Hóc dị vật gây khó thở có thể báo hiệu một tình huống xấu trong hóc dị vật. Vì thế, trước vấn đề này, chúng ta cần có cách xử trí phù hợp để tránh những hệ lụy nguy hiểm. Đồng thời, nên hiểu đúng về tình trạng hóc dị vật, cảnh giác đúng mức để đảm bảo vấn đề an toàn cho bản thân.
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược những điều cần biết về vấn đề hóc dị vật
1.1. Nguyên nhân của tình trạng hóc dị vật
Hóc dị vật là tình trạng khu vực hầu họng, thanh quản, phế quản xuất hiện vật lạ từ đường ăn uống và đường thở rơi xuống, thường gây một số ảnh hưởng đến khu vực này theo thời gian. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến nhất vẫn là ở trẻ em do trẻ có những thói quen dễ nuốt dị vật và những phản xạ bảo vệ đường thở của trẻ còn non nớt.
Hóc dị vật thường hình thành trong những tình huống như: nô đùa, cười lớn gây sặc khi ăn uống; vô tình nuốt một số thức ăn có xương; dị vật để quên trong mũi rơi xuống; đồ chơi, răng giả trong miệng vô tình bị nuốt phải; sự rối loạn phản xạ họng với những người mới được hôn mê, gây mê hoặc trạng thái không bình thường.
1.2. Nhận biết hóc dị vật qua những biểu hiện điển hình
Tình trạng hóc dị vật không quá khó nhận biết. Thông thường, người bệnh thường hay biểu hiện các dấu hiệu hóc dị vật ngay lập tức sau khi nuốt dị vật. Khi đó, người bệnh có cảm giác vướng ở cổ họng, nuốt khó, đau tại vị trí hóc. Một số trường hợp thường kèm theo biểu hiện nôn trớ. Ngoài ra, tùy theo từng vị trí hóc mà người bị hóc dị vật sẽ có những dấu hiệu và biểu hiện khác nhau:
– Dị vật ở thanh quản: thường gây những triệu chứng như khàn tiếng, mất tiếng. Nếu dị vật to, chúng sẽ gây bít tắc thanh quản gây nên tình trạng khó thở, ngạt thở. Bệnh nhân cũng thường ho nhiều, ho khan. Ho nhiều cũng gây kích thích thanh quản phù nề làm tình trạng khó thở mệt mỏi hơn.
– Dị vật ở khí quản đặc trưng với tình trạng ho liên tục, ho rũ rượi khiến mặt tím tái, nhất là khi dị vật di động trong khí quản cùng tình trạng khó thở.
– Dị vật ở phế quản có thể gây các tình trạng như khó thở, sốt vừa hoặc sốt cao.
2. Giải thích việc hóc dị vật gây tình trạng khó thở
Hóc dị vật gây tình trạng khó thở là biểu hiện, cũng là hệ quả của quá trình dị vật mắc hóc trong cổ họng và hệ hô hấp. Dị vật gây những kích ứng niêm mạc làm tăng triệu chứng hoa, từ đó khiến tình trạng viêm, phù nề tăng và gây khó thở. Ngoài ra, dị vật gây viêm nhiễm, áp xe hoặc trực tiếp ở trên lỗ đường thở cũng là nguyên nhân khiến người bị hóc dị vật khó thở.
Khi dị vật gây bít tắc ở thanh quản, sẽ làm cho người bệnh có triệu chứng khó thở, ngạt thở cấp. Dị vật ở thanh quản, kẹt ở thanh môn gây nên tình trạng tắc thở, cần xử lý nhanh, sơ cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng ho nhiều cũng là nguyên nhân khiến thanh quản bị phù nề làm tình trạng khó thở tăng lên rõ rệt. Dị vật phế quản có thể gây bít tắc phế quản và gây trình trạng khó thở hỗn hợp.
Như vậy, khó thở là hiện tượng khá điển hình trong tình huống hóc dị vật, đặc biệt là dị vật đường thở.
3. Tình trạng hóc dị vật và gây khó thở có nguy hiểm không?
Như đã phân tích trên đây, dị vật gây tình trạng khó thở thường là hệ quả của tình trạng ho hoặc viêm nhiễm lâu ngày gây nên. Khi đó, niêm mạc phù nề gây bít tắc đường thở và khó thở. Đồng thời, dị vật cũng có thể nằm trên các vị trí quan trọng, khiến đường thở không được hoạt động như thông thường. Tình huống nguy hiểm, dị vật có thể làm ngưng thở, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Ngoài ra, dị vật bị hóc có thể gây viêm nhiễm lân cận, tạo thành các vấn đề bệnh lý hô hấp như viêm họng, viêm thanh- phế – khí quản, áp xe phổi, giãn phế quản, viêm phổi,… nguy hại cho sức khỏe hô hấp. Do đó, khi gặp tình trạng hóc dị vật, nên xử lý sớm, tránh để lâu tạo nên những biến chứng nguy hiểm cho bản thân.
4. Phòng ngừa và sơ cứu hóc dị vật trong đời sống thường nhật
4.1. Xử trí khi gặp tình huống hóc dị vật
Khi hóc dị vật, cần tránh việc cố nuốt dị vật hoặc dùng tay móc họng, bởi điều này có thể khiến dị vật đi đến các vị trí phức tạp khó để gắp dị vật ra ngoài hơn.
Với dị vật có thể quan sát bằng mắt thường, chúng ta có thể gắp dị vật bằng kẹp y tế và thiết bị chiếu sáng phù hợp, đảm bảo việc không gây ảnh hưởng đến niêm mạc hay các bộ phận khác. Tuy nhiên, đây không phải là kỹ thuật mà mọi người có thể thực hiện. Do đó, nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xác định vị trí cũng như hình dạng dị vật một cách cụ thể và có phương pháp phù hợp để gắp dị vật.
Trong tình huống khó thở, nghẹt thở không nói được do hóc dị vật, cần gọi cấp cứu ngay và tiến hành sơ cứu cho người bệnh bằng thủ thuật Heimlich hoặc các phương pháp khác tương đương nhằm đẩy dị vật ra khỏi vị trí bít tắc đường thở.
4.2. Phòng ngừa vấn đề hóc dị vật trong đời sống
Việc hóc dị vật có thể được kiểm soát với việc tạo dựng những thói quen phù hợp và thực hiện một số thay đổi trong việc ăn uống:
– Không cười đùa, nói chuyện quá nhiều khi ăn uống để tránh bị sặc và hóc dị vật. Nên ăn chậm, nhai kỹ và tập trung vào việc nhai khi ăn nhằm không nuốt phải xương hay các dị vật khác.
– Coi sóc trẻ cẩn thận để tránh tình trạng trẻ ngậm đồ chơi, bỏ vào mũi miệng những vật nhỏ quanh mình và gây hóc.
– Chuẩn bị thức ăn cho trẻ cẩn thận, đảm bảo việc loại bỏ xương cũng như các vật có thể trở thành dị vật ăn uống với trẻ.
– Với những đối tượng mới phẫu thuật hoặc tình trạng thần kinh bất ổn, nên ăn cháo, ăn nhẹ, không nên ăn các đồ cứng.
Cũng cần chú ý rằng, hóc dị vật gây khó thở sẽ để lại nhiều hệ lụy nếu không được giải quyết sớm. Chính vì thế, bên cạnh việc phòng ngừa, cần chú ý triệu chứng, phát hiện sớm và điều trị nhanh tình trạng hóc dị vật để an tâm về vấn đề sức khỏe. Khi bị hóc dị vật, cần sớm đến các cơ sở y khoa Tai Mũi Họng uy tín để điều trị nhanh chóng, phù hợp.