Hai mũi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh quan trọng – cha mẹ nên lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Trong giai đoạn sơ sinh, việc tiêm phòng có ý nghĩa rất lớn trong việc đề phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nếu bỏ lỡ cột mốc tiêm chủng, trẻ sẽ mất đi cơ hội được bảo vệ bởi vắc xin trước các bệnh truyền nhiễm. Vậy cần tiêm gì cho trẻ trong giai đoạn sơ sinh? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những lưu ý về hai mũi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh quan trọng mà cha mẹ cần biết. 

1. Tầm quan trọng của việc tiêm chủng sớm cho trẻ sơ sinh

“Tại sao sau khi sinh trẻ đã cần tiêm chủng vắc xin?”, chắc hẳn đây là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh băn khoăn khi được chỉ định tiêm chủng cho trẻ. Để giải đáp câu hỏi này, cha mẹ hãy cùng tìm hiểu nhé.

Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh rất cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch bởi vì:

– Miễn dịch trẻ nhận được từ mẹ tồn tại trong thời gian rất ngắn, chỉ tồn tại trong vài tháng, sau đó giảm nhanh chóng. Vì vậy, tiêm chủng cho trẻ ngay từ những tháng đầu đời là cách tốt nhất để bổ sung kháng thể, thay thế cho lượng đã bị giảm đi.

– Lúc này, hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện nhưng đã phải tiếp xúc với môi trường hoàn toàn xa lạ từ nhiệt độ, độ ẩm, vi sinh vật,… khiến trẻ dễ mắc các bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, với những trẻ sinh ra thiếu tháng, nhẹ cân hay có các bệnh lý bẩm sinh, ốm vặt càng rất cần phải tiêm chủng đầy đủ, không nên trì hoãn lịch tiêm để có miễn dịch bảo vệ cơ thể.

– Khi mắc bệnh ở giai đoạn này sẽ có nguy cơ cao biến chứng nặng. Nếu mắc phải các bệnh truyền nhiễm trong giai đoạn này nhưng không kịp điều trị, trẻ có thể có các di chứng suốt đời, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất, thậm chí là tử vong.

– Chi phí dành cho chủng ngừa cũng thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị nếu chẳng may trẻ bị mắc bệnh.

Tầm quan trọng của việc tiêm chủng sớm cho trẻ sơ sinh

Cha mẹ nên cho trẻ tiêm càng sớm càng tốt

2. Hai mũi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh quan trọng cha mẹ cần lưu ý

2.1. Vắc xin phòng bệnh lao

Bệnh lao ở trẻ em, đặc biệt là sơ sinh có tỷ lệ tử vong đến 80%. Nếu may mắn sống sót, trẻ cũng có nguy cơ đối diện với các di chứng nặng nề suốt phần đời còn lại như:

– Tổn thương đa cơ quan.

– Sa sút trí tuệ.

– Thiếu sót vận động.

– Mù, điếc.

– Rối loạn tâm thần.

Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, tất cả trẻ em sơ sinh cần phải tiêm vắc xin phòng lao càng sớm càng tốt trong 1 tháng đầu đời, tốt nhất là 24 giờ sau sinh

2.2. Vắc xin phòng bệnh viêm gan B

Virus viêm gan B lây truyền từ mẹ sang thai nhi có thể diễn ra từ trong tử cung, lúc sinh hoặc ngay sau sinh. Vì vậy trước khi mang thai, mẹ bầu đã phải chuẩn bị cho việc tiêm phòng viêm gan B. Dù vậy, trẻ vẫn cần tiêm vắc xin viêm gan B ngay sau sinh để đảm bảo không bị lây nhiễm trong quá trình sinh đẻ và sau này. Do vậy, cách an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B là tiêm vắc xin cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Đây là giai đoạn “thời gian vàng” để vắc xin phát huy tác dụng giúp cơ thể trẻ tạo sức đề kháng lại chống virus, bảo vệ trẻ không bị bệnh nếu trẻ có tình cờ nhiễm virus trong đời.

Nhiễm viêm gan B ở độ tuổi càng sớm thì nguy cơ xơ gan và ung thư gan càng cao. Ở trẻ em, sau khi nhiễm virus viêm gan B có hơn 90% nguy cơ diễn tiến sang mạn tính. Có 5 – 10% người nhiễm virus viêm gan B mạn tính bị ung thư gan và hơn 30% bị diễn tiến đến xơ gan.

Hai mũi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh quan trọng cha mẹ cần lưu ý

Nên tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh

3. Một số lưu ý trước khi tiêm phòng vắc xin cho trẻ sơ sinh

3.1. Lưu ý trước khi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh

Để ghi nhớ số mũi tiêm cho trẻ, cha mẹ hãy đem sổ tiêm chủng khi đưa trẻ đến tiêm. Tất cả trẻ đều có sổ tiêm chủng từ khi mẹ mang thai cho đến khi trẻ được sinh ra và lớn lên. Trong sổ tiêm sẽ lưu lại những mũi tiêm trẻ đã được tiêm trong cả quá trình đó.

Khi đến cơ sở tiêm chủng, cha mẹ cần cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe trước tiêm. Việc chuẩn bị trước khi tiêm giúp giảm bớt các phản ứng phụ và nguy cơ sốc phản vệ nguy hiểm sau tiêm, đảm bảo tiêm phòng có hiệu quả và tạo kháng thể tốt hơn cho trẻ. Trẻ trước khi tiêm cần phải có sức khỏe tốt, không mắc bệnh hay sốt (trong khoảng thời gian 3 ngày gần nhất). Cụ thể các trường hợp sau đây không nên đưa trẻ đi tiêm phòng hai loại vắc xin trên:

– Trẻ sinh ra nhẹ cân, cân nặng dưới 2kg nên tạm hoãn những mũi tiêm sơ sinh.

– Trẻ đang bị ốm, sốt cũng dừng tiêm thời gian đó, đợi đến khi sức khỏe trẻ ổn định và khỏi hoàn toàn mới nên tiếp tục.

– Trẻ đang mắc các bệnh mãn tính trong giai đoạn tiến triển thì không nên đưa trẻ đi tiêm. Cần điều trị ổn định và có sự cân nhắc của bác sĩ trước khi tiêm.

Lưu ý trước khi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh

Khám sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm giúp giảm bớt các phản ứng phụ và nguy cơ sốc phản vệ sau tiêm

3.2. Lưu ý sau khi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh

Sau khi tiêm chủng, cha mẹ nên cho trẻ ở lại khoảng 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để nhân viên y tế theo dõi biểu hiện của trẻ và kịp thời xử trí nếu có phản ứng bất thường xảy ra.

Khi về nhà, cha mẹ nên tiếp tục theo dõi trẻ ít nhất 48 giờ sau tiêm về toàn bộ trạng thái, tinh thần, khả năng ăn ngủ, nhịp thở, nhiệt độ, tình trạng ở da, phản ứng tại chỗ tiêm… Chú ý không đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm.

Cần đưa trẻ tới ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có các biểu hiện bất thường sau tiêm như:

– Sốt cao trên 39 độ C.

– Co giật.

– Mệt lả và không có phản ứng khi được gọi.

– Tím tái, khó thở, thở rít hoặc rút lõm lồng ngực khi thở.

– Quấy khóc kéo dài.

– Ăn/bú kém.

– Phát ban trên da nặng.

Nếu phụ huynh không yên tâm về sức khỏe của con sau khi tiêm chủng hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

Trên đây là những lưu ý về hai mũi vắc xin quan trọng cần tiêm cho trẻ sơ sinh. Mong rằng những thông tin trên đã giúp cha mẹ có những kiến thức cần thiết để chăm sóc và chuẩn bị cho trẻ khi tiêm chủng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital