Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới chỉ đứng sau bệnh tim mạch và bệnh ung thư. Trung bình cứ khoảng 3 phút lại có một ca tử vong do đột quỵ. Người bị đột quỵ sống sót để lại nhiều di chứng nặng nề về vận động, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn đại tiểu tiện, suy giảm trí nhớ,… Vậy đột quỵ xảy ra ở độ tuổi nào và làm sao để phòng ngừa hiệu quả? Bài viết sẽ cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn trả lời câu hỏi trên.
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bị tổn thương do không được cung cấp máu, oxy kịp thời do mạch máu tại khu vực đó bị tắc nghẽn (đột quỵ do tắc mạch máu) hoặc vỡ (đột quỵ do vỡ mạch máu).
Đột quỵ là tình trạng rất nguy hiểm bởi có thể gây ra hậu quả nặng nề, người bệnh có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, trong đó khoảng 50% là tử vong. Đột quỵ là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư.
Trường hợp người bệnh sống sót sau đột quỵ, có tới gần 90% bệnh nhân đột quỵ gặp phải các di chứng về vận động. Ngoài ra người bị đột quỵ sống sót có thể để lại nhiều di chứng nặng nề khác như liệt, nói ngọng, méo mồm, mất trí nhớ,… có thể đi theo người bệnh đến suốt cuộc đời.
Các di chứng do đột quỵ để lại không chỉ khiến người bệnh khó khăn hơn trong quá trình sinh hoạt hàng ngày mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, từ đó khiến người bị đột quỵ trở nên buồn phiền, tự ti, dễ rơi vào trầm cảm.
2. Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra rất nhanh, bao gồm:
– Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc nửa mặt
– Khó cử động hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể, không thể giơ hai tay lên qua đầu cùng lúc
– Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động
– Thị lực giảm đột ngột, mắt nhìn mờ, không thấy rõ
– Đau đầu dữ dội, cơn đau đến rất nhanh, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn
– Khó khăn khi nói, ngọng, phát âm không rõ chữ
Tùy vào thể trạng sức khỏe của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ sẽ khác nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua cũng có dấu hiệu rất giống với đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn. Cơn thiếu máu não thoáng qua là tín hiệu cảnh báo một cơn tiền đột quỵ và nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai.
Người bệnh cần lắng nghe cơ thể mình và chủ động đến gặp bác sĩ từ sớm để được kiểm tra. Đặc biệt là khi cấp cứu, thời gian “vàng” khoảng 3-4 giờ đầu khi cơn đột quỵ bắt đầu. Càng để lâu nguy hiểm đến tính mạng càng cao và tăng nguy cơ để lại các di chứng nặng nề.
3. Đột quỵ xảy ra ở độ tuổi nào?
Đột quỵ thường do các bệnh lý về tim mạch gây ra như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, rung nhĩ… Đặc biệt, bệnh rất phổ biến ở nhóm người trung và cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên). Nguy cơ đột quỵ cũng gia tăng dần theo độ tuổi, từ 55 tuổi trở lên, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng lên gấp 2 lần. Điều này không có nghĩa là chỉ những người tầm trung và cao tuổi mới bị đột quỵ.
Thực tế là đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, thậm chí là cả ở trẻ em. Đáng chú ý, hiện nay đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ hơn. Theo thống kê của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ năm 2019, số lượng bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ tăng hơn 44% trong vòng 10 năm gần đây. Trung bình mỗi năm, các bệnh viện tiếp nhận khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi từ 18 – 50 tuổi. Hiện nay, các ca đột quỵ phải nhập viện cấp cứu ở Việt Nam thường từ 30 tuổi trở lên.
4. Những phương pháp phòng ngừa đột quỵ
Để phòng ngừa đột quỵ, người bệnh cũng nên tập trung xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, gồm một số biện pháp sau:
4.1 Ăn uống đúng cách
Một trong những yếu tố chính gây ra tình trạng đột quỵ chính là chế độ ăn uống nhiều calo, dầu mỡ, muối… Thói quen này chính là một “quả bom” nổ chậm. Do vậy, bạn nên hạn chế càng nhiều càng tốt, tập trung ăn các loại thực phẩm tươi mới và nhiều rau củ quả hơn. Ngoài ra, đừng quên uống đủ nước mỗi ngày để đào thải độc tố một cách hiệu quả.
4.2 Tập thể dục thường xuyên
Tập luyện thể dục thể thao giúp tăng khả năng tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe tim mạch. Người bệnh nên tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 lần mỗi tuần để giảm nguy cơ đột quỵ.
4.3 Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch. Hơn nữa, hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ cho bản thân mà còn cả ở những người thân quanh bạn. Các nghiên cứu đã cho thấy, nếu bỏ thuốc lá từ 2 – 5 năm, nguy cơ đột quỵ sẽ giảm đến hơn một nửa.
4.4 Tầm soát nguy cơ gây đột quỵ não
Tầm soát nguy cơ đột quỵ để phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ, theo đó bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn cách kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe như tiểu đường, mỡ mãu, xơ vữa động mạch, … và sàng lọc sớm các dị tật mạch máu não có nguy cơ gây đột quỵ (đột quỵ vỡ mạch máu não) như dị dạng mạch máu não, các vấn đề về thần kinh – não bộ,… để có biện pháp xử trí kịp thời, phòng ngừa biến chứng đột quỵ có thể xảy ra.
Tóm lại, đột quỵ xảy ra ở độ tuổi nào không còn là vấn đề chính, cái chính là tất cả chúng ta từ trẻ em đến người lớn, người cao tuổi mọi độ tuổi cần xây dựng lối sống lành mạnh, đặc biệt thường xuyên thăm khám tim mạch, thần kinh để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.