Có thể tự gắp dị vật trong họng mà không cần sự giúp đỡ của bác sĩ? – Đây là câu hỏi mà nhiều người vẫn thắc mắc, bởi dị vật họng là hiện tượng rất phổ biến. Thực tế, có thể gắp dị vật tại nhà mà không cần đến các cơ sở y khoa. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp đều có thể làm theo cách này. Hãy tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Dị vật họng – Hiện tượng phải cảnh giác hằng ngày
Dị vật họng là tên gọi chỉ hiện tượng các vật lạ từ bên ngoài cơ thể bị mắc lại khu vực họng. Dị vật ở trong họng phổ biến nhất là thông qua đường miệng. Hiện tượng này có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, do nhiều tình huống và nguyên nhân khác nhau hình thành nên.
1.1. Nguyên nhân gây tình trạng dị vật họng
Dị vật họng có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân:
– Cười đùa, không tập trung trong ăn uống. Điều này có thể khiến hoạt động nhai bị giảm. Chúng ta dễ nuốt vội và gây tình trạng dị vật họng. Đó có thể là mảnh xương, các loại hạt, …
– Trẻ em nghịch, ngậm đồ chơi. Trong quá trình đó, trẻ vô tình nuốt và bị hóc ở họng.
– Người già và trẻ nhỏ không đủ răng, không nhai kỹ được đồ ăn. Do đó, dễ bị hóc xương hoặc các thực phẩm dai, khó tiêu hóa.
– Người dùng răng giả vô tình nuốt phải răng giả.
Dị vật trong họng hay bắt gặp có thể kể đến như: cúc áo, pin đồng hồ, xương cá, xương động vật, đồ chơi trẻ em,mảnh ghép lego,…
1.2. Biểu hiện khi cổ họng vướng dị vật
Khi có dị vật trong cổ họng, cảm giác của chúng ta khá rõ ràng. Tùy theo tình trạng dị vật như thế nào mà các cấp độ biểu hiện khi hóc dị vật cũng nhiều điểm khác biệt. Thông thường, chúng ta thấy nghẹn, khó nuốt, nuốt không trôi ở cổ. Nhiều người còn có thể kèm theo cảm giác muốn nôn, nôn khan, …
Bên cạnh đó, dị vật trong họng có thể gây đau, sốt, mặt đỏ,… Dị vật kích thước lớn trong họng để lâu có thể gây viêm nhiễm, sưng tấy, áp xe. Vì thế nên điều trị sớm khi bị dị vật vướng trong cổ họng.
Cũng cần chú ý rằng, trẻ em dưới 3 tuổi là một trong những đối tượng mắc nguy cơ dị vật họng. Trong khi đó, trẻ chưa biết nói, chưa thể thể hiện việc đang bị hóc một cách rõ ràng. Vì thế, cha mẹ nên chú ý để phát hiện tình trạng hóc dị vật của trẻ:
– Khóc, nôn trớ.
– Không chịu ăn tiếp khi đang ăn
– Ho nhiều, mặt đỏ, …
– Trẻ liên tục đưa tay lên cổ hoặc vào miệng để lôi gì đó ra
– Một số trường hợp khác: nước dãi trẻ có màu hồng/đỏ, trẻ ho ra máu,…
Dị vật trong họng luôn mang đến cảm giác khó chịu và ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt, ăn uống của người bệnh. Bên cạnh đó, nhiều tình huống hóc dị vật còn gặp tình trạng viêm mủ, áp xe, hoại tử niêm mạc do viêm nhiễm và ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Chính vì thế, nên có các xử trí kịp thời, loại bỏ dị vật họng nhanh chóng để tránh những biến chứng bất thường có thể xảy ra.
2. Có thể tự gắp dị vật trong họng được không?
2.1. Hướng dẫn gắp dị vật họng
Với vấn đề tự xử lý và gắp dị vật trong họng, các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng cho biết: Có nhiều tình huống người bệnh có thể nhờ người hỗ trợ gắp dị vật cho mình. Để làm được điều này, hãy thực hiện theo các bước sau:
– Nhờ một người hỗ trợ để kiểm tra và thực thực hiện thao tác này.
– Người hỗ trợ ở vị trí cao hơn người bị dị vật họng. Khi đó, hãy dùng đèn pin nhỏ, đủ sáng để kiểm tra khu vực khoang họng của người bị hóc. Người đang bị mắc dị vật nên chú ý hạ lưỡi xuống để người hỗ trợ quan sát được rõ nhất.
– Nếu người hỗ trợ có thể nhìn thấy dị vật trong họng của người bị hóc dị vật, thì có thể hỗ trợ lấy dị vật ra. Cách làm khá đơn giản: Hãy dùng kẹp y tế để gắp dị vật. Chú ý không va chạm vào các vùng niêm mạc khác. Khi đó, người bị hóc dị vật cũng cần chú ý phối hợp, giữ tư thế miệng để quá trình gắp dị vật được thuận lợi.
– Sau khi gắp dị vật, người hỗ trợ xem xét xem vị trí hóc kia có bị chảy máu hay sưng đỏ không. Nếu có, hãy nhắc bệnh nhân đến các cơ sở y tế để dùng thuốc hỗ trợ kháng viêm phù hợp.
2.2. Lưu ý khi tự gắp dị vật họng
Trong trường hợp người hỗ trợ không nhìn thấy dị vật, tuyệt đối không cố kẹp hay móc họng cho người bệnh. Điều này sẽ dẫn đến những tổn thương mới không đáng có. Đồng thời, có thể khiến dị vật đâm sâu và ở vị trí khó điều trị hơn.
Ngoài ra, nếu người hỗ trợ thấy dị vật to hoặc khó gắp bằng phương pháp thông thường, hoặc gắp dị vật có thể gây thương tổn hơn cho người bệnh thì cũng cần chú ý. Khi này, hãy nhờ đến các cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ tốt nhất.
3. Điều trị phù hợp khi bị dị vật họng
Loại bỏ dị vật họng là điều rất quan trọng. Trong quá trình đó, có những tình huống hóc dị vật có cách xử lý rất đơn giản, như dùng phương pháp Heimlich, hoặc có khi là không làm gì. Tuy vậy, cũng rất nhiều trường hợp cần nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ để gắp dị vật họng.
Với việc gắp dị vật họng tại các phòng khám, chuyên khoa Tai Mũi Họng, sẽ có 3 hình thức như sau:
– Gắp trực tiếp dị vật khi dị vật được nhìn thấy trực tiếp.
– Gắp dị vật kết hợp ống nội soi
– Mổ gắp dị vật.
Tùy theo từng trường hợp và mức độ nguy hiểm của vấn đề dị vật họng của người bệnh mà các bác sĩ có thể đưa ra những phương án điều trị khác nhau. Bên cạnh đó, việc theo dõi, xử lý tình trạng nhiễm trùng là điều cần thiết với người bệnh để tránh nguy cơ sau điều trị.
Có thể thấy, gắp dị vật trong họng có nhiều cấp độ. Người bệnh có thể được xử lý tại chỗ, nhưng cũng có những trường hợp cần đưa đến các chuyên gia y tế để được hỗ trợ. Điều quan trọng là, cần nhìn nhận vấn đề, tránh việc cố gắng và bất chấp tự gắp dị vật họng. Hành động này có thể ẩn chứa nhiều nguy hiểm và khó khăn trong điều trị sau này.