Phụ nữ mang thai là những đối tượng cần sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt bởi trong thai kỳ, hệ miễn dịch của họ rất yếu so với trước đây và có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, phụ nữ nên chủ động tìm hiểu về chích ngừa trước khi mang thai để có sự chuẩn bị tốt, cùng bé trải qua thai kỳ khỏe mạnh.
Menu xem nhanh:
1. Lợi ích của chích ngừa cho phụ nữ trước và trong thai kỳ
Hệ miễn dịch của phụ nữ mang thai thường rất yếu và có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Điều này không tốt cho cả sức khỏe của mẹ lẫn sự phát triển của thai nhi. Do đó, phụ nữ khi có ý định mang thai nên chủ động tìm hiểu về chích ngừa và có sự chuẩn bị đầy đủ.
Trên thực tế, việc chủ động chích ngừa trước thai kỳ mang lại rất nhiều lợi ích cho phụ nữ. Đầu tiên, đây là cách giúp mẹ bảo vệ sức khỏe của bản thân, hạn chế tối đa sự tấn công từ các loại vi khuẩn, virus gây hại. Ví dụ, nếu mắc phải trong thai kỳ, rubella có thể diễn biến phức tạp và gây nguy cơ sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh cho trẻ.
Thứ hai, nhờ mẹ được tiêm phòng đầy đủ, trẻ sinh ra sẽ có hệ miễn dịch tốt nhất, bảo vệ trẻ trong giai đoạn mới sinh khi cơ thể còn non nớt và dễ mắc bệnh.
Nhìn chung, với những lợi ích trên, phụ nữ không nên bỏ qua bước tiêm ngừa trước khi mang thai. Mẹ nên tìm hiểu về các loại vắc xin bản thân cần tiêm trước thai kỳ cũng như lựa chọn thời điểm tiêm phù hợp để mẹ và bé có thể vượt qua thai kỳ cùng nhau với sức khỏe tốt nhất.
2. Lịch chích ngừa trước khi mang thai và trong thai kỳ cho phụ nữ
Khi có nhu cầu tiêm chủng, mẹ cần tìm hiểu và tiêm đầy đủ một số loại vắc xin để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho hành trình mang thai. Tùy từng loại vắc xin, thời điểm tiêm chủng có thể khác nhau.
Cụ thể đối với những loại vắc xin sống giảm độc lực, bác sĩ thường khuyến khích mẹ tiêm trước mang thai ít nhất 3 tháng để vắc xin phát huy tác dụng cũng như tránh ảnh hưởng thai nhi. Trong khi đó, mẹ phải hoàn thành lịch tiêm những loại vắc xin bất hoạt trước mang thai ít nhất 1 tháng.
2.1. Lịch chích ngừa trước khi mang thai
Chích ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván bằng vắc xin Adacel của Pháp hoặc Boostric của Bỉ:
– Tiêm 1 mũi, không cần khoảng cách thời điểm mang thai.
– Có thể tiêm vào 3 tháng cuối thai kỳ nếu tiền mang thai chưa kịp tiêm.
Chích ngừa cúm bằng vắc xin Vaxigrip tetra của Pháp, Influvac tetra của Hà Lan, GCFlu của Hàn Quốc hoặc Ivacflu – S của Việt Nam:
– Tiêm 1 mũi trước mang thai ít nhất 1 tháng.
Chích ngừa sởi, quai bị và rubella bằng vắc xin MMR II của Mỹ hoặc Priorix của Bỉ:
– Tiêm 1 mũi trước mang thai ít nhất 3 tháng.
– Tốt nhất tiêm mũi 2, cách nhau ít nhất 4 tuần (nếu trước đó chưa tiêm và mũi 2 cũng cần tiêm trước mang thai ít nhất 3 tháng).
Chích ngừa thủy đậu bằng vắc xin Varivax của Mỹ hoặc Varilrix của Bỉ:
– Tiêm 1 mũi trước mang thai ít nhất 3 tháng.
– Tốt nhất tiêm mũi 2 sau mũi 1 từ 6-8 tuần (nếu trước đó chưa tiêm và mũi 2 cũng cần tiêm trước mang thai ít nhất 3 tháng).
Chích ngừa uốn ván bằng vắc xin uốn ván hấp phụ:
– Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần sau đó mỗi lần mang thai tiêm nhắc 1 mũi.
Lưu ý: Vắc xin cúm, sởi – quai bị – rubella và thủy đậu đặc biệt quan trọng để phòng bệnh cho mẹ và thai nhi giúp phòng tránh các dị tật bẩm sinh. Ngoài những loại vắc xin trên, nếu chưa tiêm vắc xin phòng viêm gan siêu vi B, phế cầu, não mô cầu, HPV,… mẹ có thể thực hiện tiêm thêm nếu còn đủ thời gian.
2.2. Lịch chích ngừa trong thai kỳ
– Chích ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván bằng vắc xin Boostric của Bỉ:
Tiêm 1 mũi vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ (nếu tiền mang thai chưa tiêm).
– Chích ngừa cúm bằng vắc xin Vaxigrip tetra của Pháp, Influvac tetra của Hà Lan, GCFlu của Hàn Quốc hoặc Ivacflu – S của Việt Nam:
Tiêm 1 mũi trong 3 tháng giữa hoặc cuối của thai kỳ (nếu tiền mang thai chưa tiêm).
– Chích ngừa uốn ván bằng vắc xin uốn ván hấp phụ:
Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần sau đó mỗi lần mang thai tiêm nhắc 1 mũi.
Lưu ý: Bên cạnh việc tiêm chủng cho phụ nữ có thai thì các thành viên khác trong gia đình cũng cần tiêm phòng các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, phế cầu, bạch hầu, ho gà, uốn ván, não mô cầu, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu để phòng bệnh cho chính bản thân và giảm nguồn lây nhiễm bệnh từ trong gia đình cho phụ nữ có thai. Đặc biệt người chồng nên tiêm phòng sởi, quai bị, rubella để tránh biến chứng vô sinh do virus quai bị gây ra.
3. Hướng dẫn theo dõi và chăm sóc sau khi chích ngừa cho phụ nữ trước, trong khi mang thai
3.1. Theo dõi sau khi chích ngừa
Người được tiêm chủng cần ở lại theo dõi tối thiểu 30 phút tại nơi tiêm và quay lại gặp nhân viên y tế theo dõi sau tiêm chủng để kiểm tra nhiệt độ, huyết áp và nghe dặn dò trước khi về.
Sau khi về nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe ít nhất 48 tiếng, lưu ý vào ban đêm.
Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường như nổi mẩn đỏ, ngứa, khó thở, thở ngắt quãng, thở gấp, nôn, xỉu, mệt,… cần báo ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ điều trị kịp thời.
3.2. Những phản ứng thường gặp sau chích ngừa trước khi mang thai
Một số phản ứng nhẹ thường gặp gồm:
– Sốt 38 – 38.5 độ, ớn lạnh.
– Đau, hơi ngứa, nóng tại chỗ tiêm.
– Phát ban nhẹ (sau khi tiêm vắc xin sởi hoặc thủy đậu).
Người được tiêm chủng có thể mặc quần áo thoáng mát, duy trì chế độ dinh dưỡng thông thường, bổ sung nước hoa quả, không bôi đắp lên vết tiêm, chườm hoặc lau người bằng nước ấm nếu sốt và các phản ứng này sẽ tự hết sau 1 – 2 ngày, không cần điều trị.
3.3. Những biểu hiện nguy hiểm
Ngay khi xuất hiện những biểu hiện dưới đây, đối tượng tiêm chủng cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời:
– Sốt cao trên 39 độ.
– Co giật, mệt lả.
– Da tím tái, khó thở, thở rít, thở gấp, nông.
– Phát ban khắp người, ngứa, sưng môi, mí mắt.
– Nôn, đau thắt bụng hoặc có dấu hiệu tiêu chảy
Trên đây là thông tin gửi tới mẹ về việc tiêm chủng trước và trong thai kỳ. Nếu mẹ có bất kỳ thắc mắc nào có thể liên hệ ngay qua tổng đài của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ giải đáp kỹ lưỡng nhé.