Sởi, bạch hầu và ho gà là 3 bệnh truyền nhiễm có thể gây ra nhiều biến chứng nặng, lâu dài dù đã khỏi bệnh. Phòng bệnh bằng vacxin là cách hiệu quả và an toàn nhất để giảm tỷ lệ mắc cũng như biến chứng xảy ra. Lịch tiêm vacxin phòng sởi, bạch hầu và ho gà sẽ khác nhau tùy vào mỗi mũi tiêm và từng đối tượng.
Menu xem nhanh:
1. Biến chứng nguy hiểm do sởi, bạch hầu và ho gà gây ra
Sởi, bạch hầu và ho gà có thể gây một số biến chứng nặng như viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim,… ở người lớn và trẻ em.
1.1. Biến chứng của bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, khi virus sởi tấn công thì người bệnh có triệu chứng sau:
– Sốt
– Phát ban
– Chảy nước mũi
– Ho
– Mắt đỏ
Bệnh sởi tuy ít gây tử vong cho người bệnh nhưng có thể gây nhiều biến chứng:
– Biến chứng về đường hô hấp
– Biến chứng thần kinh
– Biến chứng tai – mũi – họng
– Biến chứng mắt
Với biến chứng đường hô hấp thường là viêm phổi, viêm phế quản và viêm thanh quản. Các biến chứng này xuất hiện là do bội nhiễm, thuộc cuối thời kỳ hoặc sau thời kỳ mọc ban. Trong đó, viêm phổi là nguyên nhân gây ra tử vong phổ biến nhất.
Với biến chứng thần kinh bao gồm: Viêm não – màng não – tủy cấp và viêm màng não. Viêm não – màng não – tủy cấp thường gặp ở các trẻ lớn, triệu chứng khởi phát đột ngột như sốt cao, co giật, rối loạn ý thức,… Còn viêm màng não thường là viêm màng não kiểu thanh dịch và viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.
Với biến chứng tai – mũi – họng thường là gặp viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai và viêm tai xương chũm.
Với biến chứng mắt – loét giác mạc có thể gặp ở trẻ suy dinh dưỡng, biến chứng này có thể để lại di chứng vĩnh viễn.
1.2. Biến chứng của bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng và nhiễm độc. Nếu nhiễm bệnh mà không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến:
– Viêm cơ tim: Có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát hoặc chậm vài tuần sau khi khỏi bệnh. Viêm cơ tim xuất hiện sớm ở giai đoạn đầu thì tỷ lệ tử vong rất cao. Các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình: mệt mỏi, sốt, đau bụng, tiêu chảy, sổ mũi, buồn nôn và nôn
– Tổn thương hệ thần kinh: Chủ yếu là dây thần kinh vận động
– Trụy tim mạch đột ngột dẫn tới tử vong.
Ngoài ra, bệnh cũng dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
Tỷ lệ tử vong của bệnh rơi vào 5%-10%, nhưng có thể tăng cao đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.
1.3. Biến chứng của ho gà
Ho gà là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Bordetella pertussis tấn công vào đường hô hấp. Bệnh gây biến chứng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn nếu không có biện pháp phòng bệnh.
Triệu chứng của bệnh là ho dai dẳng, kéo dài nên trẻ em rất dễ bị kiệt sức nếu chẳng may nhiễm bệnh. Bệnh cũng gây ra tình trạng thiếu oxy cho cơ thể dẫn tới:
– Suy hô hấp
– Viêm phổi
– Thiếu oxy não
– Viêm não
– Xuất huyết kết mạc
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì dễ tử vong sớm, nhất là với trẻ sơ sinh.
2. Lịch tiêm vacxin phòng sởi, bạch hầu và ho gà cho người lớn và trẻ em
Sởi, bạch hầu và ho gà là 3 bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vacxin hiện nay.
2.1. Lịch tiêm vacxin phòng sởi
Với 3 nhóm đối tượng sau thì lịch tiêm vacxin phòng sởi sẽ khác nhau:
– Trẻ em dưới 2 tuổi: Có thể dùng vacxin sởi đơn hoặc vacxin phòng 3 bệnh cùng lúc gồm sởi – quai bị – rubella. Trẻ đủ 9 tháng tuổi là đạt tuổi tiêm của loại vacxin này. Sau đó tiêm cách mũi đầu từ 3 đến 6 tháng. Cha mẹ lưu ý là cần tiêm đủ cho trẻ 2 mũi tiêm phòng sởi trong vòng 24 tháng. Không nên để quá vì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ của vacxin. Sau 4 năm cha mẹ cần tiêm nhắc lại cho trẻ để duy trì khả năng bảo vệ của vacxin.
– Trẻ em trên 2 tuổi và dưới 6 tuổi: Với trẻ đã tiêm 1 liều vacxin sởi thì cần tiêm nhắc lại khi trẻ trong độ tuổi 5-6. Còn với trẻ chưa có lịch sử tiêm chủng thì cần tiêm 1 mũi, sau đó tiêm nhắc lại sau 4 năm.
– Thanh thiếu niên và người lớn: Nếu đã tiêm 1 liều thì cần tiêm nhắc lại 1 mũi, đảm bảo cách mũi 1 ít nhất 4 năm. Nếu chưa từng tiêm thì cần tiêm 2 mũi, mũi sau cách mũi trước là 4 tuần.
– Phụ nữ mang thai: Cần tiêm 1 mũi trước khi có dự định mang thai ít nhất 3 tháng.
2.2. Lịch tiêm vacxin phòng bạch hầu
Vacxin phòng bạch hầu có trong tất cả các vacxin kết hợp 2 trong 1, 3 trong 1, 4 trong 1, 5 trong 1 và 6 trong 1.
– Trẻ em dưới 2 tuổi: Nên chọn tiêm vacxin kết hợp 6 trong 1. Bao gồm phòng 6 bệnh cùng lúc trong 1 mũi tiêm: bạch hầu, ho gà,, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Hib và viêm gan B. Lịch tiêm vacxin bao gồm 3 mũi., khoảng cách giữa các mũi ít nhất là 4 tuần. Sau 12 tháng kể từ mũi tiêm cuối thì tiêm nhắc lại để duy trì hiệu quả bảo vệ.
– Trẻ em trên 2 tuổi đến 6 tuổi: Có thể lựa chọn tiêm vacxin kết hợp 4 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt) hoặc vacxin kết hợp 3 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván). Với những trẻ từng tiêm chủng rồi thì chỉ cần tiêm 1 mũi nhắc lại: vacxin Tetraxim cho trẻ trên 5 tuổi, vacxin Adacel/Boostric cho trẻ trên 4 tuổi. Sau đó tiêm nhắc 1 mũi sau mỗi 10 năm.
– Thanh thiếu niên và người lớn: Lựa chọn loại vacxin kết hợp tương tự nhóm đối tượng trẻ từ 2 đến 6 tuổi. Sau lịch tiêm chủng cơ bản cần tiêm 1 mũi nhắc: vacxin Tetraxim cho trẻ từ 5-13 tuổi, vacxin Adacel/Boostric cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Sau đó tiêm nhắc 1 mũi sau mỗi 10 năm. Người chưa tiêm cần tuân thủ 3 mũi theo lịch 0 – 1 – 6 (sau mũi đầu tiên).
– Phụ nữ mang thai chỉ cần tiêm 1 mũi, không cần khoảng cách trước thời điểm mang thai.
2.3. Lịch tiêm vacxin phòng ho gà
Lịch tiêm phòng ho gà tương tự như lịch tiêm phòng bệnh bạch hầu. Mỗi đối tượng cần tuân thủ theo đúng lịch được khuyến cáo để đảm bảo an toàn và hiệu quả bảo vệ cao nhất.
Tiêm phòng là cách giảm tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm, giảm nguy cơ biến chứng xảy ra hữu hiệu hiện nay. Mỗi đối tượng thực hiện đúng và đủ theo lịch tiêm vacxin phòng bệnh bảo vệ bản thân mình và người xung quanh.