Gan biến đổi nhiễm mỡ là tình trạng tỷ lệ mỡ tích trữ trong gan gia tăng gây ảnh hưởng tới hoạt động của gan và làm tổn thương gan. Cùng tìm hiểu về các cấp độ gan nhiễm mỡ và mỗi cấp độ nguy hiểm ra sao để có phương án điều trị đúng cách kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Khi nào gan được coi là nhiễm mỡ?
Gan bình thường có trọng lượng trung bình khoảng 2300g ở người trưởng thành. Trong mỗi 100g gan có chứa khoảng 5g lipid (gồm triglycerid, phospholipid, cholesterol và các acid béo tự do). Theo đó, lượng mỡ có trong gan bình thường là rất thấp, chiếm khoảng 2-4% tổng trọng lượng của lá gan. Trường hợp gan tích lũy chất béo vượt quá 5% tổng trọng lượng thì được coi là gan nhiễm mỡ. Hầu hết các trường hợp gan bị nhiễm mỡ chủ yếu đều có chất béo tích đọng là triglycerides, một vài trường hợp khác là phospholipids.
Gan nhiễm mỡ có tỷ lệ mắc cao ở những người trong độ tuổi từ 40-60, người béo phì, người bệnh mỡ máu, tiểu đường type II, người nghiện rượu. Không thể chủ quan với gan nhiễm mỡ. Các trường hợp gan nhiễm mỡ diễn tiến nặng sẽ cực kỳ nguy hiểm, gây tổn thương gan nghiêm trọng và hậu quả là dẫn tới viêm gan, xơ gan, nguy hiểm nhất là ung thư gan.
2. Nhận biết dấu hiệu cảnh báo về gan nhiễm mỡ
Hầu hết các trường hợp gan nhiễm mỡ nhất là ở giai đoạn đầu sẽ không thể hiện ra ngoài các triệu chứng rõ ràng. Người bệnh chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi thăm khám, làm xét nghiệm men gan hoặc siêu âm gan. Ở một phần nhỏ người bệnh gan nhiễm mỡ sẽ có dấu hiệu khó chịu, đau ở vùng hạ sườn phải, người mệt mỏi, buồn nôn và nôn.
Còn khi gan đã nhiễm mỡ nặng, mất dần chức năng gan, viêm gan, xơ gan thì các triệu chứng sẽ biểu hiện một cách rõ ràng như:
– Vàng da, sạm da
– Vàng mắt
– Lòng bàn tay son
– Sao mạch
– Phù chân
– Bụng báng
– Lách to
– Xuất huyết tiêu hóa
Kiểm tra men gan định kỳ là yêu cầu quan trọng giúp phát hiện sớm các bất thường ở gan. Điều này càng cần thiết ở những đối tượng có nguy cơ cao như người bệnh nhiễm virus viêm gan mạn tính, người uống nhiều bia rượu, người hút thuốc, những người ăn uống không khoa học, người béo phì, người lười vận động,…
3. Gan chuyển đổi nhiễm mỡ qua mấy cấp độ?
Dựa theo tỷ lệ nhiễm mỡ của gan để phân chia thành 3 cấp độ gan nhiễm mỡ, tương ứng với mức độ nguy hiểm tăng dần.
3.1. Gan biến đổi nhiễm mỡ cấp 1
Tỷ lệ tích đọng mỡ ở giai đoạn này là 5-10% tổng trọng lượng của gan. Đây cũng là giai đoạn đầu của bệnh nên hầu như không gây triệu chứng và không gây nguy hiểm tới người bệnh. Điều trị gan nhiễm mỡ giai đoạn cấp 1 bằng cách thay đổi chế độ ăn khoa học, điều chỉnh về thói quen lối sống lành mạnh và tích cực vận động, tập thể dục.
3.2. Gan biến đổi nhiễm mỡ cấp 2
Tỷ lệ mỡ tích đọng ở giai đoạn 2 tăng lên đến 10-15% tổng trọng lượng lá gan. Lúc này, mỡ đã lan tới các mô gan và cơ hoành. Ở giai đoạn 2 tuy chưa gây ra nguy hiểm lớn tới sức khỏe nhưng nếu vẫn không được điều trị tốt, bệnh sẽ nhanh chóng trở nặng, gan bị tổn thương và gây ra biến chứng khó lường.
3.3. Gan biến đổi nhiễm mỡ cấp 3
Đây là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm mỡ ở gan và cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất. Tỷ lệ mỡ vượt quá 15% tổng trọng lượng lá gan. Lúc này, gan đã mất dần chức năng, men gan tăng cao, tổn thương gan nghiêm trọng dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Việc điều trị sẽ rất khó khăn và hầu như không thể phục hồi gan.
Vì vậy, phát hiện gan nhiễm mỡ ở giai đoạn càng sớm sẽ càng có lợi cho việc điều trị và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
4. Thăm khám khi bị gan nhiễm mỡ
Người bệnh bị gan nhiễm mỡ cần tuân thủ lịch thăm khám theo dõi định kỳ để kiểm tra và theo dõi tốt tình trạng nhiễm mỡ nói riêng và sức khỏe gan mật nói chung. Người bệnh sẽ bắt đầu khám lâm sàng cùng bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định thực hiện các yêu cầu cận lâm sàng cần thiết. Thông thường, người bệnh sẽ được siêu âm gan kết hợp làm thêm các xét nghiệm máu quan trọng gồm có:
– Xét nghiệm đánh giá mức men gan, đánh giá về viêm gan và các bệnh lý ở gan: ALT, AST, GGT;
– Đánh giá rối loạn tại gan: Định lượng Bilirubin toàn phần và định lượng Bilirubin trực tiếp;
– Xét nghiệm tầm soát, kiểm tra viêm gan A,B,C,D,E;
– Đánh giá đường máu qua định lượng Glucose;
– Đánh giá mỡ máu qua định lượng Cholesterol toàn phần và định lượng Triglycerid.
Ngoài ra, ở từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết khác để đánh giá tốt nhất tình trạng bệnh. Từ đó, tìm đúng nguyên nhân gan nhiễm mỡ, xác định giai đoạn gan nhiễm mỡ để lên phương án điều trị hợp lý.
5. Điều trị gan nhiễm mỡ thực hiện hiệu quả bằng cách nào?
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị điều trị gan nhiễm mỡ được công nhận chính thức. Hướng điều trị gan nhiễm mỡ sẽ xuất phát từ nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ, giảm triệu chứng bệnh và phòng ngừa các nguy cơ.
Theo đó, một chế độ ăn khoa học, ăn nhiều rau xanh giảm mỡ, giảm đường, thay các loại thịt đỏ bằng thịt trắng, thay đạm động vật thành đạm thực vật cùng một lối sống lành mạnh, giảm cân nếu béo phì, cai rượu bia, bỏ thuốc lá, vận động tích cực, tập thể thao điều độ là những yêu cầu quan trọng giúp điều trị tốt gan nhiễm mỡ. Kể cả khi tình trạng gan nhiễm mỡ đã được kiểm soát tốt, bạn vẫn cần duy trì một lối sống lành mạnh và thực hiện thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Gan biến đổi nhiễm mỡ là hồi chuông cảnh báo sớm về những tổn thương gan nghiêm trọng là xơ gan, ung thư gan. Vì vậy, thực hiện điều trị tốt, phòng tránh tốt gan nhiễm mỡ cũng là “tấm lá chắn” bảo vệ sức khỏe lá gan. Mỗi người nên chủ động kiểm tra chức năng gan, men gan định kỳ để tầm soát các bệnh lý về gan và đảm bảo có một sức khỏe tốt.