan xung quanh chỗ tiêm. Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ mất đi sau 1- 2 ngày.
Các triệu chứng nhẹ này sẽ làm trẻ cảm thấy khó chịu và quấy khóc nên cha mẹ cần lưu ý cách chăm sóc trẻ và tham khảo những tư vấn từ bác sĩ.
Ngoài ra, cũng cần chú ý một số phản ứng hiếm gặp hơn bình thường sau khi tiêm đó là:
– Sốt cao trên 38,5 độ C và kéo dài trên 48 giờ, hạ sốt xong lại sốt lại.
– Chai cứng tại vị trí tiêm.
– Trẻ cảm thấy chóng mặt, ngất, buồn nôn,…
– Dị ứng, nổi mề đay.
– Khó thở, co thắt sau tiêm chủng.
– Cảm giác đau cơ, đau khớp sau tiêm vắc xin cũng có thể sẽ xảy ra.
Khi thấy trẻ có những phản ứng hiếm gặp kể trên, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến cơ sở ý tế gần nhất để điều trị và xử trí kịp thời.
4.2. Những lưu ý chăm sóc trẻ khi gặp các phản ứng sau khi tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella
Trước hết, cha mẹ cần chú ý tới tinh thần, nhiệt độ cơ thể, các vết ban đỏ trên da, nhịp thở, nhu cầu ăn và uống của trẻ.
Đối với các phản ứng tại vị trí tiêm
– Cha mẹ lưu ý không nên chạm tay trực tiếp vào vị trí tiêm của trẻ.
– Tuyệt đối không dùng lá thuốc, khăn chườm nóng/ lạnh hoặc bôi thuốc lên vị trí tiêm để tránh bị nhiễm trùng.
Đối với trường hợp trẻ bị sốt
– Cha mẹ không nên lo lắng, hãy cho trẻ uống nhiều nước hơn, với trẻ còn bú mẹ thì cho bú nhiều hơn. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước điện giải.
– Hãy cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, không nên mặc đồ quá bó gây khó chịu cho trẻ.
– Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C có thể dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, Ibuprofen… dưới sự chỉ định của bác sĩ về liều dùng tính trên cân nặng của trẻ.
Trên đây là những lưu ý dành cho cha mẹ khi trẻ gặp các phản ứng sau phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella. Mong rằng với những thông tin trên cha mẹ có thể chăm sóc và theo dõi sức khỏe của trẻ đúng cách, đảm bảo an toàn cho trẻ.