U tuyến yên hầu hết là lành tính, song khi khối u chèn ép các cơ quan lân cận có thể kéo theo nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đây là lý do mỗi người cần có kế hoạch kiểm tra u tuyến yên định kỳ nhằm sớm phát hiện bệnh và có hướng xử lý hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về kiểm tra u tuyến yên
Tuyến yên là tuyến nội tiết nằm ở đáy não, có vai trò điều hòa quá trình bài tiết hormone của hầu hết các tuyến nội tiết trong cơ thể. Khi tuyến yên xuất hiện khối u bất thường, nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến này, đồng thời ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
Kiểm tra tuyến yên là quy trình gồm nhiều bước thăm khám, xét nghiệm khác nhau nhằm phát hiện sự hiện diện của khối u và đánh giá mức độ ảnh hưởng của khối u đối với hoạt động của tuyến yên trong cơ thể.
2. Khi nào cần kiểm tra u tuyến yên?
U tuyến yên thường thấy ở người lớn tuổi song bệnh cũng đang có xu hướng trẻ hóa. Người mắc u tuyến yên có thể biểu hiện triệu chứng khác nhau, phụ thuộc vào loại hormone khối u tiết ra, vị trí, kích thước khôí u…. Tuy nhiên, 3 dấu hiệu u tuyến yên dưới đây được coi là đặc trưng giúp người bệnh nhận biết thời điểm cần thăm khám.
2.1 Rối loạn nội tiết
Tăng sinh nội tiết tố quá mức có thể dẫn đến những phát triển bất thường của cơ thể bao gồm: đầu to, trán dô, mắt to, chân tay to… Bên cạnh đó, mỗi giới cũng biểu hiện các triệu chứng khác biệt:
Ở nữ giới, người bệnh thường bị chậm kinh, kinh nguyệt không đều, thậm chí mất kinh, dẫn đến vô sinh; tiết sữa ở vú ngay cả khi không mang thai.
Đối với nam giới, bệnh nhân bị giảm ham muốn tình dục, khó hoặc không thể cương cứng, thậm chí bất lực.
2.2 Rối loạn thị giác
Khối u tuyến yên chèn ép dây thần kinh thị giác hoặc điểm giao thoa thần kinh thị giác có thể khiến người bệnh nhìn mờ, chỉ nhìn thấy hình ảnh ngay trước mắt, không nhìn được phía bên ngoài thái dương hoặc bên trong sống mũi, song thị, mất thị lực ở 1 hoặc cả 2 mắt…
Người bệnh phát hiện dấu hiệu rối loạn thị giác đi kèm với những thay đổi nội tiết tố cần đến cơ sở y tế để được thăm khám vì rất có thể bạn đã mắc bệnh u tuyến yên.
2.3 Tăng áp lực nội sọ
Do vị trí tuyến yên nằm trong nền sọ, khối u tuyến yên có thể gây áp lực chung nên bộ phận này. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: đau đầu, giảm ý thức, buồn nôn, nôn, thở nông, hôn mê… Đây là các triệu chứng cảnh báo bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hôn mê sâu hoặc tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí khiến người bệnh tử vong.
Do đó ngay khi nghi ngờ bất kỳ triệu chứng u tuyến yên nào nói trên, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.
3. Kiểm tra tuyến yên được thực hiện như thế nào?
U tuyến yên giai đoạn đầu không tạo ra quá nhiều dấu hiệu đáng ngờ, chưa kể các dấu hiệu u tuyến yên thường tương tự nhiều bệnh lý khác, điều này vô hình khiến người bệnh chủ quan và bỏ lỡ thời điểm thăm khám hiệu quả. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện bệnh thông qua kiểm tra hình ảnh được thực hiện trong quá trình thăm khám sức khỏe.
Do đó, khám sức khỏe định kỳ, trong đó có khám tuyến yên có ý nghĩa rất quan trọng. Quy trình kiểm tra u tuyến yên được tiến hành có thể bao gồm các bước sau:
3.1 Khám lâm sàng
Quá trình này bác sĩ sẽ tiến hành khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh lý, tiền sử gia đình của người bệnh để đưa ra những chẩn đoán sơ bộ và chỉ định thêm các xét nghiệm cần thiết để khẳng định chẩn đoán.
3.2 Kiểm tra u tuyến yên thông qua xét nghiệm máu
Từ kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể biết người bệnh có quá ít hay quá nhiều một số loại hormone, kích thích tố. Điều này này giúp đánh giá chức năng và hoạt động của tuyến yên. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán hoặc chỉ định thêm các xét nghiệm khác để củng cố chẩn đoán ban đầu.
3.2 Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra u tuyến yên
U tuyến yên bài tiết quá nhiều hormone ACTH có thể làm tăng lượng cortisol trong nước tiểu. Hình thức xét nghiệm này thường được chỉ định cùng xét nghiệm máu để tăng cường chẩn đoán chính xác bệnh u tuyến yên.
3.3 Chụp cộng hưởng từ
Thông qua kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI), bác sĩ có thể đánh giá sự hiện diện, vị trí, kích thước, của khối u tuyến yên.
3.4 Chụp CT
Trong chẩn đoán u tuyến yên, chụp cắt lớp vi tính (CT) được sử dụng ít hơn so với MRI, tuy nhiên kỹ thuật này có thể giúp ích cho việc lên phác đồ phẫu thuật nếu bác sĩ chỉ định người bệnh cắt bỏ khối u tuyến yên.
3.5 Kiểm tra thị lực
Người bệnh mắc u tuyến yên có thể gặp phải các vấn đề về suy giảm thị lực, đặc biệt là thị lực ngoại vi. Kiểm tra khả năng nhìn của mắt người bệnh có thể là căn cứ để bác sĩ đứa ra chỉ định người bệnh cần làm các xét nghiệm để xác định nghi ngờ.
Người bệnh mắc u tuyến yên hầu hết không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu mà thường được phát hiện thông qua các khám sức khỏe. Do đó, thăm khám sức khỏe định kỳ nói chung và kiểm tra u tuyến yên nói riêng là rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, ngay khi có những biểu hiện bất thường về thị giác, đau đầu, mệt mỏi, hãy nhanh chóng tìm đến cơ sở y tế uy tín để sớm chẩn đoán chính xác.