Đau đầu mạn tính là tình trạng đau đầu kéo dài liên tục 15 ngày/tháng hoặc trên 3 tháng. Cơn đau kéo dài gây cho người bệnh rất nhiều khó chịu và mệt mỏi. Cùng tìm hiểu về bệnh đau đầu thể mạn tính để nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nhé.
Menu xem nhanh:
1. Đau đầu mạn tính là gì?
Đau đầu là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải với những biểu hiện khác nhau. Nếu những cơn đau liên tục xuất hiện 15 ngày/tháng hoặc kéo dài trên 3 tháng thì chứng tỏ bạn đã bị đau đầu dạng mạn tính hay đau đầu kinh niên.
Nhiều trường hợp, những cơn đau đầu kinh niên xuất hiện hàng ngày và kéo dài trong vòng hơn 4 giờ.
2. Các dạng đau đầu mạn tính thường gặp
Tùy vào nguyên nhân, mức độ đau và tần suất đau, người ta chia đau đầu kinh niên hay mạn tính thành các dạng sau:
2.1 Đau đầu căng thẳng mạn tính
Những cơn đau sẽ xảy ra liên tục khi người bệnh phiền muộn, làm việc quá lâu, ngủ ở tư thế không đúng,…
Đau đầu khi căng thẳng thường xảy ra ở cả 2 bên đầu, mức độ từ nhẹ đến vừa. Người bệnh có cảm giác thắt chặt và đè ép quanh đầu, rất khó chịu. Một số người cảm thấy đau hộp sọ, đôi khi kèm theo đau nhức, mỏi các cơ ở đầu, cổ. Tình trạng này không tăng nặng khi hoạt động thể chất thường xuyên.
2.2 Đau nửa đầu mạn tính
Bệnh thường xuất hiện ở những người có tiền sử đau nửa đầu.
Các triệu chứng điển hình của bệnh đau nửa đầu mạn tính:
– Đau nhói, thường đau ở một bên đầu, đôi khi xuất hiện ở cả 2 bên đầu
– Cảm giác đầu phập phồng, dao động
– Buồn nôn, nôn nhiều
– Giảm thị lực, người bệnh nhìn mờ, hình ảnh xuất hiện dưới dạng các đốm, chấm hoặc đường ngoằn ngoèo
– Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và mùi
– Có thể dẫn đến các cơn đau nặng
– Đau trầm trọng hơn nếu hoạt động thể chất thường xuyên
2.3 Đau nửa đầu liên tục
Hay còn gọi là Hemiarania Continua, một loại đau đầu hiếm gặp. Tình trạng đau đớn xảy ra hàng ngày với mức độ từ vừa đến nặng. Người bệnh không dừng đau, thường chỉ đau ở một bên mặt và đầu kèm theo các triệu chứng:
– Mắt đỏ, có dấu hiệu rách
– Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
– Mí mắt rũ xuống
– Hẹp đồng tử, con ngươi nhỏ, xuất hiện vòng tròn đen ở giữa mắt
– Bồn chồn, lo lắng
3. Nguyên nhân gây đau đầu kéo dài
Nguyên nhân gây đau đầu kinh niên cũng đa dạng như các loại đau. Những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau đầu thể mạn bao gồm:
3.1 Đau đầu do viêm
Nhiễm trùng tại nhiều vị trí trên cơ thể có thể gây viêm. Hiện tượng viêm nhiễm kéo dài dễ gây chèn ép, làm giảm khả năng lưu thông của máu lên não. Đó là nguyên nhân gây đau đầu.
Các dạng viêm có thể dẫn tới đau đầu:
– Viêm xoang
– Viêm khớp
– Gout
– Viêm do chấn thương
– Viêm ở bệnh nhân ung thư
3.2 Đau đầu sau đột quỵ, phẫu thuật
Đột quỵ là tình trạng tế bào não bị thiếu oxy cấp tính. Sau cơn đột quỵ, hệ thần kinh hứng chịu hậu quả nặng nề dẫn tới triệu chứng đau nhức toàn cơ thể. Lớp màng bao bọc myelin bảo vệ bên ngoài bị phá hủy. Lúc này, các xung điện phóng không kiểm soát và gây đau đớn cho người bệnh.
Sau phẫu thuật, các tế bào thần kinh rất dễ bị tổn thương. Các loại đau thần kinh sau phẫu thuật thường dai dẳng và kéo dài.
3.3 Đau đầu mạn tính do đau nửa đầu (Migraine)
Hiện tượng đau xảy ra ở một bên đầu và diễn biến có tính chu kỳ, triệu chứng lâm sàng rất đa dạng.
Có khi đó là những cơn đau có báo trước. Ban đầu, bệnh nhân đau một bên đầu, sau có thể lan ra toàn bộ đầu. Người bệnh tái xanh, nổi gai ốc, mạch máu ở thái dương đập theo nhịp tim. Kèm theo đó là cảm giác buồn nôn, nôn, chóng mặt, mất thăng bằng.
Cơn đau có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Đôi khi bệnh nhân chỉ đau 1 lần trong năm. Những cũng có trường hợp cơn đau lặp lại thường xuyên. Một số khác, những dấu hiệu cảnh báo có thể chỉ xuất hiện trong ít phút trước khi cơn đau diễn ra. Đó thường là hiện tượng rối loạn thị giác, cảm giác và rối loạn ngôn ngữ.
3.5 Đau đầu do lạm dụng thuốc
Đau đầu kinh niên hay mạn tính có thể xảy ra ở các bệnh nhân dùng quá nhiều thuốc giảm đau. Các chuyên gia cho biết, nếu người bệnh dùng thuốc quá chỉ định hơn 2 ngày/tuần hoặc 9 ngày/tháng, sẽ có nguy cơ bị đau đầu mạn rất cao.
3.6 Đau đầu mạn tính do u não
Những bệnh nhân bị u não thường gặp hiện tượng đau đầu kéo dài.
Cơn đau thường ít dữ dội mà âm ỉ, dai dẳng và tăng dần ở vị trí khối u. Khi khối u phát triển lớn hơn sẽ gây đau toàn bộ đầu.
Người bệnh thường đau nhiều về sáng, giảm dần khi thức dậy. Các hoạt động gắng sức như ho, rặn, đại tiện, thay đổi tư thế đột ngột có thể khiến mức độ đau tăng lên.
4. Bệnh đau đầu kéo dài có nguy hiểm không?
Người bị đau đầu kinh niên có thể dẫn tới những rối loạn tâm lý như lo lắng, trầm cảm và thay đổi tính cách, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn làm đảo lộn các hoạt động xã hội. Vì vậy, khi có biểu hiện đau đầu trong thời gian dài, bạn cần gặp bác sĩ để được khám và điều trị sớm, tránh để bệnh trầm trọng hơn.
5. Điều trị đau đầu mạn tính như thế nào và ở đâu?
Để điều trị chứng đau đầu kinh niên, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị đau đầu:
– Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm ba vòng (nortriptyline), các chất ức chế chọn lọc serotonin, fluoxetine… giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm, lo âu và rối loạn giấc ngủ. Đây là các biểu hiện thường đi kèm với đau đầu.
– Thuốc chống động kinh: Chứng đau nửa đầu và đau đầu thể mạn tính có thể được ngăn ngừa bằng một số loại thuốc chống động kinh.
– Thuốc chống viêm không steroid: Loại thuốc này thường được chỉ định nếu cơn đau đầu trở nên nặng. Thuốc rất hữu hiệu trong việc điều trị bệnh đau đầu mạn.
– Thuốc chẹn beta: Sử dụng thuốc chẹn beta có thể ngăn ngừa chứng đau nửa đầu hữu hiệu nhờ cải thiện huyết áp.
– Botulinum toxin: Phương pháp này được sử dụng cho những người không thể dung nạp hoàn toàn thuốc sử dụng hàng ngày. Người bệnh sẽ được dùng thuốc bằng đường tiêm.
Lưu ý, những loại thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ra đơn thuốc phù hợp. Bệnh nhân cần uống thuốc theo đơn, không tự ý thay đổi đơn thuốc hoặc ngưng thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
6. Phòng ngừa đau đầu
Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh phòng ngừa đau đầu tái phát bằng các liệu pháp thư giãn, cân bằng:
– Ngủ đủ giấc: thời gian ngủ nên từ 7 – 8 giờ/đêm. Nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ, hãy nói với bác sĩ để được tư vấn điều trị kết hợp.
– Duy trì chế độ ăn khoa học: Người bệnh nên ăn uống đầy đủ, ăn các bữa ăn lành mạnh vào cùng một khoảng thời gian hàng ngày. Tránh thực phẩm, đồ uống không lành mạnh, đặc biệt là các chất kích thích.
– Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể dục giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần và giảm căng thẳng. Nhờ đó tình trạng đau đầu cũng được cải thiện. Các hình thức tập luyện tốt cho người đau đầu kinh niên là: đi bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp.
– Giảm căng thẳng: Sắp xếp thời gian làm việc, sinh hoạt hợp lý, có tổ chức. Tập yoga, thái cực quyền, thiền,… giúp giảm cẳng thẳng.
Như vậy, đau đầu mạn tính là căn bệnh gây nhiều phiền toái nhưng bạn có thể phòng tránh hoặc cải thiện bệnh này bằng sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh và duy trì các thói quen lành mạnh.