3 loại tật khúc xạ học đường phổ biến và cách phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Những năm trở lại đây, tình trạng trẻ em mắc tật khúc xạ ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Tật khúc xạ luôn gây ra những phiền toái và bất cập trong sinh hoạt và học tập ở trẻ. Vì thế, việc cải thiện, điều trị và phòng ngừa sớm cho trẻ là hết sức cần thiết. Cha mẹ hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay về vấn đề khúc xạ học đường này và tham khảo những cách phòng ngừa hiệu quả nhé!

1. Hiểu rõ hơn về tật khúc xạ học đường ở trẻ nhỏ

1.1. Tật khúc xạ học đường là gì?

Tật khúc xạ đã quá quen thuộc với nhiều người, đây là các rối loạn về mắt khiến mắt không thể nhìn rõ vật thể. Đánh giá về phương diện quang học, mắt khỏe mạnh là khi nhìn một vật thì ảnh của vật đó sẽ rơi đúng trên võng mạc đem lại hình ảnh rõ ràng, sắc nét, đúng màu sắc. Nếu vì một lý do nào đó mà ảnh của vật không rơi vào võng mạc thì đây chính là dấu hiệu trẻ đang mắc tật khúc xạ.

Tình trạng mắc các tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến ở trẻ nhỏ. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 đến 15 tuổi trên cả nước, tỷ lệ mắc các tật khúc xạ ở độ tuổi này khoảng 20%, tương đương gần 3 triệu trẻ em. Cụ thể:

– Từ 15% đến 20% ở học sinh nông thôn.

– Từ 30% đến 40% ở học sinh thành phố.

Mối nguy cơ khúc xạ học đường

Tật khúc xạ học đường gia tăng đáng báo động

1.2. Các tật khúc xạ học đường phổ biến hiện nay

Có 3 loại tật khúc xạ phổ biến nhất bao gồm:

Cận thị

Đây là tật khúc xạ mà chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng lại không nhìn rõ các vật ở xa. Theo thống kê, cận thị chiếm tới hơn 40% trong số các tật khúc xạ và tập trung chủ yếu ở trẻ em thành thị do tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử. Nếu cận thị không được điều trị sớm sẽ làm giảm thị lực và là yếu tố gây cản trở cho sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Viễn thị

Đây là tật khúc xạ mà trẻ chỉ nhìn được những vật ở xa nhưng nhìn gần không rõ do ảnh hội tụ ở phía sau võng mạc. Vì vậy, mắt phải luôn điều tiết để kéo ảnh của vật ra phía trước và trùng lên võng mạc. Viễn thị đa phần là do bẩm sinh, một số trường hợp xảy ra với tỷ lệ ít hơn như: mắc bệnh sẹo giác mạc, giác mạc dẹt,… Đối với trẻ, nếu viễn thị không được điều trị kịp thời sẽ làm giảm khả năng nhìn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu của trẻ.

Loạn thị

Khi mắc loạn thị, trẻ sẽ có biểu hiện nhìn xa hay gần đều mờ, xảy ra khi giác mạc hoặc thể thủy tinh có độ cong bề mặt không đồng nhất, theo các hướng khác nhau. Riêng với trẻ mắc loạn thị, giác mạc có độ cong khác nhau, do vậy hình ảnh thu được sẽ hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc, làm cho hình ảnh nhòe mờ, không rõ ràng. Tật loạn thị đa phần là do bẩm sinh, có thể bao gồm thêm cả cận thị và viễn thị.

Loạn thì là gì?

Loạn thị khiến cho trẻ khó có thể nhìn rõ do hình ảnh thu về hội tụ nhiều điểm trên võng mạc

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em mắc tật khúc xạ ngày càng nhiều

Tật khúc xạ ở trẻ thường xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân chính: do các yếu tố bẩm sinh và các tác nhân đến từ bên ngoài.

2.1. Nguyên nhân bẩm sinh

Như đã nói ở trên, loạn thị và viễn thị phần lớn đều đến từ những nguyên do bẩm sinh. Thường là do yếu tố di truyền trong gia đình và một phần do sự sai lạc phát triển xảy ra ở thời kỳ phôi thai và thời kỳ phát triển tích cực ở trẻ. Những rối loạn này dẫn đến những bất thường ở những thành phần cấu tạo nhãn cầu như: độ cong giác mạc, độ sâu tiền phòng,…

2.2. Nguyên nhân môi trường

Gọi là tật khúc xạ học đường là do phần lớn nguyên nhân trẻ mắc phải trong quá trình học tập, thói quen sinh hoạt không hợp lý như:

– Ngồi sai tư thế trong thời gian dài, bàn ghế ngồi học không phù hợp.

– Nhìn gần liên tục và học tập ở môi trường thiếu ánh sáng.

– Sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài. Việc tiếp xúc các thiết bị điện tử quá nhiều sẽ gây hại cho mắt. Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử sẽ phá hủy các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra các tật khúc xạ ở trẻ.

Ngoài ra, chế độ học tập quá căng thẳng, tập trung quá lâu không cho mắt nghỉ ngơi, điều tiết có thể ảnh hưởng đến mắt và gây nên các tật khúc xạ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng không đủ chất, thiếu vitamin và vi chất sẽ khiến mắt bị suy yếu.

3. Cách phòng ngừa các tật khúc xạ ở lứa tuổi học đường

Trước hết để phòng tránh các tật khúc xạ ở trẻ, cha mẹ cần giúp trẻ thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt không lành mạnh ảnh hưởng đến thị lực. Cụ thể như sau:

– Cải thiện môi trường học tập đảm bảo đủ ánh sáng. Cha mẹ nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, hướng ánh sáng từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút. Góc học tập nên được bố trí gần cửa sổ.

– Cần tập cho con ngồi học đúng tư thế, bàn học của trẻ điều chỉnh khoảng cách tầm 50 đến 60cm.

– Cân đối giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi để mắt trẻ được thư giãn. Khi học, cứ 1 giờ phải nghỉ 10 đến 15 phút.

– Kiểm soát thời gian trẻ sử dụng thiết bị thông minh, tránh để sử dụng trong một thời gian dài.

– Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm cung cấp nhiều vitamin A và kẽm.

– Ngoài ra, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần, nhất là với những người đã mắc các tật khúc xạ.

Các cách phòng tránh tật khúc xạ ở trẻ

Khám mắt định kỳ giúp cha mẹ nắm được tình trạng mắt của trẻ và có những biện pháp điều trị kịp thời

Trên đây là những thông tin về tật khúc xạ học đường và cách phòng tránh mà cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng cho con. Mong rằng những thông tin trên đã đem lại cho cha mẹ những thông tin bổ ích. Nếu có những thắc mắc liên quan, cha mẹ có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital