Liệt Bell là bệnh lý thần kinh phổ biến ở mọi lứa tuổi. Bệnh dẫn đến sự thay đổi bất thường trên khuôn mặt và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống sau này.
Menu xem nhanh:
1. Liệt Bell là bệnh gì?
Liệt Bell là tên gọi khác của liệt dây thần kinh số 7, liệt mặt. Nhóm dây thần kinh số 7 nằm trên mặt, gần mang tai, có chức năng chi phối hầu hết các vận động của cơ mặt.
Liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng một bên mặt trở yếu, méo đi do dây thần kinh điều khiển cơ mặt bị tổn thương hoặc suy yếu chức năng khiến nhóm cơ bị căng cứng, máu không lưu thông được. Hầu hết bệnh nhân liệt mặt có thể hồi phục nhưng cũng có người phải mang di chứng suốt đời.
2. Những nguyên nhân gây ra bệnh liệt mặt là gì?
2.1. Liệt Bell do virus herpes simplex
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus herpes simplex là tác nhân gây bệnh liệt Bell hàng đầu. Các số liệu thống kê cho thấy 60-70% người bệnh bị liệt mặt do ảnh hưởng của loại virus này.
Khi mới xâm nhập vào cơ thể virus chưa hoạt động ngay lập tức. Thay vào đó sẽ tấn công âm thầm vào khu vực mô thần kinh. Để chống lại virus này, cơ thể sẽ sản sinh ra các loại kháng thể chính vì thế mà bị sưng viêm ở một số dây thần kinh trên mặt. Virus herpes simplex được đánh giá nguy hiểm, mọi người nên nâng cao sức khỏe để hạn chế sự tấn công của chúng đặc biệt tại mô thần kinh.
2.2. Viêm nhiễm gây liệt Bell
Bên cạnh nguyên nhân do virus, một số bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 do từng mắc một số bệnh viêm nhiễm nặng mà chưa được điều trị dứt điểm. Trong đó những người bị viêm màng não hay bệnh zona hạch gối đều có nguy cơ bị liệt khuôn mặt cao. Chính vì thế khi bị bệnh cần điều trị dứt điểm để tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.
Bên cạnh đó, nếu mắc các bệnh như viêm tai cấp và mạn tính, viêm tuyến mang tai thì cũng có khả năng bị liệt mặt. Do người bệnh thường chủ quan và không đi khám mà tự uống thuốc tại nhà. Tốt nhất khi gặp các vấn đề về viêm nhiễm, nên chủ động thăm khám và điều trị theo đơn của bác sĩ để khỏi bệnh hoàn toàn.
2.3. Nhóm nguyên nhân khác gây liệt mặt
Liệt Bell còn có thể xảy ra khi bệnh nhân đang bị u não. Thậm chí có người bị liệt dây thần kinh số 7 do trúng gió hay thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
3. Mức độ nguy hiểm của liệt dây thần kinh số 7
3.1. Biểu hiện của bệnh liệt mặt
Bệnh nhân bị liệt dây thần kinh 7 thường có những biểu hiện như:
– Tuyến lệ hoạt động kém, mí mắt sụp, mắt bị không và không thể nháy hay nhắm như bình thường.
– Một bên miệng khó mỉm cười, không thể khép lại nên dễ chảy dãi.
– Miệng bị kéo lệch về phía còn lại.
– Cảm thấy đau nhức ở góc hàm, thái dương, tai …
– Vị giác thay đổi, kém nhạy hơn.
– Nhạy cảm với âm thanh, khó chịu với những tiếng động nhỏ
– Khả năng nói bị hạn chế, không nói được do miệng méo, khó ăn uống.
– Những người bị liệt mặt do nhiễm trùng còn có thể kèm các cơn đau đầu dữ dội. Kèm theo đó bị nổi mụn nước trong lưỡi và vòm miệng.
3.2. Lưu ý các biến chứng của bệnh liệt mặt
Liệt Bell nếu không được điều trị sẽ gây ra một số di chứng nặng nề như:
– Mất khả năng vận động của cơ mặt: cơ mặt không thể tự chủ khiến ăn uống khó khăn, nước tràn ra, chảy dãi, nói không tròn chữ. Những biến chứng này khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày.
– Biến chứng về mắt như viêm giác mạc, viêm kết mạc, lộn mí. Thậm chí còn bị chảy nước mắt không kiểm soát khi dây thần kinh số 7 bị tổn thương.
– Co thắt nửa mặt: nếu không được điều trị sẽ dẫn đến biến chứng co thắt nửa mặt, thường gặp ở các trường hợp bị tổn thương dây thần kinh nặng nề.
3.3. Bệnh nhân liệt mặt có thể hồi phục hoàn toàn không?
Nhiều người băn khoăn rằng bệnh nhân liệt dây thần kinh số 7 (liệt Bell) có thể hồi phục hoàn toàn hay không? Kết quả điều trị phụ thuộc phần lớn vào thời điểm điều trị, phương pháp và khả năng đáp ứng của bệnh nhân cùng nhiều yếu tố khác. Có đến 80% số bệnh nhân chữa khỏi khi được phát hiện sớm và điều trị phù hợp. Những bệnh nhân trẻ tuổi, sức khỏe tốt nên có khả năng hồi phục nhanh hơn so với người lớn tuổi.
Với trường hợp bệnh nặng và điều trị muộn, khả năng hồi phục thấp hơn. Sau khi điều trị vẫn bị méo miệng khi cười, không thể ăn uống bình thường như trước.
Để chữa khỏi được bệnh liệt dây thần kinh số 7, bệnh nhân cần được phát hiện từ sớm. Xác định đúng nguyên nhân, có phác đồ điều trị phù hợp cũng nâng cao kết quả điều trị. Bên cạnh đó việc chăm sóc của người nhà cũng đóng một vai trò không nhỏ. Do đó khi có dấu hiệu cảnh báo liên quan đến bệnh liệt mặt, cần đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
4. Các phương pháp chẩn đoán liệt dây thần kinh VII
Khi đến cơ sở y tế, bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh liệt Bell sẽ được thực hiện nhiều phương pháp như sau:
– Chẩn đoán lâm sàng: một số triệu chứng có thể dễ dàng quan sát như
Mặt bị xệ hoàn toàn, xệ một bên hoặc lệch nhân trung.
Miệng méo nên uống nước bị tràn ra ngoài, khó khăn trong ăn uống.
Liệt cơ khép vòng mi nên mắt bên phần mặt bị liệt không nhắm được hoàn toàn.
Không nhăn được trán, không cười tự nhiên, mất vận động nửa bên mặt
– Khám tai – họng – thần kinh để kiểm tra các bất thường liên quan.
– Để xác định chính xác nguyên nhân của bệnh liệt Bell, bệnh nhân có thể thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm cận lâm sàng.
Hi vọng qua bài viết mọi người đã có thêm thông tin về bệnh liệt Bell và tác động của bệnh với sức khỏe. Chúng ta nên theo dõi bản thân và người nhà để phát hiện và điều trị sớm để có kết quả điều trị khả quan.