Dừng thuốc khi chưa hết liều, trẻ có nguy cơ tái phát, kháng kháng sinh

(Dân trí) – Dừng thuốc khi thấy triệu chứng bệnh của con đã giảm hoặc biến mất là thói quen của các phụ huynh. Điều này gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, trong đó có khả năng tái phát bệnh, kháng kháng sinh và suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ.

Bệnh nhi 10 tháng tuổi viêm đường tiết niệu tái phát do ba mẹ tự ý dừng thuốc

Sốt cao không cắt, bỏ ăn, quấy khóc, nước tiểu đục màu, bé B.A.Q (10 tháng tuổi, ở Hà Nội), được bố mẹ đưa đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI thăm khám.

Trong quá trình khai thác tiền sử bệnh lý cùng bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa – Trưởng Khoa Nhi, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI – bố mẹ bé chia sẻ, không lâu trước đây, bé có thăm khám và điều trị viêm đường tiết niệu tại một bệnh viện gần nhà.

Bé được chỉ định sử dụng thuốc 7 ngày. Tuy nhiên, đến ngày thứ 5, thấy triệu chứng viêm đường tiết niệu đã thuyên giảm đáng kể, bố mẹ cho bé dừng dùng thuốc. Dừng dùng thuốc ít ngày, bé có các biểu hiện đã liệt kê phía trên.

Sốt cao không cắt, nước tiểu đục màu, bé B.A.Q được bố mẹ đưa đến TCI thăm khám (Ảnh: TCI).

Với kinh nghiệm nhiều năm thăm khám và điều trị nhi, bác sĩ Mai Hoa ngay lập tức nghĩ tới tình huống bé tái phát viêm đường tiết niệu.

Bé được bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng… Và không nằm ngoài dự đoán, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bé Q bị viêm đường tiết niệu tái phát.

Vì sao ngừng thuốc đột ngột lại nguy hiểm với sức khỏe của trẻ?

Theo bác sĩ Mai Hoa, viêm đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng một, một vài hoặc toàn bộ các bộ phận cấu thành hệ tiết niệu, bao gồm: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Bệnh lý này có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là do vi khuẩn, như vi khuẩn E.coli, Klebsiella, Pseudomonas aeruginosa và Enterococci…

Khi bị viêm đường tiết niệu, trẻ thường sốt từ nhẹ đến cao (trẻ sốt nhẹ nếu viêm đường tiết niệu dưới; sốt trên 39 độ C, sốt liên tục, không cắt đối với viêm đường tiết niệu trên), tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều về đêm, nước tiểu đục màu, nôn, tiêu chảy, bỏ ăn, bỏ chơi, quấy khóc… Viêm đường tiết niệu là một bệnh lý nguy hiểm, đòi hỏi phải được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và triệt để. Nếu không, trẻ có thể viêm quanh thận, viêm kẽ thận, suy thận, hoại tử ống thận – bể thận, nhiễm trùng máu hay thậm chí là tử vong.

Viêm đường tiết niệu chủ yếu được điều trị bằng kháng sinh uống hoặc kháng sinh tiêm – truyền tĩnh mạch.

Theo các bác sĩ, viêm đường tiết niệu chỉ được điều trị hiệu quả khi bố mẹ tuân thủ chính xác chỉ định của bác sĩ.

Viêm đường tiết niệu được điều trị bằng kháng sinh uống hoặc tiêm – truyền tĩnh mạch (Ảnh: TCI).

Ở trường hợp của bé A.Q, mặc dù sau 5 ngày dùng thuốc, triệu chứng bệnh của bé đã giảm, nhưng khả năng cao là các vi khuẩn gây bệnh vẫn còn tồn tại trong cơ thể bé. Việc dừng thuốc khi chưa hết liều chính là nguyên nhân khiến bệnh tái phát trở lại.

Nguy hiểm hơn, dừng thuốc khi chưa hết liều sẽ làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh ở trẻ. Lúc này, để điều trị bệnh hiệu quả, các bác sĩ sẽ cần phối hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau. Việc dùng nhiều kháng sinh, cũng như trong thời gian dài, có khả năng gây ra suy giảm miễn dịch.

5 ngày điều trị dứt điểm viêm đường tiết niệu tái phát

Trước chẩn đoán xác định viêm đường tiết niệu tái phát, bác sĩ Mai Hoa chỉ định A.Q nhập viện điều trị với thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch kết hợp truyền dịch và bổ sung vitamin C, tăng cường sức đề kháng.

Sau 2 ngày, bé cắt sốt hoàn toàn. Hết ngày thứ 5, bé không còn tiểu đục màu. Sau 6 ngày, mọi chỉ số của bé đã trở lại ngưỡng bình thường, bé được xuất viện, về nhà cùng bố mẹ.

Sau 6 ngày điều trị tại TCI, bé được xuất viện, về nhà cùng bố mẹ (Ảnh: TCI).

Bác sĩ Mai Hoa khuyến cáo, không chỉ là các bệnh ở trẻ em, mà đối với tất cả bệnh lý, người bệnh tuyệt đối không nên ngưng thuốc khi chưa hết liều, mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Việc dùng thuốc cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital