Gan nhiễm mỡ gây đau bụng và một số triệu chứng khác như mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, ngứa ngáy, … Khi cơ thể xuất hiện các biểu hiện này, người bệnh cần thăm khám để được điều trị sớm, phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu gan nhiễm mỡ là gì?
Khi cơ thể chuyển hóa chất béo không đúng cách dẫn đến tình trạng hàm lượng chất béo tích tụ trong gan vượt ngưỡng cho phép gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Ở giai đoạn đầu, việc tích tụ mỡ ở gan không gây hại, tuy nhiên, nếu không sớm can thiệp, bệnh có thể làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng thậm chí gây xơ gan, ung thư gan.
2. Chuyên gia giải đáp bệnh gan nhiễm mỡ nguy hiểm như thế nào?
Như đã nói ở trên, bệnh gan nhiễm mỡ thời gian đầu hầu như không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta lơ là điều trị hay chăm sóc sức khỏe. Chuyên gia sức khỏe ước tính có khoảng 7-30% người bị gan nhiễm mỡ tiến triển thành viêm gan, xơ gan, ung thư gan theo thời gian.
Thông thường, gan nhiễm mỡ được chia thành 3 cấp độ chính như sau:
– Gan nhiễm mỡ độ 1: xảy ra khi lượng chất béo chiếm từ 5-10% tổng trọng lượng gan. Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, triệu chứng nhẹ và chưa gây nguy hiểm tới sức khỏe. Nếu được điều trị ngay từ cấp độ 1, khả năng điều trị rất cao, chức năng gan có thể hồi phục trở lại.
– Gan nhiễm mỡ độ 2: lượng chất béo tích tụ trong gan chiếm từ 10-25% tổng trọng lượng gan. Lúc này triệu chứng bắt đầu xuất hiện nhưng vẫn mờ nhạt, chưa nghiêm trọng. Do đó, ít người phát hiện mình mắc bệnh ở giai đoạn này. Nếu được điều trị ở cấp độ 2, khả năng hồi phục vẫn rất cao.
– Gan nhiễm mỡ độ 3: đây là giai đoạn cuối cùng và nguy hiểm nhất của bệnh khi lượng mỡ tích tụ vượt quá 30% tổng trọng lượng gan. Lúc này, triệu chứng đã thực sự nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Nếu không điều trị tích cực, bệnh rất dễ biến chứng thành xơ gan, ung thư gan thậm chí gây tử vong.
3. Gan nhiễm mỡ gây đau bụng và một số triệu chứng cảnh báo khác
3.1. Cảnh báo gan nhiễm mỡ gây đau bụng bên phải
Do lượng mỡ lắng đọng trong gan làm gan phình to gây cảm giác đau tức, ấm ách, đau râm ran hoặc dữ dội ở vùng hạ sườn phải.
3.2. Gan nhiễm mỡ gây ra triệu chứng mệt mỏi
Khi lượng mỡ tích tụ trong gan quá nhiều, ảnh hưởng đến chức năng của gan khiến người bệnh mệt mỏi, uể oải, ăn không ngon, khả năng hấp thụ dinh dưỡng giảm. Vì vậy, người mắc chứng gan nhiễm mỡ thường thấy yếu sức, dễ kiệt sức và sụt cân không rõ nguyên do.
3.3. Bụng đầy hơi, buồn nôn là dấu hiệu cảnh báo gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ gây đau bụng bên phía hạ sườn phải. Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra một số dấu hiệu cảnh báo bao gồm:
– Bụng đầy hơi, khó tiêu
– Nước tiểu sẫm màu
– Phân xám
– Khó ngủ
– Cơ thể suy nhược.
– Buồn nôn
– Nôn
3.4. Rối loạn nội tiết tố
Đối với nam giới bị gan nhiễm mỡ thường có một số triệu chứng như:
– Tuyến vú phát triển
– Teo tinh hoàn
– Chức năng cương dương suy giảm
Đối với người bệnh nữ thường có triệu chứng như:
– Rong kinh
– Tắc kinh
– Cân nặng tăng, giảm một cách bất thường dù vẫn ăn uống đầy đủ
3.5. Da vàng
Gan nhiễm mỡ khiến lượng bilirubin trong máu tăng, xâm nhập vào các mô gây vàng da, mắt. Vàng da là triệu chứng đặc trưng cảnh báo bệnh lý về gan trong đó có gan nhiễm mỡ.
3.6. Sao mạch
Các u mạch hơi nổi trên mặt da có hình nhện được gọi là sao mạch. Triệu chứng này thường xuất hiện ở mặt, cổ, lưng, cánh tay và ngực người bệnh.
3.7. Thiếu vitamin
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ của chất béo và thiếu hụt vitamin trong chế độ dinh dưỡng. Do đó, cơ thể dễ xuất hiện triệu chứng như:
– Viêm lưỡi
– Nhiệt miệng
– Dễ bầm tím, tăng sừng
Một số ít người gặp một số triệu chứng tiêu hóa ra máu, chảy máu nướu, chảy máu cam,…
4. Chẩn đoán và điều trị gan nhiễm mỡ bằng cách nào?
4.1. Khi gan nhiễm mỡ gây đau bụng, người bệnh nên làm gì?
Ngay khi gan nhiễm mỡ gây đau bụng, mệt mỏi, vàng da, người bệnh nên thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để có kết quả chính xác, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một vài xét nghiệm sau đây:
– Xét nghiệm chức năng gan
– Siêu âm tổng quát ổ bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để có hình ảnh gan chi tiết, cụ thể.
– Sinh thiết gan nhằm xác định mức độ tiến triển của bệnh.
Sau khi thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng người.
– Với người bệnh bị gan nhiễm mỡ do rượu điều đầu tiên là cần bỏ rượu bia và đồ uống có cồn. Bên cạnh đó cần thay đổi lối sống, chế độ ăn uống cũng như tập luyện theo hướng tích cực hơn. Bác sĩ cũng sẽ kê một số loại thuốc điều trị phù hợp.
– Nếu mắc gan nhiễm mỡ không do rượu nhưng bị béo phì hay tiểu đường hoặc nó nồng độ cholesterol cao, người bệnh cần giảm cân, kiểm soát lượng đường trong máu và chỉ số lipid. Cách hiệu quả là ăn uống thích hợp, luyện tập đều đặn và uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
Điều quan trọng trong điều trị gan nhiễm mỡ là cần kiên trì, nghiêm túc tuân thủ phác đồ đề ra. Hơn hết, ngay khi xuất hiện triệu chứng bất thường, người bệnh cần thăm khám để được xử lý kịp thời. Tránh chủ quan khiến bệnh trở nặng, khó điều trị và tốn thời gian, tiền bạc, công sức.
4.2. Cách làm chậm tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ
Để kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả, người bệnh có thể áp dụng một vài lưu ý sau đây:
– Tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi diễn tiến của triệu chứng cũng như tình trạng bệnh.
– Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý uống loại thuốc không có trong đơn hoặc tăng giảm liều lượng.
– Vận động, tập luyện thể dục nhiều hơn.
– Kiểm soát bệnh tiểu đường, cân nặng và bệnh lý liên quan.
– Trước khi uống bất kì một loại thuốc nào cũng cần xin tư vấn của bác sĩ.
– Ăn uống đủ chất, cân bằng dinh dưỡng và đa dạng món ăn, nên ưu tiên các thực phẩm tốt cho gan.
Lưu ý, gan nhiễm mỡ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị phù hợp. Do đó, nếu có triệu chứng bất thường, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa Gan mật càng sớm càng tốt.