Đột quỵ lần 2 là tình trạng tái phát trở lại của cơn đột quỵ. Như đã biết, đột quỵ xảy ra khi não bộ bị tổn thương, có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề. Đột quỵ có thể tái phát nếu các nguyên nhân gây cơn đột quỵ không được xử trí hiệu quả. Không những vậy, đột quỵ lần 2 có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn đợt 1 và khó điều trị hơn rất nhiều. Cùng tìm hiểu, đột quỵ lần 2 có nguy hiểm không và cách phòng ngừa bệnh tái phát trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao đột quỵ có thể tái phát?
Đột quỵ xảy ra do vỡ mạch máu não (chiếm 10-20%) hoặc tắc mạch máu não (chiếm khoảng 80%) làm dòng máu nuôi dưỡng não bị ngưng trệ, các tế bào não bị tổn thương do không được cung cấp đủ máu và oxy. Nguyên nhân chủ yếu là do các cục máu đông, làm tắc nghẽn quá trình lưu thông máu lên não, các cục máu đông này phần lớn được hình thành do quá trình xơ vữa động mạch. Cholesterol cao làm tích cụ các mảng bám trên thành động mạch, lâu ngày chúng “vón cục” tạo thành các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não.
Theo nghiên cứu cho thấy, sau đột quỵ các vùng não lành (chưa bị tổn thương) sẽ tăng cường hoạt động để bù đắp cho phần não bị tổn thương, điều này dẫn đến tăng sinh các gốc tự do nhiều hơn. Khi các gốc tự do tiếp tục tấn công các tế bào thần kinh và mạch máu sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ tái phát trở lại. Vòng xoắn bệnh lý khiến người bệnh rơi vào vòng luẩn quẩn, nếu không có biện pháp xử trí kịp thời và hiệu quả, biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa các yếu tố có nguy cơ gây ra thì đột quỵ vẫn có thể tái phát.
Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, khoảng 1/3 số bệnh nhân đột quỵ hàng năm là đột quỵ thứ phát. Tỉ lệ tái phát đột quỵ lần 2 ở bệnh nhân đã từng bị đột quỵ lần đầu chiếm khoảng từ 3% đến 23% trong năm đầu và từ 10% đến 53% trong 5 năm sau.
Chính vì vậy, đột quỵ lần 2 có diễn ra hay không, nặng hay nhẹ còn tùy thuộc rất nhiều vào việc xử trí và phòng ngừa và kiểm soát nguyên nhân gây đột quỵ ngay từ lần đầu.
2. Đột quỵ lần 2 nguy hiểm đến mức nào?
Gần 90% người bị đột quỵ nếu không được xử trí hiệu quả có thể để lại các di chứng nặng nề về sau. Trong đó khoảng 1/3 số người bị đột quỵ sau đó bị liệt nửa người. Sau khoảng 6 tháng, gần 2/3 bệnh nhân không tự làm chủ được các hoạt động bình thường. Gần 1/5 số bệnh nhân đột quỵ bị mất tiếng nói sau tai biến.
Sau cơn đột quỵ thứ nhất, đột quỵ lần 2 thường để lại di chứng nặng nề hơn và chi phí điều trị cho lần đột quỵ sau cũng cao hơn rất nhiều so với lần trước. Đột quỵ không chỉ tái phát 2 lần, nó có thể tái phát 3 đến 4 lần thậm chí nhiều hơn. Các tổn thương não ở những lần đột quỵ sau cũng nghiêm trọng hơn và khó có thể phục hồi lại như lúc ban đầu.
– Rối loạn nhận thức nặng nề
– Liệt chân tay, không thể đi lại hoặc thậm chí không thể nuốt hay tự chủ vệ sinh được
– Nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với lần đầu
– Liệt toàn thân, nằm liệt giường
3. Lần thứ 2 bị đột quỵ có phục hồi được không?
Việc phục hồi của người bệnh sau tai biến mạch máu não còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nếu bệnh nhân bị đột quỵ lần 2 mà không được cấp cứu kịp thời, dẫn đến tình trạng tiến triển nặng hơn, thậm chí khiến bệnh nhân hôn mê sâu mới đưa đến bệnh viện thì lúc đó việc điều trị, phục hồi là rất khó khăn, khả năng để lại các di chứng nặng nề cao. Bạn nên tham khảo thời gian vàng trong cấp cứu người bị đột quỵ (là từ 3-6 giờ sau khi cơn đột quỵ xuất hiện)
Đối với những trường hợp được cấp cứu kịp thời, vẫn có cơ hội có thể phục hồi tùy thuộc vào tình trạng tổn thương não và tình hình sức khỏe của người bệnh, cần kết hợp với tập luyện vật lý trị liệu có thể dần đi đứng trở lại và dần dần khôi phục. Có thể nói, khả năng phục hồi của người bệnh dựa vào 3 yếu tố.
– Sơ cấp cứu đúng cách, kịp thời gian
– Điều trị các bệnh lý liên quan, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ tái phát
– Luyện tập và phục hồi hiệu quả sau đột quỵ lần 2
4. Cách phòng ngừa đột quỵ tái phát lần 2
4.1. Kiên trì điều trị các bệnh lý nền – giúp phòng ngừa đột quỵ lần 2
Đối với những bệnh nhân đã bị đột quỵ cần được xác định nguyên nhân đột quỵ do đâu để có biện pháp phòng ngừa đột quỵ lần 2.
Các yếu tố có nguy cơ cao gây đột quỵ tiên phát như mỡ máu cao (cholesterol cao), huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường,… nếu chưa giải quyết dứt điểm những yếu tố này, đột quỵ có thể sẽ tái phát.
Những người mắc bệnh lý mạn tính cần kiên trì điều trị, tuyệt đối phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên tự ý ngưng sử dụng thuốc hay sử dụng các loại thuốc khác không theo chỉ định.
4.2. Tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm – phòng ngừa đột quỵ lần 2
Người đã bị đột quỵ lần 1 thì khả năng bị đột quỵ lần 2 sẽ gia tăng nhiều hơn theo thời gian. Do đó, người bệnh cần chủ động tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ tại các cơ sở y tế uy tín khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe để tầm soát, phòng tránh nguy cơ đột quỵ lần 2.
Một ví dụ như đối với những bệnh nhân có vấn đề về huyết áp như cao huyết áp thì cần phải theo dõi thường xuyên. Khi thấy huyết áp cao lên bất thường hay hạ dần ổn định thì cần thăm khám để được điều chỉnh liều lượng thuốc điều trị sao cho phù hợp.
4.3. Thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng – phòng ngừa đột quỵ lần 2
Để phòng ngừa đột quỵ “ghé thăm”, bạn cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh như:
– Tăng cường tập thể dục, vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp tăng khả năng phục hồi hiệu quả hơn. Bạn có thể lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như yoga, ngồi thiền, hoặc các hoạt động ngoài trời như đi bộ, chạy bộ nhẹ nếu có thể. Hạn chế tập các môn thể thao đòi hỏi sự gắng sức quá nhiều.
– Làm các công việc nhẹ nhàng vừa sức
– Tránh căng thẳng, stress, mất ngủ, thức khuya
– Không ăn nhiều mỡ động vật, đồ ăn nhiều chất ngọt, chất đường, bột
– Không ăn thức ăn quá mặn nhiều mắm muối
– Không nên uống các loại đồ uống có cồn, có gas, chất kích thích
– Tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin từ các loại rau củ, hoa quả
– Duy trì cân nặng, tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần giảm cân
– Nên giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, hạn chế những nơi có gió lùa và tuyệt đối không nên tắm vào ban đêm.
Đột quỵ lần 2 rất nguy hiểm, nhưng người bệnh có thể chủ động phòng ngừa được thay vì lo lắng tình trạng đột quỵ có thể tái phát, bạn hãy chủ động thăm khám định kỳ tại các chuyên khoa uy tín để được tầm soát hiệu quả bệnh lý nền, thay đổi lại lối sống lành mạnh hơn để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Để thăm khám sàng lọc các vấn đề bệnh lý có nguy cơ gây đột quỵ, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín đa khoa để được thăm khám và xử trí tốt nhất.