Bệnh tật khúc xạ học đường là một lo ngại lớn của các bậc phụ huynh có con đang ở lứa tuổi học sinh, đặc biệt từ 11 – 15 tuổi. Hiện nay, với sự phát triển của y học, bệnh lý này có thể được điều trị vĩnh viễn. Tuy nhiên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cùng tìm hiểu những cách đẩy lùi bệnh tật khúc xạ ở trẻ trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về tật khúc xạ ở trẻ
1.1. Tật khúc xạ có mấy loại?
Tật khúc xạ là những rối loạn gây ảnh hưởng xấu tới thị lực, dẫn đến suy giảm thị lực khi mắc phải. Các loại tật khúc xạ thường gặp ở học sinh bao gồm:
– Cận thị: đây là loại tật khúc xạ phổ biến, chiếm tới hơn 40% tỷ lệ mắc phải ở trẻ em. Khi mắc cận thị, mắt chỉ thấy rõ những vật ở gần và không nhìn rõ những vật ở xa.
– Viễn thị: có triệu chứng ngược lại với cận thị, trẻ sẽ nhìn rõ những vật xa nhưng không thấy rõ hoặc thấy mờ những vật ở gần.
– Loạn thị: thường đi kèm cận thị hoặc viễn thị. Người bị loạn thị thường thấy hình ảnh nhòe mờ, không rõ ràng bất kể vật ở xa hay gần.
– Nhược thị: là tình trạng thị lực kém ở một hoặc hai bên mắt. Nhược thị gây giảm thị lực và thường gặp ở trẻ em (tỷ lệ từ 1 – 4%).
1.2. Nguyên nhân gây bệnh tật khúc xạ học đường
Đây là bệnh phổ biến của lứa tuổi học sinh vì nhiều nguyên nhân từ khách quan tới chủ quan. Tuy nhiên, các nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ em thường mắc phải tật khúc xạ học đường đến từ:
– Môi trường là yếu tố chủ yếu dẫn đến mắc các tật khúc xạ ở trẻ. Đa số trẻ em mắc tật khúc xạ đều có thói quen sinh hoạt không hợp lý như: ngồi không đúng tư thế, cúi sát xuống bàn khi học bài, đọc sách báo ở nơi thiếu ánh sáng,… Ngoài ra, việc lạm dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính,… cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ trẻ em hiện nay mắc tật khúc xạ ngày càng gia tăng.
– Di truyền cũng được xem là một yếu tố dẫn đến tật khúc xạ tuy nhiên tỷ lệ này không nhiều. Theo nghiên cứu, bố mẹ đều mắc tật khúc xạ thì khả năng cao con cái sinh ra cũng sẽ gặp phải một số vấn đề về thị lực.
– Mắt trẻ em đang dần hoàn thiện và phát triển hệ quang học cũng như cấu trúc của mắt chưa rõ ràng. Do vậy, trẻ em thường là nhóm đối tượng có khả năng cao mắc các tật khúc xạ hơn so với người lớn. Từ 18 tuổi trở lên, hệ thống quang học đã ổn định dần, mắt sẽ bớt khả năng mắc tật khúc xạ hơn. Ngoài ra, trẻ trong độ tuổi học sinh mắc tật khúc xạ thì độ cận sẽ tăng nhanh và khó điều chỉnh hơn so với người lớn.
Do vậy, cha mẹ nên lưu ý cho trẻ khám mắt và kiểm tra định kỳ để theo dõi thị lực, kịp thời phát hiện tật khúc xạ sớm, tránh để ảnh hưởng tới cuộc sống và học tập. Khi thấy trẻ kêu nhức mỏi mắt, nhìn không rõ thì cha mẹ hãy đưa con trẻ tới khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt, tránh làm tăng độ khúc xạ nếu không can thiệp.
1.3. Triệu chứng của bệnh tật khúc xạ học đường
Cuộc sống bận rộn khiến nhiều cha mẹ lơ là không để ý tới các dấu hiệu bất thường ở mắt của con trẻ. Dẫn đến trường hợp khi thấy con không nhìn rõ, gặp khó khăn trong quá trình học trên lớp làm kết quả học tập sa sút,… mới đưa con tới gặp bác sĩ để kiểm tra thị lực. Lúc này các bậc phụ huynh mới tá hỏa khi thấy con mình gặp tật khúc xạ quá nặng.
Các tật khúc xạ ở trẻ, nếu không được can thiệp sớm, sẽ tăng độ nhanh do mắt phải cố gắng nhìn rõ, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Một số triệu chứng tật khúc xạ thông thường bao gồm:
– Mờ mắt, nhìn không rõ, tầm nhìn mờ.
– Nhìn thấy hình đôi, hình ba.
– Tầm nhìn bị chói hoặc thấy quầng sáng.
– Nhức mỏi mắt, khô mắt khiến trẻ phải chớp mắt, dụi mắt liên tục.
– Nhức đầu.
2. Một số phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ hiện nay
Khi mắc tật khúc xạ, bắt buộc người bệnh phải áp dụng các phương pháp để hỗ trợ, điều chỉnh mắt về lại trạng thái thoải mái, giúp hạn chế tăng độ mắt và giảm biến chứng ở mặt. Có 3 cách thường được áp dụng để điều chỉnh tật khúc xạ, cụ thể:
– Đeo kính mắt: đây là phương pháp tiện lợi, tiết kiệm và thông dụng nhất hiện nay. Người mắc tật khúc xạ nên đeo kính thường xuyên và kiểm tra độ kính tối thiểu 6 tháng/lần.
– Đeo kính áp tròng: là loại kính đặc biệt đeo sát vào giác mạc, rất nhỏ gọn. Nhược điểm của kính áp tròng là phải tháo lắp, ngâm rửa hàng ngày và dễ gây khô mắt. Nếu tháo lắp không cẩn thận, bạn cũng sẽ có nguy cơ bị xước giác mạc hoặc nhiễm trùng mắt.
– Phẫu thuật: phương pháp này được xem là cách điều trị vĩnh viễn tật khúc xạ nhanh chóng, hiện đại và an toàn nhất hiện nay. Tuy nhiên chi phí khá tốn kém và chỉ áp dụng với các đối tượng trên 18 tuổi.
3. Các biện pháp phòng ngừa bệnh tật khúc xạ học đường ở trẻ
Mặc dù hiện nay có rất nhiều phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đừng để thị lực suy giảm, mắc tật khúc xạ mới điều chỉnh, gây tốn kém tiền bạc cũng như thị lực sau điều trị cũng sẽ không được như ban đầu. Các phụ huynh cần chú ý quan tâm và áp dụng các biện pháp sau để bảo vệ mắt con trẻ luôn sáng khỏe:
– Tư thế học tập: Bố mẹ hãy hướng dẫn con ngồi học đúng tư thế, mắt cách sách vở từ 25 – 30cm. Khi ngồi học, cột sống luôn ở tư thế thẳng, hai chân thoải mái, hai tay đặt đúng điểm tựa quy định.
– Không gian học tập, đọc sách cần đầy đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp với hình dáng của con, đèn học để phía đối diện với tay cầm bút.
– Khi đọc sách, học bài hay xem tivi, tiếp xúc với các thiết bị điện tử không nên quá 2 tiếng liên tục. Sau 25 – 30 phút làm việc liên tục, hãy để mắt nghỉ ngơi, giải lao hoặc tập một số bài tập cho mắt.
– Chế độ dinh dưỡng: Cần ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu vitamin A để đủ dinh dưỡng cho mắt và vitamin cho cơ thể. Ngủ đủ 8 – 10 tiếng/ ngày cũng là cách bảo vệ mắt hiệu quả.
– Khám mắt định kỳ 6 tháng/ lần để được kiểm tra, theo dõi thị lực, sớm phát hiện tật khúc xạ và điều chỉnh hợp lý.
Trên đây là một số cách ngừa bệnh tật khúc xạ học đường mà bạn cần biết để bảo vệ thị lực con trẻ. Nếu cần tư vấn thêm về các vấn đề sức khỏe, đừng ngần ngại liên hệ với Thu Cúc TCI để được giải đáp nhanh chóng và chính xác nhất. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của con trẻ, hãy luôn quan tâm chú ý và bảo vệ mắt luôn sáng khỏe, để con trẻ an tâm học tập!