Hiện nay, loạn thị vẫn là một tật khúc xạ có tỷ lệ mắc cao và gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Đây là vấn đề không thể xem nhẹ khi chúng có thể cản trở tầm nhìn và gây khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Tuy nhiên, không phải mức độ loạn thị nào cũng phải đeo kính. Trong bài viết dưới đây, Thu Cúc TCI sẽ giải đáp cho bạn đọc về thắc mắc loạn thị 0.5 độ có nên đeo kính gọng thường xuyên hay không nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về tật loạn thị
Loạn thị là một tật về mắt có liên quan đến khúc xạ mà nguyên nhân là do giác mạc có hình dạng bất thường. Trong mắt của người có thị lực bình thường, các tia ánh sánh song song sẽ tập trung vào một điểm cụ thể trên võng mạc khi chúng đi qua giác mạc. Ngược lại, ở những người mắc loạn thị, các tia sáng song song sẽ tập trung vào nhiều điểm khác nhau trên bề mặt võng mạc.
Đối với những người bị loạn thị, có thể do giác mạc bị biến dạng khiến khả năng nhìn rõ và nhận diện vật thể trở nên khó khăn, và mọi thứ đều trở nên mờ nhòe ở mọi khoảng cách. Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng loạn thị này bao gồm:
– Yếu tố di truyền hoặc tình trạng bẩm sinh: Mắt bị bất thường ngay từ khi mới sinh, với giác mạc có sự biến dạng, thủy tinh thể bị cong hoặc lệch, hoặc nhãn cầu phình ra.
– Chấn thương sau phẫu thuật mắt: Những vết thương như sẹo giác mạc hoặc rách giác mạc do chấn thương sau phẫu thuật mắt cũng có thể dẫn đến tình trạng loạn thị.
– Các bệnh lý mắt như sụp mi, quặm, và lông xiêu có thể gây ra loạn thị. Thêm vào đó, viêm kết mạc dị ứng cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ loạn thị. Ở trẻ em, việc dụi mắt nhiều do viêm kết mạc dị ứng có thể làm tình trạng loạn thị trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí dẫn đến bệnh giác mạc hình chóp.
2. Liệu loạn thị 0.5 độ có nên đeo kính gọng thường xuyên hay không?
Rất nhiều khách hàng có chung thắc mắc rằng liệu loạn thị 0.5 độ có nên đeo kính gọng thường xuyên hay không. Câu trả lời phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tật loạn thị cùng với tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh.
Thông thường, khi loạn thị chỉ ở mức 0.5 độ, mắt sẽ không thường xuyên gặp tình trạng khô hoặc mệt mỏi. Do đó, không nhất thiết phải đeo kính, đặc biệt là khi phương pháp này thường được khuyến khích cho những người có mức độ loạn thị từ 1 độ trở lên.
Lý do là bởi những trường hợp loạn thị từ 1 độ trở lên thường phải đối mặt với sự xáo trộn lớn trong thị giác, ảnh hưởng đến tầm nhìn chung. Trong trường hợp này, việc đeo kính có thể mang lại lợi ích giúp cải thiện khả năng nhìn rõ vật thể, giảm áp lực cho mắt, ngăn chặn tình trạng khô mắt và mệt mỏi do việc điều tiết mắt quá mức.
Theo đó, bác sĩ chuyên khoa Mắt tại TCI cũng khuyến cáo khách hàng nên đến khám mắt trực tiếp tại bệnh viện uy tín để kiểm tra thị lực và đo độ loạn thị chuẩn xác. Dựa trên kết quả sau thăm khám mắt, bác sĩ sẽ có kết luận việc đeo kính phù hợp với tình trạng của từng khách hàng.
3. Tần suất đeo kính khi mắt bị loạn thị
Khi mắt bị loạn thị việc đeo kính có số độ (diop) và thời gian đeo bao nhiêu sẽ phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt. Cụ thể tần suất đeo kính với mỗi độ loạn thị sẽ khác nhau như sau:
– Với người có độ loạn thị thấp dưới 1 diop: Kèm theo mắt không xuất hiện tình trạng khô mắt, mỏi mắt hay đau nhức, tầm nhìn không bị ảnh hưởng thì có thể không đeo kính hoặc đeo kính không thường xuyên. Bạn có thể chỉ đeo kính khi cần nhìn xa, khi làm việc hoặc sử dụng các thiết bị điện tử.
– Với những người có độ loạn thị trên 1 diop: Bạn cần đeo kính thường xuyên hơn trong hầu hết các hoạt động thường ngày để cải thiện thị lực và hạn chế tăng độ. Đương nhiên những lưu ý đeo kính như thế nào và tần suất ra sao sẽ được bác sĩ chuyên khoa mắt hướng dẫn.
– Với những người loạn thị nhẹ nhưng mắt khó chịu: Những người bị loạn thị nhẹ dưới 1 diop nhưng mắt lại thường xuyên bị khô, đau hoặc nhức mỏi thì cần phải đeo kính.
4. Một số lưu ý giúp phòng ngừa loạn thị
Để phòng ngừa tật loạn thị, bạn cần chú ý một số điều như sau:
4.1 Điều chỉnh ánh sáng phù hợp
Khi làm việc với thời gian dài trước máy tính, hãy đặt mắt ở khoảng cách 50-60cm so với máy tính và đặt tâm màn hình thấp hơn tầm mắt khoảng 10-20cm. Cần chú ý đến mức độ ánh sáng trong phòng để tránh tình trạng quá sáng hoặc quá tối. Hạn chế ánh sáng mặt trời và đèn trong phòng phản xạ lên màn hình, có thể sử dụng kính lọc ánh sáng xanh từ màn hình vào mắt.
4.2 Cải thiện tư thế ngồi
Trong khi ngồi học tập hoặc làm việc, hãy điều chỉnh ghế sao cho cả hai cánh tay đều nằm song song với sàn nhà, đùi tạo góc vuông với chân và bàn chân được đặt phẳng trên mặt đất. Tư thế ngồi này không chỉ bảo vệ cột sống mà còn giúp làm việc hiệu quả, giảm mệt mỏi ở vai, cổ và lưng.
4.3 Quản lý thời gian nghỉ ngơi
Làm việc liên tục trong thời gian dài có thể gây mệt mỏi cho cơ thể, vì vậy hãy tổ chức thời gian nghỉ ngơi ngắn trong quá trình làm việc. Nghỉ ngơi khoảng 15-20 phút sau mỗi 2 giờ làm việc có thể giúp giảm mệt mỏi và ngăn chặn các vấn đề về thị lực do sử dụng máy tính.
4.4 Dinh dưỡng cân bằng
Không có thực phẩm nào có thể chữa được tật loạn thị, nhưng chế độ dinh dưỡng cân bằng là yếu tố rất quan trọng. Đảm bảo cung cấp đủ chất béo, tinh bột, đường, vitamin, khoáng chất là cách tốt để phòng ngừa tật loạn thị.
Chọn thực phẩm tươi, an toàn và vệ sinh để cải thiện thị lực. Ví dụ như thức ăn giàu kẽm, vitamin A và omega-3 có thể giúp tăng cường thị lực. Ngoài ra, có nhiều loại thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe mắt, nhưng trước khi sử dụng, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khoa mắt để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
4.5 Kiểm tra thị lực định kỳ
Thực hiện kiểm tra thị lực định kỳ là một thói quen được các bác sĩ khoa mắt khuyến khích. Nếu bạn gặp các dấu hiệu như nheo mắt, cảm giác mỏi mắt nhiều, nhìn mờ, đau đầu hãy đến ngay bệnh viện chuyên khoa mắt để được kiểm tra.
Nếu phát hiện tình trạng tật khúc xạ, bác sĩ có thể đề xuất việc sử dụng kính và lên kế hoạch tái khám định kỳ để theo dõi và giải quyết các vấn đề có thể phát sinh. Trong những trường hợp nặng, có thể cần thực hiện phẫu thuật để khắc phục vấn đề thị lực. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quá trình này đòi hỏi thời gian và có rủi ro cũng như chi phí phát sinh.
Hy vọng những thông tin về loạn thị 0.5 độ có nên đeo kính gọng thường xuyên hay không hữu ích với bạn đọc. Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề tật khúc xạ loạn thị sẽ được bác sĩ TCI giải đáp chi tiết khi bạn đến thăm khám trực tiếp nhé.