Đột quỵ rất nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong chiếm gần 50% và các biến chứng để lại vô cùng nặng nề. Nhận biết các biểu hiện đột quỵ giúp bạn cấp cứu người bệnh kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế biến chứng nguy hiểm do đột quỵ gây ra.
Menu xem nhanh:
1. Đấu tranh với đột quỵ là “giành giật sự sống” trong gang tấc
Đột quỵ xảy ra khi mạch máu lưu thông lên não bị tắc nghẽn (do cục máu đông (huyết khối), xơ vữa động mạch, suy yếu dòng máu lên não do tim co bóp kém) hoặc do vỡ mạch máu não (đứt mạch máu não).
Nếu trong khoảng 5 phút, đúng hơn là 3 phút các tế bào não đã bắt đầu rối loạn và nếu trong vòng 5 phút không được cung cấp đủ máu (oxy và các chất dinh dưỡng) để nuôi dưỡng, các tế bào não bắt đầu “chết” – mất chức năng vĩnh viễn không hồi phục.
Cấp cứu người bị đột quỵ là đấu tranh với thời gian như nhiều người ví trong cấp cứu người bị đột quỵ não “thời gian là não”.
Áp lực về thời gian không có nghĩa là nhanh nhất có thể, mà còn phải đảm bảo an toàn cho người bệnh. Nhiều người không để ý đến cách vận chuyển bệnh nhân đột quỵ (bế xốc, vác, …), chính hành động này có thể khiến người bệnh tử vong nhanh hơn và di chứng để lại cũng nặng nề hơn.
Khi vận chuyển bệnh nhân đột quỵ bạn cần lưu ý: để người bệnh nằm trên 1 mặt phẳng (cáng), đầu nghiêng sang một bên nên vận chuyển bằng xe ô tô, trên tuyến đường thẳng và ngắn nhất tới cơ sở y tế có sơ cấp cứu cho người bị đột quỵ.
2. Các biểu hiện đột quỵ bạn cần biết
2.1 Biểu hiện đột quỵ trên khuôn mặt
Khuôn mặt bị mất cân đối, tê bì, yếu liệt một bên cơ mặt khiến mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Có thể yêu cầu bệnh nhân cười sẽ thấy rõ điều này.
2.2 Cử động
Các cử động trở nên khó khăn hoặc không cử động được tay, chân, yếu liệt một bên cơ thể. Nếu được yêu cầu giơ hai tay lên để kiểm tra, người bị đột quỵ sẽ khó có thể giữ được tay trên cao mà tay sẽ rơi xuống.
2.3 Đau đầu, chóng mặt biểu hiện đột quỵ
Người bệnh sẽ bị đau đầu, chóng mặt một cách đột ngột, dữ dội; yếu liệt chi không thể tự ngồi hay đi đứng được như người bình thường.
2.4 Suy giảm thị lực
Đột nhiên mắt nhìn mờ, suy giảm thị lực.
2.5 Giọng nói thay đổi biểu hiện đột quỵ
Nói ngọng, dính chữ, nói không rõ nghĩa, không thể nhắc lại câu nói đơn giản từ người khác – đó là dấu hiệu của bệnh đột quỵ.
2.6 Suy giảm nhận thức biểu hiện đột quỵ
Người bệnh khó tập trung, khó suy luận, không hiểu người khác nói gì.
Nếu thấy người khác có biểu hiện này cần đi cấp cứu kịp thời, tránh trì hoãn bệnh biến chứng nặng dẫn đến tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
3. Các biến chứng thường gặp khi bị đột quỵ
Liệt vận động
Rối loạn ngôn ngữ
Rối loạn chức năng nuốt, nhai
Rối loạn cơ vòng dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ.
Phù não
Viêm phổi
Động kinh
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Co cứng cơ
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Trầm cảm
Đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ
Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ, kể cả người già – trẻ em – thanh niên là nam hoặc nữ giới. Tuy nhiên nguy cơ đột quỵ tăng cao hơn ở những đối tượng sau đây:
– Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới gấp 4 lần
– Tuổi cao (trên 50 tuổi)
– Tăng huyết áp (huyết áp cao)
– Người bị tiểu đường
– Hút thuốc lá
– Béo phì
– Mắc bệnh lý tim mạch, bẩm sinh hay bệnh mạch vành
– Nghiện rượu
– Chế độ ăn ít rau xanh, rối loạn mỡ máu
– Ít vận động
– Dị dạng mạch máu não
– Đã từng bị đột quỵ
– Tiền sử gia đình có người từng bị đột quỵ (đặc biệt là đột quỵ trẻ trước 40 tuổi).
Những đối tượng trên nên đi thăm khám sớm để tầm soát nguy cơ đột quỵ, có biện pháp phòng ngừa và điều chỉnh chế độ ăn, uống, lối sống,… để tránh đột quỵ xảy ra.
4. Đột quỵ ở giới trẻ đang tăng cao
Tại Hội nghị Đột quỵ quốc tế 2022, theo thống kê mỗi năm trên thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ, trong số đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ từ 15 – 49 tuổi. Đáng nói là trong số hơn 12,2 triệu ca đột quỵ kể trên có tới 6,5 triệu ca tử vong (tỷ lệ tử vong hơn 50%), với hơn 6% trong số đó là người còn trẻ. Đây là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho người trẻ không nên chủ quan trước căn bệnh đột quỵ.
Đột quỵ là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai và nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới. Có khoảng 90% người còn sống sót sau cơn đột quỵ, phải gánh chịu các di chứng nặng nề: tàn phế vĩnh viễn, rối loạn ngôn ngữ, thậm chí mất khả năng lao động,…
Theo các chuyên gia nhấn mạnh, đột quỵ hiện nay đang là vấn đề “nóng” của thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ với xu hướng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ.
Khi nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội, nhưng khi bị đột quỵ phải gánh chịu hàng loạt các di chứng nặng nề đeo bám đến suốt đời.
Người bệnh đột quỵ cần phải được cấp cứu và điều trị tốt, được chăm sóc và điều trị chuyên sâu để phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, điều trị phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là dự phòng và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để can thiệp điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng đột quỵ xảy ra như:
Kiểm soát tốt các yếu tố bệnh lý hiện có như: thiếu máu não, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, rung nhĩ, ngưng thở khi ngủ, …
Từ bỏ hoặc hạn chế tối đa các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ như: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, béo phì, ít vận động, sử dụng thuốc ngừa thai uống, căng thẳng tâm lý,…
Nếu gia đình có người thân từng đột quỵ, thân nhân cần phải khám sức khỏe thường xuyên, tầm soát não – thần kinh và các yếu tố nguy cơ của đột quỵ, để có thể điều trị kịp thời.