Hoại tử đường ruột là tình trạng viêm ruột cấp tính nguy hiểm liên quan tới nhiều yếu tố khác nhau gây ra. Bệnh gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đối tượng mắc bệnh đa dạng vì vậy mọi người cần hết sức lưu ý.
Menu xem nhanh:
1. Những nguyên nhân chính gây bệnh hoại tử ở đường ruột
Hoại tử đường ruột là một loại nhiễm trùng do Clostridial gây ra. Ở trường hợp nặng, bệnh có thể tử vong. Độc tố toxin của vi khuẩn này dễ bị hủy diệt bởi loại men có trong ruột khiến chúng ta không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên nếu chế độ ăn uống thiết protein hoặc thức ăn có nhiều chất chống men trypsin, mắc bệnh giun hoặc chế độ ăn đột nhiên có nhiều thịt thì độc tố toxin sẽ không thể kiềm chế và gây bệnh.
Các yếu tố nguy cơ gây hoại tử đường ruột:
– Vệ sinh thực phẩm kém
– Ăn thịt theo từng giai đoạn
– Chế độ ăn kiêng chứa chất gây ức chế trypsin
– Nhiễm ký sinh trùng Ascaris gây ức chế trypsin
– Thiếu hụt protein
2. Các dấu hiệu hoại tử ở đường ruột giai đoạn sớm
Việc phát hiện bệnh sớm vô cùng quan trọng tới việc điều trị. Điều này làm rút ngắn quá trình chữa bệnh, giảm biến chứng nguy hiểm. Ngay khi phát hiện mắc bệnh bạn cần tới bệnh viện để thăm khám và xử lý kịp thời. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ vài giờ tới vài ngày với các dấu hiệu như:
2.1 Đau bụng do hoại tử đường ruột
Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng đau bụng. Đây cũng là dấu hiệu đầu tiên xuất hiện vào ngày đầu mắc bệnh và biến mất chậm nhất. Ban đầu người bệnh sẽ đau từng cơn sau đó chuyển sang đau âm ỉ. Cơn đau tăng lên khi ăn uống.
Cơn đau thường khu trú ở vùng quanh rốn hoặc thượng vị hoặc đôi khi không xác định được vị trí cố định. Trung bình thời gian đau kéo dài trong gần chục ngày. Trường hợp bị viêm ruột hoại tử có sốc thì cơn đau sẽ dữ dội với thời gian lâu hơn 9 ngày.
2.2 Sốt
Sốt cũng là biểu hiện mà hầu như những người bị viêm ruột đều gặp phải. Dấu hiệu này xuất hiện vào ngày đầu mắc bệnh chỉ sau đau bụng. Khi bị viêm ruột hoại tử có sốc thì nhiệt độ sốt khá cao, thường là trên 38,5°C.
2.3 Đi ngoài ra máu là dấu hiệu hoại tử đường ruột
Đi ngoài ra máu là triệu chứng quan trọng có giá trị trong quyết định chẩn đoán. Tình trạng này xuất hiện khá sớm khi bắt đầu khởi phát bệnh. Phân thường có màu đỏ nâu, dạng lỏng và có mùi thối khắm rất đặc biệt. Trung bình lượng phân mỗi lần đi rơi vào khoảng 50 – 220ml. Đi đại tiện rất dễ dàng, không bị mót rặn. Có một số trường hợp bệnh nhân không tự đại tiện được mà cần ấn mạnh vào bụng hoặc thông trực tràng thì phân mới chảy ra.
2.4 Nôn
Bệnh nhân có cảm giác buồn nôn và thường chấm dứt vào ngày thứ 3 khi có biểu hiện mắc bệnh. Tuy nhiên dấu hiệu này thường không kéo dài quá 7 ngày. Nếu sau một tuần bệnh nhân vẫn buồn nôn thì có thể đã gặp biến chứng tắc ruột.
2.5 Chướng bụng
Biểu hiện này xuất hiện tương đối muộn ở thời điểm sau khi có dấu hiệu mắc bệnh vài ngày. Nếu chướng bụng xuất hiện sớm thì đây là dấu hiệu bị viêm ruột hoại tử nặng. Trên cơ thể bệnh nhân có thể nổi vân tím, sốc cảnh báo dấu hiệu bệnh ở giai đoạn nặng.
Từ những dấu hiệu kể trên sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm, đặc biệt là bệnh ở trẻ em. Điều này sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng nguy hiểm đe dọa tới sức khỏe và tính mạng.
3. Viêm ruột hoại tử gây ra những biến chứng gì?
Hoại tử ở đường ruột là tình trạng nghiêm trọng có tỷ lệ mắc và tử vong cao. Bệnh xuất hiện ở người lớn khi ruột bị nhiễm khuẩn. Ảnh hưởng đến trẻ sinh non, trẻ đủ tháng cũng có thể bị viêm ruột hoại tử.
3.1 Thủng ruột
Bệnh không được điều trị sớm thành ruột sẽ suy yếu dẫn tới hoại tử và tạo thành lỗ thủng trên thành ruột. Khi này dịch tiêu hóa sẽ tràn vào khoang bụng gây nhiễm trùng. Thủng ruột là trường hợp biến chứng cần phẫu thuật ngay vì có khả năng gây tử vong cao.
3.2 Chậm phát triển ở trẻ nhỏ
Viêm ruột hoại tử ở trẻ em sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Khoảng 25% trẻ hồi phục sau viêm ruột cần điều trị các hậu quả lâu dài. Trẻ được điều trị về mặt y khoa có thể bị chậm phát triển, khó hấp thu chất dinh dưỡng. Đồng thời trẻ cũng có nguy cơ đối mặt với các rắc rối ở túi mật và gan.
Bệnh lý này còn làm tăng nguy cơ chậm phát triển ở trẻ em. Trẻ sơ sinh sau khi được phẫu thuật có thể gặp các biến chứng lâu dài. Ngoài ảnh hưởng của điều trị, bệnh nhân đã phẫu thuật còn gặp các vấn đề hấp thu như hội chứng ruột ngắn. Ngoài ra trẻ còn gặp các vấn đề về não và mắt, có nguy cơ cao bị bại não.
4. Điều trị viêm ruột hoại tử
Viêm ruột hoại tử là bệnh lý có diễn tiến phức tạp vì vậy cần nhập viện để có điều kiện chăm sóc đảm bảo, theo dõi và xử lý sớm. Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp. Bệnh nhân cần bổ sung nước điện giải bằng dung dịch oresol hoặc truyền dung dịch ringer lactat qua tĩnh mạch. Đồng thời áp dụng các biện pháp điều trị chuyên biệt như: Đặt ống thông mũi – dạ dày, ống thông hậu môn. Ở trường hợp bắt buộc bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật.
Đối với điều trị cho trẻ em thì cần ngưng cho trẻ ăn sữa để ruột được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó trẻ được uống thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và loại bỏ không khí khỏi dạ dày. Trẻ được chụp X – quang thường xuyên để theo dõi tiến triển của bệnh.
Trường hợp điều trị bệnh không hiệu quả hoặc ruột bị thủng thì cần phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ loại bỏ các phần ruột hoại tử và các phần nhiễm bệnh khác. Phần ruột khỏe mạnh sẽ được nối lại hoặc được chuyển ra thành bụng thông qua hậu môn nhân tạo. Sau đó việc điều trị sẽ được tiếp tục cho tới khi bệnh được giải quyết.
Mong rằng qua bài viết bạn đã hiểu hơn về bệnh hoại tử đường ruột. Mọi người cần lưu ý tới những thay đổi bất thường của cơ thể để giúp phát hiện bệnh sớm.