Bỏng là một tai nạn phổ biến, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bỏng gây ra những tổn thương da, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và sức khỏe của người gặp nạn. Việc sử dụng thuốc bôi bỏng đúng cách và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đau, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình lành da. Tìm hiểu bài viết dưới đây để lựa chọn thuốc trị bỏng phù hợp, đảm bảo an toàn và đem lại hiệu quả như ý.
Menu xem nhanh:
1. Phân loại thuốc bôi bỏng
Bỏng là một trong những tai nạn thường gặp trong cuộc sống. Có nhiều dạng bỏng khác nhau, bao gồm bỏng hơi nước, bỏng do nước sôi, bỏng điện,… Tùy thuộc vào loại bỏng cũng như mức độ nghiêm trọng của vết thương mà cách điều trị sẽ khác nhau.
Có nhiều loại thuốc bôi bỏng khác nhau trên thị trường, được phân loại dựa trên thành phần và công dụng chính. Việc tìm hiểu kỹ thành phần thuốc sẽ giúp bạn lựa chọn được loại thuốc trị bỏng phù hợp và an toàn. Cụ thể:
– Thuốc bôi có công dụng làm mát và giảm đau. Loại thuốc này chứa các thành phần như menthol, lidocain,… giúp làm mát da, giảm cảm giác nóng rát và đau đớn do bỏng.
– Thuốc bôi sát khuẩn chứa các chất sát khuẩn như chlorhexidine, povidone-iodine,… giúp tiêu diệt vi khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng vết thương.
– Thuốc bôi chống viêm chứa các thành phần như ibuprofen, diclofenac,… giúp giảm viêm, sưng tấy và thúc đẩy quá trình lành da.
– Thuốc bôi tái tạo da chứa các thành phần như vitamin A, vitamin E, aloe vera,… giúp kích thích tái tạo da, giảm nguy cơ hình thành sẹo.
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung vitamin A, E bằng chế độ ăn uống hàng ngày, kết hợp với bôi thuốc. Để điều trị bỏng, bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp nhằm đem lại hiệu quả như ý. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có phác đồ điều trị bỏng phù hợp nhất.
2. Đọc kỹ trước khi sử dụng thuốc bôi bỏng
2.1. Cách chọn thuốc bôi bỏng phù hợp
Việc lựa chọn thuốc bôi bỏng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ bỏng, vị trí bỏng, tình trạng sức khỏe của người bệnh,… Chọn đúng loại thuốc phù hợp sẽ thúc đẩy quá trình lành da, giảm nguy cơ nhiễm trùng và hạn chế hình thành sẹo. Dưới đây là một số lưu ý khi chọn thuốc trị bỏng:
– Chọn thuốc dựa theo mức độ bỏng: Bỏng cấp độ 1 chỉ ảnh hưởng đến ngoài da thì nên chọn thuốc có thành phần vitamin A, vitamin E, nha đam để làm mát da, dưỡng ẩm và thúc đẩy tái tạo da. Ở cấp độ 2 nên chọn thuốc có chứa kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng, kết hợp các loại vitamin giúp tái tạo da. Người bị bỏng cấp độ 3, 4 cần được chăm sóc y tế tại bệnh viện, tránh tự ý dùng thuốc gây tổn thương sâu.
– Chọn thuốc có dạng bào chế phù hợp với vết bỏng. Thuốc dạng kem hoặc gel sẽ phù hợp với vết thương dạng rỉ nước. Thuốc mỡ phù hợp cho vết bỏng khô vì khả năng giữ ẩm tốt.
– Chọn thuốc có thành phần thích hợp, nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị.
– Chọn sản phẩm của thương hiệu uy tín, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình sử dụng.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Đặc biệt là các trường hợp trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc người có làn da nhạy cảm.
2.2. Lưu ý không nên bỏ qua khi sử dụng thuốc bôi bỏng
Để vết thương không bị nhiễm trùng, hãy tuân thủ một số lưu ý sau trong quá trình sử dụng thuốc bôi trị bỏng.
– Trước khi sử dụng hãy rửa tay sạch với xà phòng. Sau đó tiến hành làm sạch vết thương bằng dung dịch sát khuẩn, nhẹ nhàng loại bỏ da chết và bong bóng nếu có. Tuyệt đối không gãi hoặc chà xát vết bỏng vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
– Hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, tuyệt đối không dùng thuốc hết hạn hoặc thuốc có thành phần gây kích ứng da.
– Sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và tần suất được khuyến cáo. Tốt nhất chỉ nên bôi một lớp mỏng lên vết thương. Tránh thoa thuốc vào các bộ phận mắt, mũi, miệng.
– Tùy theo cấp độ bỏng, bạn có thể sử dụng gạc vô trùng để che phủ, tránh bụi bẩn hoặc chạm vào vết thương trong quá trình sinh hoạt.
– Tiếp tục theo dõi vết bỏng để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu vết thương không thuyên giảm sau một thời gian dùng thuốc thì hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và uống đủ nước để hỗ trợ quá trình làm lành vết thương. Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
3. Một số loại thuốc bôi bỏng phổ biến
Dưới đây là một số thuốc hỗ trợ điều trị vết bỏng mà bạn có thể tham khảo:
– Kem bôi Silvirin có công dụng phòng và điều trị nhiễm khuẩn do bỏng gây nên. Loại kem này có thể dùng cho cả vết bỏng nặng và có dấu hiệu nhiễm trùng.
– Kem Panto Cream Nano Zinc có tác dụng làm dịu da và ngăn ngừa các tác nhân gây viêm nhiễm.
– Kem Biafine 46,5g được sử dụng để điều trị bỏng độ 1, 2 và các vết thương ngoài da không bị nhiễm trùng.
– Kem Cumargold Kare 30g với thành phần chứa nhiều tinh chất tự nhiên, giúp chăm sóc da bị tổn thương và bảo vệ da.
– Prontosan là dung dịch sát khuẩn vết bỏng độ 1, 2. Thành phần thuốc chứa chlorhexidine gluconate giúp tiêu diệt vi khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng.
Thuốc bôi bỏng là một sản phẩm hữu ích giúp xoa dịu vết thương, giảm đau, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình lành da. Tuy nhiên, việc lựa chọn và sử dụng thuốc cần đúng cách để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn cụ thể.
Ngoài ra, mỗi người nên trang bị kiến thức sơ cứu cá nhân để có thể xử trí kịp thời khi bị bỏng. Mọi thắc mắc cần giải đáp, hãy liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ y tế trong thời gian sớm nhất!