Tiêm phòng vacxin cho trẻ sơ sinh là phương pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm và đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Tiêm phòng vacxin đầy đủ và đúng lịch giúp vacxin có thể phát huy tối đa hiệu lực cho đề kháng của trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Nguy cơ có thể xảy ra nếu trẻ không được tiêm hoặc tiêm muộn
Do một số gia đình còn nhiều băn khoăn và lo ngại về tác dụng phụ sau tiêm nên đã không cho trẻ thực hiện tiêm phòng, do đó đã bỏ qua thời điểm phòng bệnh cho trẻ tốt nhất.
Nếu trẻ không được tiêm phòng đầy đủ hoặc tiêm phòng muộn sẽ gây nguy hiểm, dẫn tới trẻ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm do không có miễn dịch bảo vệ.
Có một số nơi và thời điểm tỷ lệ tiêm phòng thấp đã gây ra dịch bệnh nghiêm trọng như dịch sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản… ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng người bệnh. Từ đó càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay lại rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ và cộng đồng.
2. Lợi ích của tiêm phòng vacxin cho trẻ sơ sinh
Tiêm phòng vacxin là phương pháp quan trọng để có thể bảo vệ sức khỏe, sức đề kháng của trẻ. Tiêm phòng vacxin đem lại những lợi ích như:
2.1. Tiêm phòng vacxin cho trẻ sơ sinh giúp phòng ngừa bệnh tật
Tiêm chủng là phương pháp giúp tới 95% dân số có thể kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất kháng thể để chống lại bệnh tật. Qua đó giúp ngăn ngừa được một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, thủy đậu, uốn ván, ho gà, viêm gan B…
2.2. Tiêm phòng vacxin giúp giảm tỷ lệ mắc và những biến chứng bệnh nguy hiểm
Tiêm chủng vacxin đều đặn và đúng lịch giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Không những vậy tiêm chủng còn giúp cộng đồng đạt được độ miễn dịch tập thể, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cả cộng đồng.
2.3. Tiêm phòng vacxin giúp giảm chi phí điều trị bệnh tật
Tiêm phòng vacxin đầy đủ và đúng số mũi tiêm được chỉ định giúp giảm thiểu chi phí điều trị các bệnh lý nguy hiểm. Các bệnh truyền nhiễm thường có tốc độ lây lan nhanh chóng, có thể để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe của cá nhân và gia đình. Chi phí tiêm chủng cũng thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị bệnh.
2.4. Tiêm phòng vacxin tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện hơn
Nhiều bệnh lý truyền nhiễm sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ như viêm màng não, viêm não Nhật Bản, viêm gan B… Do đó, việc thực hiện tiêm chủng đúng thời điểm giúp trẻ nhỏ có thể tránh được các bệnh truyền nhiễm hoặc giảm được di chứng của bệnh đối với sức khỏe.
3. Một số lưu ý cần biết khi tiêm vacxin cho trẻ sơ sinh
3.1. Lưu ý trước khi tiêm
– Phụ huynh cần tránh cho trẻ ăn quá no, nhưng không nên để trẻ đói vì dễ khiến trẻ bị hạ đường huyết sau tiêm.
– Vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng khi tiêm.
– Cho trẻ mặc trang phục đơn giản để dễ thao tác trong quá trình tiêm phòng.
– Mang đầy đủ giấy tờ, hồ sơ tiêm chủng của trẻ.
– Nên trao đổi trước với bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ: Có mắc suy dinh dưỡng, bệnh lý cấp tính (sốt, viêm phổi, viêm phế quản…), tiền sử bệnh dị ứng thuốc…
– Cần cho trẻ tiêm đúng ngày, đúng mũi được chỉ định.
– Không cho trẻ tiêm phòng khi cơ thể có biểu hiện sốt. Nếu trẻ có xuất hiện các biểu hiện sốt, phụ huynh nên cho trẻ khám sàng lọc và tiêm theo chỉ định của bác sĩ.
– Giúp trẻ bình tĩnh, hạn chế trẻ quấy khóc khi tới nơi đông người hoặc không gian lạ giúp quá trình tiêm phòng nhanh chóng hơn.
3.2. Lưu ý sau khi tiêm
– Khi thực hiện tiêm phòng xong, phụ huynh không nên đưa trẻ về nhà ngay mà nên cho trẻ nán lại khoảng 15 – 30 phút nhằm đề phòng trẻ có nguy cơ sốc phản vệ.
– Cần tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ tại nhà từ 24 – 48 giờ như nhiệt độ cơ thể, biểu hiện ngoài da, cử chỉ, đi vệ sinh…
– Đối với những trẻ có cơ địa nhạy cảm, vết tiêm có thể bị sưng đỏ, nổi cục cứng nhưng đây chỉ là phản ứng thông thường và tự biến mất sau 6 – 8 tiếng.
3.3. Tác dụng phụ có thể gặp sau tiêm phòng vacxin cho trẻ sơ sinh
Bản chất của tiêm chủng là đưa vacxin có chứa lượng nhỏ virus vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch. Từ đó cơ thể được bảo vệ và có khả năng đối phó với các virus gây bệnh. Do vậy, sau tiêm, không thể tránh khỏi việc có thể sẽ xuất hiện một số tác dụng phụ như:
– Sốt nhẹ: Sốt là phản ứng thường gặp ở trẻ nhất sau khi tiêm phòng. Đây là cách cơ thể phản ứng với thuốc và có thể tự khỏi sau 1 – 2 ngày. Tuy nhiên đối với một vài trường hợp trẻ có thể sốt cao trên 38.5 độ C thì nên cho trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
– Dị ứng, nổi ban trên da: Trẻ có thể nổi các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân… Thông thường các biểu hiện dị ứng này sẽ tự khỏi sau một vài ngày. Nếu trẻ quấy khóc nhiều vì khó chịu cần tham khảo ngay ý kiến của các sĩ để có phương pháp xử lý kịp thời.
– Sau tiêm phòng, nếu trẻ có biểu hiện bất thường như sốt cao kéo dài, co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, bỏ bú, vết tiêm sưng to, chảy mủ… cần cho trẻ tới y tế để xử lý sớm các triệu chứng bất thường.
– Một số phản ứng khác: Trong một số trường hợp, trẻ sẽ gặp phải các phản ứng hiếm thấy như tai biến thần kinh, viêm hạch, viêm não… Đây là những phản ứng nặng nhưng rất ít khi xảy ra, nhưng có thể đe dọa tới tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
Bài viết trên là một số thông tin về lợi ích và những điều cần lưu ý khi tiêm phòng vắc xin cho trẻ sơ sinh. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp, bạn hãy liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để nhận hỗ trợ và tư vấn sớm nhất!