Trật khớp chân là một tai nạn rất thường gặp. Nếu không được sơ cứu đúng cách, điều trị kịp thời có thể để lại biến chứng nặng nề. Vì thế, bạn cần áp dụng đúng theo những bước hướng dẫn cách sơ cứu khi bị trật khớp sau đây.
Trật khớp có thể xảy ra ở các khớp lớn như vai, đầu gối, khuỷu tay, mắt cá chân. Nguyên nhân gây trật khớp thường là do chấn thương, tai nạn, trượt ngã khi lao động, chơi thể thao… Trật khớp gây sai lệch khớp khỏi vị trí ban đầu nên sẽ khiến người bệnh đau đột ngột, dữ dội và khó đi lại, vận động tại nơi bị trật.
Menu xem nhanh:
1. Cách sơ cứu khi bị trật khớp
Bước 1: Hạn chế tối đa việc di chuyển
Khi bị trật khớp, bạn nên tránh di chuyển để giảm lực tác động vào vị trí bị tổn thương. Bên cạnh đó, không được nắn, chỉnh hoặc cố cử động khớp bị trật vì có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Bước 2: Cố định khớp
Cố định ở tư thế mà khớp đang ở vị trí đó. Nếu trật khớp vùng tay, khuỷu tay có thể có định bằng cách cột tay vào thân người. Nếu trật khớp ở chân thì có thể cột hai chân lại với nhau, dùng chân lành làm nẹp cố định.
Bước 3: Chườm lạnh vùng khớp bị thương
Việc chườm lạnh vùng khớp bị thương có thể giúp giảm sưng phù. Có thể dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da hoặc cho đá vào miếng vải để chườm. Lưu ý, không nên chườm nóng, đắp muối, bóp thuốc rượu vì có thể làm tình trạng xấu đi.
Bước 4: Di chuyển người bệnh tới cơ sở y tế
Sau khi sơ cứu xong, người nhà cần đưa người bệnh tới ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, kiểm tra. Ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các chẩn đoán chuyên sâu như chụp X-quang để xác định mức độ tổn thương. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
2. Cách điều trị trật khớp hiệu quả
Chuyên gia khuyến cáo, không nên chủ quan khi bị trật khớp bởi nếu không phát hiện và chữa trị sớm có thể gây ra một vài biến chứng nguy hiểm như rách cơ, dây chằng cùng những bó gân gia cố phần khớp bị tổn thương.
Trật khớp còn có thể gây ra các tổn thương cho mạch máu cũng như thần kinh ở quanh khớp. Nếu không được điều trị dứt điểm, hiện tượng này rất dễ tái phát. Nếu trật khớp nặng có thể tái phát đi tái phát lại nhiều lần.
Điều trị trật khớp tùy thuộc vào vị trí và mức độ nặng của tổn thương. Bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp nắn chỉnh để đưa xương trở lại đúng vị trí. Sau đó người bệnh có thể cần phải nẹp hoặc băng cố định vài tuần và dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc giãn cơ.
Sau khi tháo bỏ băng hoặc nẹp, bệnh nhân sẽ được phục hồi chức năng để khôi phục vận động và sức mạnh của khớp. Cần tránh hoạt động mạnh ở bên khớp tổn thương cho đến khi khớp hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật ít được sử dụng bởi trật khớp thường gặp ở mức độ nhẹ và hồi phục trong thời gian ngắn.