Đục thủy tinh thể là một trong những bệnh lý về mắt vô cùng nguy hiểm. Phần lớn bệnh xảy ra ở người cao tuổi do quá trình lão hóa, tuy nhiên, cũng có những trường hợp do bẩm sinh gây ra. Vậy, đục thủy tinh thể bẩm sinh có chữa được không và chữa như thế nào? Để có câu trả lời chính xác, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh
1.1. Khái niệm
Đục thủy tinh thể bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp ở mắt. Bệnh thường xảy ra trước khi sinh hoặc ngay từ lúc vừa mới sinh. Khi đó, thủy tinh thể trong mắt thay vì trong suốt như bình thường lại trở nên mờ đục, làm cản trở quá trình ánh sáng đi vào mắt.
Trẻ nhỏ khi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ không thể nhìn rõ mọi vật như những trẻ bình thường khác. Điều này khiến cho mắt và não bộ của trẻ gặp khó khăn để phối hợp với nhau, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thị giác. Đồng thời, chuyển động của mắt cũng trở nên kém chính xác hơn.
1.2. Nguyên nhân
Tình trạng đục thủy tinh thể bẩm sinh rất hiếm xuất hiện và phần lớn không thể tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố được nghi ngờ gây ra bệnh lý này là:
– Nguyên nhân di truyền: nếu trong gia đình có người có tiền sử mắc đục thủy tinh thể thì khả năng trẻ sinh ra bị đục thủy tinh thể bẩm sinh là tương đối cao.
– Dị tật bẩm sinh: do sự bất thường ở trên nhiễm sắc thể như hội chứng Down, hội chứng chondrodysplasia, hội chứng loạn sản ngoại bì,…
– Nhiễm trùng trong quá trình mang thai: người mẹ đang mang thai nếu mắc một số bệnh nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ sinh con bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. VD: bệnh giang mai, HIV, rubella, sởi, mụn rộp, thủy đậu, bệnh toxoplasmosis,…
– Các tổn thương khi mang thai: trường hợp bà mẹ đang mang thai bị chấn thương về thể chất (bạo lực thân thể, té ngã, tai nạn xe,…) cũng có thể khiến mắt của trẻ bị tổn thương.
– Hạ đường huyết trong quá trình mang thai: thai phụ bị bệnh đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt có thể khiến đường huyết tăng cao quá mức hoặc hạ đường huyết. Những tình trạng này có thể làm hỏng các cơ quan trong cơ thể của cả mẹ và bé (VD: mạch máu, mắt, dây thần kinh,…).
– Sinh non: trẻ em được sinh ra trước 37 tuần thường sẽ dễ gặp các vấn đề về sức khỏe hơn.
1.3. Phân loại
Các hình thái bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh bao gồm:
– Đục thể thủy tinh cực trước: thường kết hợp với các đặc điểm di truyền và nằm ở phần trước của thủy tinh thể.
– Đục thể thủy tinh cực sau: thường có ranh giới rõ ràng và xuất hiện ở phần sau của thủy tinh thể.
– Đục nhân thể thủy tinh: là trường hợp hay gặp nhất, xuất hiện ở phần trung tâm của thủy tinh thể.
– Đục thể thủy tinh lấm tấm xanh da trời: thường xuất hiện ở cả 2 bên mắt của trẻ. Bệnh được phân biệt thông qua các chấm nhỏ màu xanh bên trong thể thủy tinh. Trường hợp này thường có xu hướng di truyền và không gây ra các vấn đề về thị giác.
2. Đục thủy tinh thể bẩm sinh thì có chữa được không?
Ở đối tượng trẻ nhỏ, mắt vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Nếu không điều trị đục thủy tinh thể sớm sẽ để lại những hậu quả lâu dài về thị giác.
Việc điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ sẽ thay đổi tùy theo hình thái và độ nặng của bệnh. Đa số các trường hợp sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ thủy tinh thể bị đục. Dù vậy, thị giác của trẻ sẽ không thể hồi phục lại một cách hoàn hảo nếu không được điều trị ngay từ những năm đầu đời.
Khác với người lớn, việc phẫu thuật cho trẻ nhỏ đòi hỏi phải có các dụng cụ mổ và kỹ thuật thích ứng. Các nguy cơ biến chứng hay gặp nhất sau phẫu thuật là phản ứng viêm, tăng nhãn áp và bong võng mạc.
Phẫu thuật thay thủy tinh thể:
– Phẫu thuật thay thủy tinh thể bẩm sinh ở đối tượng trẻ nhỏ đòi hỏi phải gây mê toàn thân. Điều này có thể dẫn tới các bất thường trên tim và các cơ quan khác.
– Thủy tinh thể bị đục chỉ có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng cách hút vì bộ phận này của trẻ nhỏ không có nhân cứng bên trong.
– Lấy thể thủy tinh không đặt kính nội nhãn: phẫu thuật này ở trẻ em được thực hiện qua vết mổ nhỏ ở vùng rìa (phần dẹt của thể mi trong lớp mạch mạc của mắt) bằng dụng cụ cắt dịch kính.
– Lấy thể thủy tinh và đặt thấu kính nội nhãn: thấu kính nội nhãn được dùng phổ biến trong phẫu thuật thay thủy tinh thể ở trẻ nhỏ là một mảnh mềm được làm bằng chất liệu Acrylic. Loại kính này được đặt vào mắt qua đường mổ nhỏ chỉ khoảng 3mm.
3. Chăm sóc mắt sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật đục thủy tinh thể ở trẻ nhỏ, việc hiệu chỉnh tình trạng không còn thủy tinh thể là vấn đề cần được ưu tiên và phải thực hiện càng sớm càng tốt. Độ khúc xạ nên được kiểm tra một cách thường xuyên và đều đặn, ít nhất 6 tháng/lần cho đến khi trẻ trưởng thành.
Hầu hết trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh đều bị giảm sức nhìn (hay còn gọi là nhược thị). Việc mổ bỏ thủy tinh thể bị đục và có sự hiệu chỉnh cho tình trạng không còn thủy tinh thể giúp khôi phục độ sáng rõ của hình ảnh. Tuy nhiên, não bộ vẫn sẽ cần phải học cách nhìn và cần một khoảng thời gian nhất định. Nếu trẻ không thể khôi phục tốt thị lực, trẻ có thể gặp phải các hậu quả như rung giật nhãn cầu, nhược thị, lác mắt.
Như vậy, trên đây là những thông tin về bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Thông qua bài viết, chắc hẳn bạn đọc đã trả lời được câu hỏi đục thủy tinh thể bẩm sinh liệu có chữa được không. Để được giải đáp các thắc mắc liên quan, liên hệ với Thu Cúc TCI ngay hôm nay và nhận tư vấn nhé!