Với những thành tựu đạt được từ chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận tác dụng phòng bệnh của vắc xin. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được giảm thiểu, thậm chí loại bỏ hoàn toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Menu xem nhanh:
1. Thành tựu của vắc xin và tiêm chủng tại Việt Nam
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại Việt Nam được triển khai từ năm 1981, với mục tiêu cung cấp miễn dịch chủ động cho toàn dân, đặc biệt là trẻ em thuộc nhóm đối tượng có sức đề kháng non nớt và hệ miễn dịch kém. Hoạt động này nhằm phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có mức độ lây lan nhanh chóng và đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, có khoảng 85% – 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Điều này đồng nghĩa với việc người từng tiêm chủng sẽ tránh được nguy cơ mắc bệnh, hoặc tử vong do dịch bệnh gây ra. Trong những năm qua, chương trình TCMR đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cụ thể:
– Giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra, bao gồm: Bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, sởi, quai bị, rubella,… Một số bệnh nguy hiểm đã được loại trừ hoàn toàn nhờ tiêm vắc xin là đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh.
– Tăng cường miễn dịch cho cộng đồng: Thống kê Bộ Y tế cho thấy có 99% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván. 99% trẻ từ 12 – 15 tháng được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị, rubella. Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh viêm gan B ở trẻ sơ sinh đạt 95%.
Có thể thấy, TCMR đem lại lợi ích to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cho đến nay, tiêm vắc xin vẫn được coi là phương pháp phòng bệnh hiệu quả và có thể áp dụng cho mọi đối tượng. Trong đó, những người có nguy cơ mắc bệnh cao cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh là: Trẻ em, người già, người có bệnh nền mạn tính, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ đang mang thai, người đi du lịch hoặc từng di chuyển đến vùng đang có dịch.
2. Tìm hiểu tác dụng phòng bệnh của vắc xin
Vắc xin được định nghĩa là chế phẩm có chứa kháng nguyên, có thể là vi rút hoặc vi khuẩn sống đã bị giảm độc lực, bị bất hoạt hoặc giết chết. Sau khi tiêm, vắc xin sẽ kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra các loại kháng thể để tự bảo vệ cơ thể. Kháng thể này cũng sẽ lưu lại trong máu và bạch huyết, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh khi tiếp xúc trong tương lai.
Khác với các bệnh mạn tính, bệnh truyền nhiễm thường diễn tiến nhanh và lây lan theo cấp số nhân. Chính vì thế, tiêm chủng chủ động đem lại lợi ích cho cả cá nhân và cộng đồng.
2.1. Tác dụng phòng bệnh của vắc xin đối với cá nhân
– Giảm thiểu nguy cơ mắc các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu vô tình tiếp xúc với người nhiễm bệnh, thì tỷ lệ lây bệnh ở người đã tiêm phòng cũng sẽ thấp hơn nhóm người không tiêm.
– So với nhóm đối tượng không tiêm phòng, người tiêm vắc xin đầy đủ có cơ hội giảm thiểu rủi ro gặp biến chứng, di chứng, tử vong trong trường hợp không may mắc bệnh.
– Trẻ em không mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ có điều kiện phát triển khỏe mạnh, tránh được các di chứng để lại sau này.
– Trên thực tế, chi phí điều trị bệnh sẽ tốn kém hơn tiêm chủng nhiều. Vậy nên, có thể nói rằng tiêm chủng chủ động là cách tiết kiệm ngân sách và bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
2.2. Tác dụng phòng bệnh của vắc xin đối với cộng đồng
Về phía cộng đồng, tiêm chủng đem lại lợi ích rất to lớn, bao gồm:
– Giảm tiểu tỷ lệ mắc mới và tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra.
– Bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là với những dịch bệnh nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh như COVID-19, lao,…
– Tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực, hạn chế tỷ lệ mắc di chứng, dị tật bẩm sinh do bệnh truyền nhiễm gây ra. Trẻ em tiêm chủng đầy đủ sẽ có cơ hội phát triển thể chất và trí não một cách thuận lợi, tránh gặp các bệnh nguy hiểm.
– Giảm gánh nặng kinh tế phát sinh từ chi phí điều trị. Tại Việt Nam, nhiều gia đình đang phải đối diện với mức chi phí chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm.
Có thể thấy, tiêm vắc xin phòng bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định an sinh xã hội, giảm áp lực gánh nặng kinh tế do bệnh tật gây ra. Đến nay, đã có vắc xin để phòng ngừa 30 bệnh truyền nhiễm, và khoảng 190 quốc gia/ vùng lãnh thổ chính thức triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng đến toàn dân.
3. Lưu ý cần nhớ khi đi tiêm vắc xin
Tiêm chủng là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả, giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, để quá trình tiêm chủng diễn ra an toàn và đạt hiệu quả thì người dân cần lưu ý một số vấn đề sau:
Trước khi tiêm
– Tìm hiểu về loại vắc xin cần tiêm, bao gồm thành phần, tác dụng, tác dụng phụ của loại vắc xin cần tiêm để có sự chuẩn bị tốt nhất.
– Thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe nếu bạn đang mắc bệnh cấp tính, dị ứng với các loại vắc xin hoặc thuốc. Trường hợp có tiền sử phản ứng với vắc xin, cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn.
– Đem theo sổ tiêm chủng hoặc phiếu tiêm chủng để bác sĩ theo dõi các mũi tiêm trước đó.
Trong khi tiêm
– Giữ yên vùng tiêm và không cử động trong lúc bác sĩ đang thao tác.
– Thông báo cho bác sĩ nếu nhận thấy cơ thể có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Sau khi tiêm
– Theo dõi sức khỏe trong vòng 30 phút sau tiêm để phát hiện sớm các phản ứng phụ.
– Trở lại cơ sở y tế nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào như: Sốt, đau đầu, sưng đỏ tại chỗ tiêm,…
Ngoài ra, có một số lưu ý khác mà người dân cần ghi nhớ là đi tiêm vắc xin đúng lịch, đủ số mũi để đảm bảo cơ thể sản sinh đủ kháng nguyên phòng bệnh. Thêm vào đó, hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đủ năng lực thực hiện tiêm chủng. Nếu còn băn khoăn về bất kỳ dịch vụ tiêm chủng nào, hãy liên hệ với TCI để được hỗ trợ giải đáp sớm nhất!