Giải đáp các vấn đề xoay quanh hiện tượng trẻ con mắt lác

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Lác là bệnh lý tật ở mắt thường gặp với mọi lứa tuổi và mọi đối tượng. Tuy nhiên, hiện nay, do được tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ sớm nên tỷ lệ trẻ con mắt lác ngày càng nhiều. Để có cái nhìn chính xác hơn về bệnh lý này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

1. Bệnh mắt lác là gì?

Mắt lác hay còn có tên gọi khác là mắt lé. Đây là bệnh lý mắt không di chuyển theo hướng giống nhau khi nhìn vào một vật, một điểm nào đó. Lác mắt xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn, tùy theo cơ vận nhãn mà khiến mắt có một số tình trạng như: Lác trong, lác ngoài, lác trên hoặc lác dưới.

Tuy mắt lác, lé không gây mất thị lực hoàn toàn nhưng vẫn khiến trẻ bị suy giảm thị lực, gây mất thẩm mỹ. Nó có thể là khiếm khuyết ảnh hưởng nhiều tới diện mạo, dẫn tới việc trẻ dễ bị tự ti trong giao tiếp.

Đối với các trường hợp trẻ bị lác, cả 2 mắt vẫn mở bình thường nhưng chỉ có thể nhìn được bằng 1 mắt, mắt còn lại không được điều tiết sẽ mất dần thị lực nếu không chữa trị kịp thời.

trẻ em bị lé

Lác mắt xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn, tùy theo cơ vận nhãn mà khiến mắt có hiện tượng lác khác nhau

2. Nguyên nhân và triệu chứng trẻ con bị mắt lác

2.1. Nguyên nhân của hiện tượng trẻ con mắt lác

Như đã nhắc ở trên, lác có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nếu trẻ khi sinh ra đã lác hoặc lác xuất hiện từ giai đoạn 6 tháng tuổi trở đi có thể là do bẩm sinh. Trẻ em có thể xuất hiện tình trạng lác một bên mắt từ lúc mới sinh hoặc trong giai đoạn từ 1 – 2 tuổi (hoặc muộn hơn). Một số nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng trẻ con mắt lác như:

– Mất cân bằng giữa 2 mắt: Thường 2 mắt sẽ hoạt động nhịp nhàng dưới sự chi phối của các dây thần kinh và các cơ chéo bám vào nhãn cầu. Vì một lý do khách quan hoặc sự phối hợp gặp trục trặc dẫn tới mắt trẻ không nhìn cùng hướng, lâu dần dẫn tới tình trạng lác.

– Trẻ mắc các bệnh lý về mắt: Cận thị, loạn thị, viễn thị. Cận thị thường gây lác ngoài, viễn thị thường gây lác trong.

– Việc bị tổn thương thần kinh hoặc tổn thương não khiến cho trẻ gặp ảnh hưởng về khả năng vận động, cũng có thể gây lác mắt.

– Mắt bị nhiễm khuẩn, chấn thương, đục thủy tinh thể, nhược thị thực thể…

– Di truyền có thể là một trong những yếu tố khiến trẻ con mắt lác. Có tới 20% trẻ mắc bệnh này được xác định nguyên nhân là người thân cũng có tình trạng lác mắt.

– Trẻ sinh non thường có nguy cơ bị mắc lác mắt cao hơn.

– Trong thời gian mang thai, mẹ có tiếp xúc với các loại kháng sinh như Aspirin liều cao có thể làm tăng nguy cơ khiến con bị lác.

– Mẹ có sử dụng các chất kích thích, hút thuốc lá khi mang thai có thể gây ra tình trạng này ở trẻ.

Trẻ con lác mắt

Trong thời gian mang thai, mẹ có tiếp xúc với các loại kháng sinh liều cao có thể làm tăng nguy cơ khiến con bị lác

2.2. Triệu chứng nhận biết sớm trẻ con mắt lác

Mắt trẻ ở những tháng đầu đời bị lác là điều hoàn toàn bình thường bởi giai đoạn này trẻ đang học cách tập trung. Tuy nhiên, khi được 3 – 4 tháng tuổi, mắt trẻ đã có thể nhìn thẳng và tập trung vào các đồ vật.

Dấu hiệu để nhận biết chính xác hiện tượng trẻ con mắt lác là mắt của trẻ không nhìn thẳng. Đôi khi trẻ sẽ liếc một bên mắt khi nhìn dưới ánh sáng mặt trời hoặc nghiêng đầu để sử dụng đồng thời cả 2 mắt. Hoặc trẻ sẽ có một số biểu hiện khác như:

– Mắt hướng vào trong.

– Mắt hướng ra ngoài.

– Hai mắt nhìn chéo.

– Nhắm một bên mắt.

– Dễ bị mỏi mắt, khả năng tập trung kém.

– Đối với những trẻ lớn hơn, lúc chức năng thị giác hoàn thiện khi lác đột ngột sẽ gây ra hiện tượng song thị.

3. Cách điều trị hiện tượng mắt lác

Phát hiện và điều trị cho trẻ càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao. Nếu chữa lác trước 3 tuổi thì tỷ lệ thành công lên tới 92%, từ 6 – 8 tuổi là 62%. Thời gian để càng lâu thì mắt trẻ sẽ thành tật gây giảm khả năng khỏi, không chữa trị được dứt điểm. Một số cách điều trị thường được áp dụng để ngăn ngừa tình trạng này phát triển như:

– Sử dụng tấm che mắt chuyên dụng đặt lên mắt không bị lác trong thời gian thường xuyên hoặc cách quãng để bắt buộc não phải sử dụng bên mắt lệch. Với phương pháp này hỗ trợ kích thích, kiểm soát đầy đủ các cơ mắt và phục hồi dần thị lực của trẻ.

– Với một số trẻ, chứng mắt lác có thể được điều trị bằng phương pháp đeo kính thiết kế riêng.

– Nếu 2 phương pháp trên không thể cải thiện tình trạng lác ở trẻ, phẫu thuật chỉnh sửa mắt có thể được can thiệp. Phẫu thuật có thể được áp dụng để điều chỉnh độ dài và các vị trí mắt bị ảnh hưởng. Trẻ có thể được yêu cầu phẫu thuật nếu dây thần kinh bị tổn thương (nguyên nhân chính khiến mắt bị lác).

4. Một số lưu ý chăm sóc sức khỏe sau điều trị lác mắt cho trẻ

Trẻ em là đối tượng có sức đề kháng yếu, dễ nhạy cảm nên cha mẹ nên lưu ý một số điều để đảm bảo được sức khỏe của trẻ:

– Cung cấp thực phẩm có đầy đủ các chất giàu vitamin A (sữa, các loại trứng, cá chép , đu đủ, bí đỏ, cà rốt…) giúp bảo vệ mắt, hạn chế tình trạng mỏi mắt; vitamin C và lutein (chanh, nho, dứa, bưởi, dâu tây, súp lơ…) giúp gia tăng thị lực, giảm nguy cơ nhược thị ở trẻ; vitamin E và selenium (đậu nành, đậu phộng, các loại hạt, cải bó xôi…) giúp bảo vệ võng mạc của trẻ.

– Nên thiết lập cho bé thời gian nghỉ ngơi mắt hợp lý, làm giảm căng thẳng và mỏi mắt.

– Trong quá trình điều trị, cha mẹ nên chủ động cho con khám sức khỏe định kỳ từ 6 – 12 tháng/lần để nhận biết sớm các biến chứng. Từ đó giúp kịp thời chăm sóc và điều chỉnh thói quen sinh hoạt khoa học hơn.

lác mắt ở trẻ

Cha mẹ nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của trẻ và chủ động khám định kỳ để điều trị sớm các dấu hiệu

Vì vậy, cha mẹ nên chủ động theo dõi sự phát triển của con để kịp thời nhận ra những dấu hiệu bệnh lý bất thường và có thể chủ động can thiệp điều trị sớm.

Mong rằng qua bài viết trên đã cung cấp những thông tin cần thiết cho cha mẹ về hiện tượng trẻ con mắt lác. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, hãy liên hệ tới Thu Cúc TCI để được tư vấn kịp thời!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital