Khám gan mật là chìa khóa quan trọng để sàng lọc và điều trị hiệu quả các bệnh lý tại các cơ quan này. Vậy khám chuyên khoa Gan mật là khám những gì? Phương pháp và quy trình thực hiện ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các câu hỏi về dịch vụ thăm khám phổ biến này.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin cơ bản về khám chuyên khoa Gan mật
1.1. Khám gan mật là gì?
Gan, mật là các cơ quan có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cơ thể. Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, đảm nhận cả vai trò nội tiết và ngoại tiết. Gan có chức năng đào thải độc tố; lưu trữ, tổng hợp và chuyển hóa các chất. Ngoài ra, gan còn là nơi sản xuất dịch mật và dự trữ chúng trong túi mật.
Túi mật nằm ở mặt dưới của thùy gan phải, có hình quả lê, màu xanh. Cơ quan này có chức năng lưu trữ và cô đặc dịch mật do gan sản sinh. Sau đó dịch mật được bài xuất xuống ruột tham gia vào quá trình tiêu hóa.
Khám gan mật là việc kiểm tra, chẩn đoán các bất thường, bệnh lý liên quan đến gan mật. Dựa vào các triệu chứng và các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đánh giá chức năng hoạt động của gan và túi mật, phát hiện các tổn thương nếu có. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử trí phù hợp cho các vấn đề gan mật.
Các bệnh lý gan mật thường gặp nhất là viêm gan virus, gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan, sỏi mật, tắc ống dẫn mật,… Nhìn chung bệnh gan mật cần được thăm khám và điều trị kịp thời để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
1.2. Khi nào cần khám chuyên khoa Gan mật?
Việc thăm khám gan mật được khuyến cáo thực hiện ở những người có các yếu tố nguy cơ sau đây:
– Sử dụng nhiều rượu bia và các đồ uống có cồn, chất kích thích khác.
– Thường xuyên tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm công nghiệp, hóa chất, rác thải.
– Thường xuyên thức khuya do công việc, thói quen.
– Thường phải sử dụng các loại thuốc chữa bệnh trong thời gian dài.
– Người có chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều thực phẩm có chứa chất bảo quản, thực phẩm nhiều dầu mỡ,…
– Những người có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B, viêm gan C: Dùng chung kim tiêm, dao cạo và các đồ dùng cá nhân khác; xỏ khuyên, xăm mình… ở cơ sở không uy tín; quan hệ tình dục không an toàn.
– Không đảm bảo an toàn trong quá trình truyền máu, cho máu hay nhận máu.
Bên cạnh đó, những người có triệu chứng bất thường dưới đây cũng nên nhanh chóng khám gan mật:
– Mệt mỏi liên tục, kéo dài; chán ăn, ăn không ngon.
– Có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, chướng hơi, ăn không tiêu, buồn nôn, nôn,…
– Đau tức bụng vùng gan (hạ sườn phải).
– Có hiện tượng vàng da, vàng mắt; chảy máu cam, chảy máu chân răng không rõ nguyên nhân.
– Nhu cầu và khả năng tình dục suy giảm.
2. Các phương pháp thăm khám gan mật phổ biến
2.1. Kiểm tra lâm sàng
Người bệnh thăm khám ban đầu với bác sĩ chuyên khoa Gan mật. Bác sĩ sẽ xác định các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, kiểm tra vùng gan, quan sát mắt và các mô,… Từ kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán chính xác các bất thường, bệnh lý gan mật.
2.2. Một số xét nghiệm trong khám chuyên khoa Gan mật
Người bệnh được lấy mẫu máu, nước tiểu hoặc phân để làm xét nghiệm. Các xét nghiệm này giúp kiểm tra chức năng gan mật, tìm nguyên nhân của viêm gan, phát hiện các biến chứng của bệnh gan. Ngoài ra, xét nghiệm còn giúp người bệnh tầm soát ung thư gan.
Cụ thể, các xét nghiệm máu bao gồm:
– Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi đánh giá phản ứng viêm nhiễm của cơ thể.
– Định lượng Glucose, HbA1c đánh giá tình trạng chuyển hóa đường.
– Đo hoạt độ AST (GOT) kiểm tra men gan, đánh giá mức độ tổn thương tế bào gan.
– Đo hoạt độ ALT (GPT) đánh giá mức độ tổn thương màng tế bào gan và biểu mô đường mật trong gan.
– Đo hoạt độ GGT kiểm tra men gan, đánh giá viêm gan và các bệnh về gan
– Định lượng Bilirubin (toàn phần và trực tiếp) đánh giá rối loạn tại gan như viêm gan, xơ gan,… hay các rối loạn đường dẫn mật như sỏi mật,…
– Định lượng Ferritin chẩn đoán rối loạn tại gan.
– Kiểm tra tình trạng nhiễm virus viêm gan B (qua HBsAg miễn dịch tự động, HBsAb định lượng), virus viêm gan C (qua HCV Ab miễn dịch tự động).
– Định lượng AFP dấu ấn sàng lọc ung thư gan.
– Định lượng CA 19 – 9 tầm soát ung thư mật.
Các xét nghiệm nước tiểu phổ biến về gan mật gồm:
– Bilirubin (BIL) chẩn đoán xơ gan, bệnh lý gan, vàng da tắc mật.
– Urobilinogen (UBG) chẩn đoán bệnh lý gan hay túi mật: xơ gan, viêm gan do nhiễm khuẩn, tắc ống mật chủ,…
Trong khi đó, xét nghiệm phân tìm vi sinh vật, ký sinh trùng giúp chẩn đoán sán lá gan, viêm gan A,…
2.3. Các chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm ổ bụng tổng quát và siêu âm đàn hồi mô gan là các chẩn đoán hình ảnh thường gặp nhất. Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định các phương pháp khác như: chụp X-quang gan mật, chụp cắt lớp CT gan, chụp cộng hưởng từ MRI,…
Các chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng giúp đánh giá các bất thường tại gan mật. Cụ thể, bác sĩ sẽ quan sát được kích thước gan, phát hiện gan nhiễm mỡ, xơ gan, u gan, sỏi mật, tắc mật,…
Ngoài ra, trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết gan để chẩn đoán ung thư gan và các bệnh lý khác một cách chính xác nhất.
3. Quy trình thăm khám gan mật
Thông thường, quá trình khám gan mật được thực hiện theo các bước như sau:
– Bước 1: Người bệnh đến cơ sở y tế và làm thủ tục đăng ký khám, chờ khám theo số thứ tự.
– Bước 2: Khám ban đầu với bác sĩ chuyên khoa.
– Bước 3: Thực hiện các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh được chỉ định.
– Bước 4: Người bệnh nhận các kết quả kiểm tra. Sau đó quay lại phòng khám ban đầu để được bác sĩ tư vấn và định hướng điều trị.
Trên đây là những thông tin cơ bản về khám chuyên khoa Gan mật. Có thể thấy, khám gan mật là việc làm cần thiết giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tại các cơ quan này. Hãy thăm khám định kỳ để bảo vệ tốt nhất sức khỏe gan mật, kiểm soát hiệu quả các bệnh lý.