Lưu ý khi tiêm phòng cho bé trong mùa nắng nóng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Tiêm phòng cho bé mùa nắng nóng có rất nhiều trở ngại mà phụ huynh phải đối mặt. Sau đây là một số lưu ý quan trọng giúp cho việc tiêm phòng vào mùa nóng trở nên “dễ thở” hơn đối với cả cha mẹ và bé.

1. Những vấn đề xảy ra khi đưa bé đi tiêm phòng vào mùa nắng nóng

Mùa hè với đặc điểm nhiệt độ cao, có những ngày lên tới 39-40 độ khiến nhiều phụ huynh lo ngại về vấn đề đưa con đi tiêm phòng. Có rất nhiều trở ngại xảy ra như:

– Thời tiết oi bức khiến cho nhiều bé cảm thấy bứt rứt, khó ngủ vào ban đêm. Do đó, sáng hôm sau bé sẽ có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc và thậm chí hơi nóng ẩm khi cha mẹ sờ trán. Nếu bé có lịch tiêm thì cha mẹ không khỏi lo lắng liệu tiến hành chích ngừa vacxin có được không? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé không?

– Bé dễ bị ốm nếu ra ngoài trời nắng.

– Bé quấy khóc liên tục khiến nhiều cha mẹ mệt mỏi theo.

Những điều trên là lí do khiến nhiều phụ huynh còn chần chừ trong việc tiêm phòng vào mùa nóng. Thậm chí có phụ huynh còn quyết định để trễ lịch tiêm, đợi đến khi thời tiết mát mẻ hơn thì mới đưa bé đi tiêm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế khuyến cáo: Mùa hè nóng bức là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Đồng thời, bé thường ăn uống kém cộng với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm càng cao hơn.

Để bảo vệ sức khỏe, việc tiêm phòng là cực kỳ cần thiết. Phụ huynh không nên vì vấn đề thời tiết mà trì hoãn lịch tiêm chủng của bé nếu đã đến lịch. Điều này vô tình khiến cho bé dễ nhiễm bệnh do không có rào chắn bảo vệ chắc chắn từ vacxin.

tiêm phòng cho bé

Mùa nóng bé rất dễ bị ốm khi ra ngoài nên nhiều cha mẹ chần chừ trong việc đưa bé đi tiêm

2. Tiêm phòng cho bé trong mùa nắng nóng cần lưu ý điều gì?

Việc tiêm phòng cho bé trở nên dễ dàng và an toàn hơn nếu cha mẹ ghi nhớ các lưu ý sau:

2.1. Cho bé uống đủ nước, rau xanh và chất dinh dưỡng

Để đảm bảo hệ miễn dịch khỏe mạnh cho bé trước ngày tiêm chủng, cha mẹ nên:

– Cho bé uống đủ nước.

– Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: thịt cá, trứng, rau xanh, trái cây tươi, sữa,… Trong đó, nhóm rau xanh (bắp cải, rau chân vịt,…) giúp giải nhiệt hiệu quả mà cha mẹ nên ưu tiên.

– Đảm bảo chế độ ăn cho bé có đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho hệ miễn dịch. Bao gồm: vitamin A, C, D, E, B2, B6, B12, folic acid, sắt, kẽm.

– Không cho bé ăn các đồ ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ gây khó tiêu.

các mũi tiêm vacxin cho bé

Cho bé ăn nhiều rau xanh giúp giải nhiệt hiệu quả

2.2. Phòng say nắng, say nóng cho bé

Bên cạnh lưu ý về chế độ dinh dưỡng nạp vào, phụ huynh cũng cần phòng say nắng, say nóng cho bé như:

– Mặc các bộ quần áo thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt

– Khi ra ngoài cần đội mũ, nón hoặc có ô che chắn, bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng ngoài trời gay gắt.

– Hạn chế cho bé vận động liên tục dưới ánh nắng mặt trời trong nhiều giờ. Nếu không để ý, bé rất dễ bị kiệt sức, say nắng, say nóng và rơi vào tình trạng nguy kịch

– Thời điểm từ 11h trưa đến 3h chiều cần tránh cho bé ra ngoài. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian này sẽ dẫn tới nhiều rủi ro tới sức khỏe của bé.

– Nếu thấy bé có biểu hiện khó chịu, mệt mỏi thì cần cho bé nghỉ ngơi ở chỗ có bóng mát

– Với bé dưới 6 tháng tuổi, người mẹ nên uống nước nhiều để cho bé bú nhiều lần hơn. Còn bé từ 6 tháng tuổi trở lên thì có thể cho bé uống nước đun sôi để nguội. Điều này giúp cơ thể không bị mất nước, hơn nữa, uống nhiều nước vào ngày tiêm chủng cũng giúp bé bớt sốt.

– Không nên cho bé vào phòng điều hòa ngay nếu vừa đi ngoài nắng về. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ khiến bé bị sốc nhiệt và ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe.

2.3. Theo dõi tình trạng trước khi tiêm phòng cho bé

Kiểm tra tình trạng thân nhiệt của bé trước khi tiêm là rất quan trọng. Nếu bé bị sốt từ 37,5 độ trở lên hoặc hạ thân nhiệt từ 35,5 độ trở xuống thì sẽ được hoãn tiêm chủng. Tùy vào từng trường hợp, trẻ bị sốt nhẹ vẫn có thể tiêm vacxin bình thường. Tuy nhiên điều này cần có sự khám sàng lọc trước tiêm và chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.

Ở bước khám sàng lọc trước khi tiêm, phụ huynh cần cung cấp thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe của bé cũng như tiền sử phản ứng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào các thông tin được cung cấp và kết quả khám sàng lọc để quyết định mũi tiêm phù hợp cho bé.

lịch tiêm ngừa cho trẻ em

Theo dõi tình trạng thân nhiệt trước khi tiêm rất quan trọng

2.4. Tiêm phòng cho bé đầy đủ và đúng lịch rất quan trọng

Cha mẹ cần nhớ rằng, tiêm phòng đầy đủ và đúng thời điểm cho bé rất quan trọng. Nếu trì hoãn khiến các mũi tiêm bị trễ lịch, cách lịch hẹn quá xa (so với mũi đầu) thì sẽ dẫn tới hệ quả sau:

– Giảm độ hiệu quả phòng bệnh của vacxin.

– Khả năng miễn dịch quay về bằng không.

– Dễ mắc bệnh truyền nhiễm.

– Ảnh hưởng đến hiệu quả miễn dịch cộng đồng.

Ngoài các vacxin kết hợp như 5in1, 6in1, bé từ 6 tuần tuổi trở lên cần chủng ngừa thêm:

– Vacxin Rotavirus phòng tiêu chảy cấp

– Vacxin phế cầu phòng viêm phổi, viêm não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa, viêm xoang,..

Bé từ 6 tháng tuổi cần tiêm bổ sung:

Vacxin cúm

– Vacxin phòng viêm màng não mô cầu B, C

Với bé từ 12 tháng tuổi trở đi, cha mẹ cần lưu ý cho bé tiêm thêm vacxin phòng viêm gan A.

Phụ huynh cần đưa bé đi tiêm đúng ngày, đúng thời điểm tiêm mũi đầu hoặc mũi nhắc lại để bé có miễn dịch tốt, tránh mắc bệnh nguy hiểm. Việc chủ động bảo vệ sức khỏe bé giúp lịch tiêm vacxin của bé diễn ra suôn sẻ, đầy đủ và đúng lịch hơn.

Trên đây là những lưu ý quan trọng dành cho cha mẹ trong việc đi tiêm phòng cho bé trong mùa nắng nóng. Tuân thủ những lưu ý trên sẽ giúp hành trình tiêm chủng trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn cho cả cha mẹ và con.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital