“Cắt amidan có hại gì không?” không chỉ là thắc mắc mà còn là nỗi lo của rất nhiều người. Nhiều ý kiến cho rằng phẫu thuật cắt bỏ amidan gây ảnh hưởng lớn đến hệ miễn dịch của cơ thể. Vậy ý kiến này có đúng hay không, có nên cắt amidan hay không… mời bạn đọc cùng tìm đáp án qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Khi nào nên cắt amidan?
1.1. Vì sao amidan dễ bị viêm?
Amidan là hệ thống các hạch lympho có kích thước lớn nhất trong cơ thể. Chúng nằm trải dài hai bên thành họng, nơi giao giữa khí quản và thực quản. Chính vì kích thước khá to nên chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy amidan khi há to miệng.
Amidan có chức năng sản xuất ra các kháng thể IgG và các hoạt chất cần thiết cho việc chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Chính vì vậy, amidan được “giao nhiệm vụ” là bảo vệ cổ họng và cơ thể khỏi virus, vi khuẩn gây bệnh.
Cũng chính vì nằm ở vị trí “tuyến đầu”, amidan thường xuyên phải tiếp xúc với các tác nhân gây hại nên cũng rất dễ bị viêm nhiễm. Khi virus hoặc vi khuẩn xâm nhập ồ ạt, amidan không đủ sức chống lại sẽ gây ra hiện tượng viêm amidan. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, các triệu chứng sẽ nhanh chóng trở nặng, hình thành các ổ mủ hoặc áp xe quanh amidan. Hiện tượng này làm cho amidan sưng to, khiến người bệnh cảm thấy đau rát và cả ốm sốt, gặp khó khăn trong sinh hoạt như ăn uống, phát âm… Lâu dần, chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng sẽ bị suy giảm.
1.2. Nên cắt amidan khi nào?
Không phải bất cứ ai khi bị viêm amidan cũng sẽ được bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ. Bởi khi viêm amidan ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cần điều trị nội khoa bằng các loại kháng sinh hoặc chỉ cần nghỉ ngơi.
Người bệnh chỉ nên cắt amidan trong các trường hợp sau:
– Viêm amidan tái diễn nhiều lần (khoảng 5 – 6 lần/ năm hoặc 3 – 5 lần/ năm trong 2 năm liên tiếp);
– Viêm amidan bắt đầu gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm màng tim, viêm cầu thận, viêm khớp…
– Amidan quá phát gây cản trở việc nuốt và hô hấp, gây ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ;
– Amidan xuất hiện các nốt mủ bã đậu gây hôi miệng;
– Amidan sưng to, cổ xuất hiện hạch, nghi ngờ có nguy cơ bị ung thư;
1.3. Những trường hợp nào không nên phẫu thuật cắt amidan?
Để đảm bảo an toàn, một số trường hợp sau không nên cắt amidan:
– Phụ nữ đang đến kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang bầu;
– Những người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tim mạch, rối loạn đông máu…
2. Cắt amidan có hại gì không?
2.1. Vì sao nên cắt amidan?
Tuy amidan giữ vai trò như một cánh cổng bảo vệ vùng cổ họng và cơ thể nhưng khi bị viêm, chúng vẫn cần được loại bỏ. Những lý do khiến chúng ta nên loại bỏ khối amidan bị viêm bao gồm:
– Về hô hấp: Khi bị viêm, amidan sẽ bị sưng tấy, gây cản trở và tắc nghẽn đường hô hấp. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân viêm amidan còn gặp phải hiện tượng ngưng thở tạm thời khi ngủ. việc hô hấp bị tắc nghẽn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy lên não, gây rối loạn giấc ngủ, cơ thể suy nhược, tinh thần suy sụp. Đối với trẻ nhỏ, tình trạng thiếu oxy lên não còn gây lớn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.
– Về tiêu hóa: Viêm amidan khiến người bệnh cảm thấy vướng và đau nhức mỗi khi nuốt thức ăn. Chưa hết, amidan quá phát sẽ trở thành “chướng ngại vật”, làm cho việc đưa thức ăn vào cơ thể qua đường tiêu hóa trở nên khó khăn hơn.
– Về tai mũi họng: Amidan nằm ở ngã ba, nơi hệ thống tai – mũi – họng giao nhau. Do đó, một khi bị viêm, amidan sẽ trở thành ổ viêm vì nơi đây chứa “xác” vi khuẩn, cũng như các tế bào đã bị phân hủy. Vì thế, viêm amidan để lâu sẽ gây ra viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa và một số bệnh tai mũi họng khác.
2.2. Vậy cắt amidan có hại gì không?
Có thể nói, với sự phát triển của khoa học công nghệ và y học, ngày nay, cắt amidan chỉ còn là một ca phẫu thuật đơn giản và an toàn. Đặc biệt, với sự ra đời của phương pháp cắt amidan bằng Plasma Plus, người bệnh hầu như rất ít đau và chảy máu. Thời gian lưu viện và phục hồi tương đối ngắn.
Tuy nhiên, bất kể ca phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định, mặc dù tỷ lệ này khá nhỏ. Nhất là khi người bệnh chọn lựa những cơ sở y tế kém uy tín, đội ngũ bác sĩ thiếu kinh nghiệm.
Một số ít những rủi ro khi cắt amidan có thể xảy ra đó là: chảy máu trong và sau phẫu thuật, phản ứng với thuốc gây mê, đau sau mổ, nhiễm trùng sau mổ…
Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng. Điều duy nhất chúng ta cần làm đó là chọn lựa những bệnh viện, chuyên khoa tai mũi họng uy tín, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, và lựa chọn những công nghệ mới để ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, an toàn. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn đọc có được câu trả lời cho thắc mắc “Cắt amidan có hại gì không” cũng như một số thông tin cần thiết xoay quanh chủ đề cắt amidan.