Hiện tượng khó ngủ, mất ngủ có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất, tinh thần của người bệnh, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, đột quỵ,… Vậy tình trạng này thường gặp ở những đối tượng và cải thiện bằng cách nào?
Menu xem nhanh:
1. Những đối thường bị khó ngủ, mất ngủ
Thực tế, tình trạng khó ngủ và không duy trì được giấc ngủ ngon có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên, phổ biến hơn ở những đối tượng sau:
1.1 Người lớn tuổi
Tình trạng khó ngủ thường gặp ở những người lớn tuổi, trên 60 – 65 tuổi. Nguyên nhân của tình trạng này thường liên quan đến lão hóa. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc trong điều trị các bệnh lý mà người già hay mắc phải cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
1.2 Mắc các bệnh lý
Người già dễ mắc các bệnh lý như tiểu đường, viêm khớp, mất trí nhớ, Parkinson, trào ngược đường tiêu hóa,… Các cơn đau do các bệnh này gây ra có thể khiến người bệnh khó ngủ, trằn trọc cả đêm.
1.3 Phụ nữ dễ gặp hiện tượng khó ngủ
Các thống kê cho thấy, phụ nữ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh mất ngủ cao hơn so với nam giới. Nguyên nhân chủ yếu do các vấn đề như chu kỳ kinh nguyệt, thai kỳ, rối loạn nội tiết tố,…
1.4 Người có vấn đề về tâm lý
Người gặp nhiều áp lực trong cuộc sống, thường xuyên căng thẳng cũng có xu hướng dễ khó ngủ, mất ngủ hơn người bình thường.
1.5 Người làm ca đêm
Những người phải thường xuyên làm ca đêm dễ gặp tình trạng khó ngủ do giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn. Nếu bạn đang đi du đi du lịch, du học ở một quốc gia khác trái múi giờ thì có thể sẽ cảm thấy khó ngủ.
1.6 Người có lối sống thiếu khoa học
Những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, ít vận động, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng,… làm tăng nguy cơ mắc chứng mất ngủ, khó ngủ.
2. Hiện tượng khó ngủ gây ảnh hưởng như thế nào đến sinh hoạt và sức khỏe?
Khó ngủ có thể chỉ là tình trạng xảy ra tạm thời nhưng cũng có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vào ngày hôm sau, kể cả về thể chất và tinh thần với các biểu hiện:
– Thức dậy quá sớm, không cảm thấy được nghỉ ngơi khi thức dậy
– Thiếu năng lượng, cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày
– Đau đầu, căng thẳng
– Xuất hiện quầng thâm mắt
– Khó tập trung trong suốt ngày
Nếu như khó ngủ kéo dài, có thể gây những hệ lụy cho sức khỏe như:
2.1 Thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt
Sau một đêm mất ngủ, nhiều người cảm thấy bực bội, dễ cáu gắt ngay cả với các tình huống hàng ngày, thậm chí không vì một lý do cụ thể nào. Người bệnh dễ bị kích động vì những chuyện nhỏ. Tình trạng này đặc biệt dễ xảy ra khi người không được ngủ đủ giấc theo nhu cầu hoặc khi có sự thay đổi trong hormone.
2.2 Hiện tượng khó ngủ, mất ngủ kéo dài gây hại cho da
Sưng húp mắt, quầng thâm, nếp nhăn và da tái xám là những biểu hiện dễ gặp sau một vài đêm mất ngủ. Khi bạn không ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ phải giải phóng nhiều hormone gây căng thẳng, phá vỡ collagen, vì thế da giảm độ mịn màng và đàn hồi.
2.3 Phát sinh chứng hay quên
Não bộ có trách nhiệm duy trì và củng cố trí nhớ. Cụ thể, thông tin ghi nhận được chuyển vào vùng vỏ não, nhờ đó giúp lưu giữ ký ức lâu dài. Quá trình này diễn ra hiệu quả nhất khi chúng ta ngủ đủ giấc. Khi bạn mất ngủ, não bộ sẽ không thể truyền tải đầy đủ thông tin. Điều này khiến người bệnh mắc chứng hay quên.
2.4 Tăng nguy cơ trầm cảm
Nghiên cứu của Mỹ cho thấy, những ngủ ít hơn 6 tiếng vào ban đêm thường dễ trầm cảm hoặc lo âu. Mất ngủ và trầm cảm có liên quan mật thiết đến nhau. Mất ngủ thường làm trầm trọng thêm bệnh trầm cảm, và ngược lại những người bị trầm cảm sẽ khó ngủ hơn bình thường.
2.5 Gây tăng cân
Những người ngủ ít hơn 6 giờ/ngày có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn tới 30% so với những người ngủ từ 7-9 giờ. Điều này được lý giải như sau:
Trong cơ thể có các loại hormone điều khiển việc ăn uống. Ghrelin là hormone kích thích cảm giác đói, trong khi leptin ngăn cản sự thèm ăn. Khi thiếu ngủ lượng leptin giảm và ghrelin tăng cao, khiến bạn ăn nhiều hơn. Mất ngủ khiến bạn lựa chọn những thực phẩm không lành mạnh, thèm ăn nhiều chất béo, thực phẩm giàu carbohydrate. Tất cả những yếu tố này sẽ khiến bạn tăng cân, thậm chí béo phì sau một thời gian.
2.6 Dễ gặp tai nạn
Tình trạng không tỉnh táo có thể khiến khả năng phản ứng khi lái xe của bạn giảm đi, làm tăng nguy cơ gây tai nạn.
2.7 Giảm năng suất công việc
Chất lượng giấc ngủ kém khiến năng suất làm việc hay học tập của bạn bị suy giảm.
2.8 Hệ miễn dịch suy yếu
Mất ngủ cũng có thể khiến hệ miễn dịch trở nên suy yếu, người bệnh dễ cảm lạnh và nhiều bệnh tật khác.
3. Các biện pháp cải thiện và điều trị hiện tượng khó ngủ
Tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng khó ngủ mà sẽ có những phương pháp điều trị chứng khó ngủ khác nhau.
Trong một số trường hợp nhẹ, các biện pháp điều trị tại nhà có thể giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn như:
– Điều chỉnh lại nhiệt độ phòng ở mức thích hợp
– Nghe nhạc nhẹ nhàng trước khi ngủ và tắm nước ấm
– Điều chỉnh ánh sáng trong phòng, không để đèn ngủ quá sáng
– Tránh uống cà phê và rượu, đặc biệt là trong vòng vài giờ trước khi ngủ
– Tránh tham gia các hoạt động mạnh trước khi ngủ để tránh kích thích não bộ
– Không ngủ nhiều vào ban ngày, buổi trưa cũng chỉ nên ngủ khoảng 30 phút
– Tạo cho mình một thời gian biểu hợp lý để ngủ nghỉ đầy đủ
Nếu nguyên nhân gây chứng khó ngủ, mất ngủ của bạn là do vấn đề sức khỏe hoặc một chứng rối loạn giấc ngủ khác gây ra, bạn sẽ cần điều trị các tác nhân này bằng các loại thuốc hoặc các phương pháp trị liệu phù hợp. Khi hiện tượng khó ngủ kéo dài, bạn cần thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trên đây là những thông tin về hiện tượng khó ngủ, mất ngủ. Nếu thuộc một trong các đối tượng có nguy cơ cao gặp phải hiện tượng này, hãy chú ý thay đổi lối sống và các yếu tố cân bằng để cải thiện, tránh để kéo dài gây những nguy hại đối với sức khỏe.