Những bệnh lý dễ gây ra tình trạng khó ngủ về đêm

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Hiện nay có rất nhiều người gặp phải tình trạng khó ngủ về đêm do bệnh lý. Điều này không chỉ khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu tập trung, trí nhớ suy giảm mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết thêm về những bệnh lý thường dẫn tới khó ngủ và mức độ nguy hiểm thế của nó.

1. Tình trạng khó ngủ về đêm

Nhiều người thường than phiền cả đêm họ chỉ chợp mắt được 2-3 tiếng. Một số trường hợp mặc dù đi ngủ khá sớm nhưng lại trằn trọc mãi không ngủ được và rất dễ giật mình tỉnh giấc giữa đêm. Đặc biệt có những người cả đêm không ngủ được (thức trắng).

Việc mất ngủ, khó ngủ về đêm cũng còn tùy theo thể trạng và sức khỏe từng cá nhân. Nhưng nhìn chung nếu một đêm bạn chỉ có thể ngủ dưới 4 tiếng (người lớn tuổi) và dưới 6 tiếng (người trẻ) chứng tỏ cơ thể bạn đang bị thiếu ngủ. Nhất là với những người bị thức trắng cả đêm thì nguy cơ dẫn đến các bệnh lý về: tim mạch, huyết áp, đột quỵ, trầm cảm,… là rất cao.

Thường khi mất ngủ đêm tới sáng hôm sau mọi người sẽ cảm thất mệt mỏi, phờ phạc thậm chí thiếu sức sống, tập trung. Còn với những người mắc chứng mất ngủ mãn tính tuy không biểu hiện quá rõ như những người mới mất ngủ 1-2 ngày. Tuy nhiên cơ thể của họ lại đang dần bị bào mòn và suy nhược dần và dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Khó ngủ về đêm làm bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng

Mất ngủ về đêm làm người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng

Mất ngủ, khó ngủ về đêm hay còn được gọi là rối loạn giấc ngủ. Tình trạng này được chia làm hai loại như sau:

– Mất ngủ cấp tính: hay còn gọi là bị mất ngủ tạm thời, thường sẽ kéo dài dưới 1 tháng.

– Mất ngủ mãn tính: là dạng mất ngủ kinh niên kéo dài từ trên 1 tháng. Tình trạng này sẽ gây rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

2. Những bệnh lý nào sẽ gây ra tình trạng khó ngủ về đêm

Bên cạnh những lý do tác động bên ngoài chắc hẳn mọi người cũng thắc mắc vậy mất ngủ về đêm có thể do những bệnh lý nào gây ra. Sau đây là một số bệnh lý được xem là tác nhân dẫn đến tình trạng này.

2.1. Thiếu máu não dẫn tới khó ngủ về đêm

Bệnh thiếu máu lên não khiến cho cơ thể luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, nhức đầu và mất ngủ. Thiếu máu não cục bộ hay thiếu máu não cục bộ thoáng qua cũng đều có nguy cơ dẫn tới tình trạng đột quỵ (tai biến). Do vậy khi thấy các biểu hiện thiếu máu lên não như đau đầu, hoa mắt, mất ngủ, khó khăn trong ghi nhớ bạn nên đến thăm khám bác sĩ sớm. Khi này bạn sẽ được đo huyết não (để đánh giá lưu lượng tuần hoàn của máu lên não). Từ đó nhanh chóng có các phương án điều trị và ngăn ngừa hệ lụy xấu xảy ra.

2.2. Bệnh rối loạn tiền đình

Mỗi khi cơn rối loạn tiền đình xảy ra sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau nhức cực kì khó chịu, ù tai, buồn nôn, giảm thị lực và sẽ ảnh hưởng cả đến giấc ngủ. Những người mắc rối loạn tiền đình cần phải kê cao gối khi ngủ. Vì việc kê gối thấp có thể dễ gây ra khó chịu, ù tai, chóng mặt và khó đi vào giấc ngủ.

2.3. Bệnh lý về tim mạch gây ra khó ngủ về đêm

Người mắc các bệnh lý về tim mạch như: hở van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim,… thường cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó thở từ đó cản trở giấc ngủ. Đối với những bệnh nhân mắc phải tình trạng bệnh lý này cần thăm khám thường xuyên và có hướng điều trị sớm. Vì cải thiện sớm bệnh tình sẽ giúp loại bỏ tình trạng khó ngủ về đêm và hạn chế nhiều biến chứng nguy hiểm xảy ra.

2.4. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Các cơn trào ngược dạ dày mỗi khi diễn ra sẽ làm bạn ợ hơi, ợ chua, tức ngực và buồn nôn khiến người bệnh rất khó chịu. Điều này sẽ làm phá vỡ giấc ngủ ngon của họ. Trường hợp mắc bệnh lý này cần được bác sĩ thăm khám và kê đơn các loại thuốc tiêu hóa hoặc men để cải thiện. Không nên để kéo dài, nó có thể khiến cơ vòng thực quản co thắt kém linh hoạt dễ hình thành bệnh mãn tính. Ngoài ra bệnh lý này còn làm ảnh hưởng đến ăn uống và hấp thụ dinh dưỡng của người bệnh dễ gây ra suy nhược.

Người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản thường xuyên bị khó ngủ về đêm

Trào ngược dạ dày thực cảm thường gây ra các cơn ho kéo dài, nhất là về đêm

2.5. Bệnh hen suyễn

Những vấn đề về phế quản, giãn phế quản, viêm phổi, hen suyễn,… làm ảnh hưởng trực tiếp tới cơ quan hô hấp của người bệnh. Đặc biệt khi bệnh nhân lên cơn hen gây hiện tượng khó thở, thở gấp, tức ngực,… khi đó người bệnh không thể ngủ được.

2.6. Bệnh ung thư

Ung thư gây ra những cơn đau cả về thể xác và tinh thần của người bệnh. Vấn đề này gây ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ về đêm của họ. Nhiều bệnh nhân thậm chí chỉ có thể chợp mắt từ 1-2 tiếng/ngày vì các cơn đau về thể xác thường xuyên làm phiền họ. Những cơn đau vì bệnh tật, tác dụng phụ của thuốc, xạ trị khiến họ luôn mệt mỏi, mất tinh thần và khó có thể thoải mái ngủ ngon.

3. Mất ngủ về đêm nguy hiểm thế?

Mất ngủ về đêm có thể do các nguyên nhân về tâm lý, tác động của môi trường hay tiềm ẩn từ các bệnh lý đang mắc như trên. Khi phát hiện bệnh thì trước tiên cần xác định rõ nguyên nhân dẫn tới bệnh để từ đó có thể xây dựng được phác đồ điều trị rõ ràng.

Mất ngủ kéo dài tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy nguy hiểm như:

– Nhanh chóng “bào mòn” sức khỏe, dẫn tới tình trạng suy nhược về cơ thể.

– Rối loạn về tâm lý và cảm xúc vào ban ngày.

– Dễ dẫn đến các bệnh lý về huyết áp và tim mạch.

– Làm suy giảm hoạt động của não bộ, trí nhớ dẫn đến quên trước quên sau thường xuyên.

– Ung thư: khó ngủ, mất ngủ làm ức chế sản sinh melatonin – hormone chống sự tăng trưởng của các khối u.

Mất ngủ về đêm kéo dài có thể gây ra rất nhiều bệnh lý nguy hiểm đặc biệt là ung thư

Mất ngủ về đêm kéo dài có thể gây ra rất nhiều bệnh lý nguy hiểm đặc biệt là ung thư

Ngoài ra khó ngủ về đêm liên tục còn gây nhiều ảnh hưởng đến mức độ collagen trong cơ thể khiến da dễ nhăn nheo, nổi mụn, lão hóa,…

Những tác hại này rất nguy hiểm cho cơ thể. Vì vậy khi có bất kì dấu hiệu của tình trạng này bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám phát hiện nguyên nhân sớm và tư vấn điều trị cụ thể với từng trường hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital