Động mạch vành tim là hệ thống động mạch có cấu tạo đặc biệt và vai trò vô cùng quan trọng đối hoạt động của trái tim nói riêng và toàn cơ thể nói chung. Tuy nhiên đây cũng là bộ phận dễ gặp phải những tổn thương và bệnh lý do những biến đổi về cấu trúc, do lối sống thiếu lành mạnh. Cùng tìm hiểu về động mạch vành và các bệnh lý thường gặp trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Cấu tạo, chức năng của động mạch vành tim
1.1 Cấu tạo của động mạch vành
Động mạch vành là hệ thống động mạch chạy trên bề mặt của tim, giữa cơ tim và ngoại tâm mạc, gồm 2 động mạch chính là động mạch vành trái và động mạch vành phải. 2 nhánh mạch vành này cùng xuất phát ở gốc động mạch chủ qua trung gian là các xoang Valsalva.
Động mạch vành trái sau khi chạy một đoạn khoảng 1 – 3 cm giữa động mạch phổi và nhĩ trái thì chia ra thành 2 nhánh gồm: động mạch liên thất trước và động mạch mũ. Một số trường hợp động mạch vành trái chia 3 nhánh thay vì chia 2.
Trong khi đó, động mạch vành phải có nguyên ủy từ xoang Valsalva trước phải và xoang Valsalva phải, chạy trong rãnh nhĩ thất phải.
Như vậy, hệ thống động mạch vành gồm ba nhánh lớn là động mạch liên thất trước, động mạch mũ và động mạch vành phải. Từ ba nhánh lớn này, quá trình phân chia sẽ tiếp tục để tạo ra nhiều nhánh động mạch nhỏ hơn.
1.2 Chức năng của động mạch vành tim
Theo giải phẫu học, tim là khối cơ rỗng, trung tâm đảm bảo chức năng bơm máu của hệ tuần hoàn. Để thực hiện được chức năng này thì cơ tim – lớp trung gian dày giữa màng ngoài tim và màng trong tim – luôn cần được cung cấp đủ máu, oxy và các dưỡng chất để co giãn, tạo lực co bóp nhằm bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể. Và động mạch vành chính là hệ thống động mạch duy nhất thực hiện nhiệm vụ đưa máu đến nuôi cơ tim.
Các nghiên cứu cho thấy khả năng cung cấp máu của từng loại động mạch vành như sau:
– Động mạch vành phải cấp máu cho thất phải và 25 – 35% thất trái
– Động mạch liên thất trước cấp máu cho 45 – 55% thất trái
– Động mạch mũ cấp máu cho 15 – 25% thất trái.
Tuần hoàn vành không có vòng nối, tuy nhiên vẫn có các vòng nối giữa các nhánh của một thân hoặc giữa hai thân động mạch vành, được gọi là tuần hoàn bàng hệ của động mạch vành. Khi tuần hoàn vành hoạt động bình thường thì các vòng nối không mở. Nhưng khi có hẹp hoặc tắc một nhánh hoặc một thân của động mạch vành thì hệ này mở ra nhằm tưới máu cho vùng cơ tim bị thiếu máu tương ứng.
2. Các bệnh lý liên quan đến động mạch vành thường gặp
2.1 Bệnh mạch vành – Bệnh lý phổ biến nhất ở mạch vành
Đây là tình trạng lòng động mạch vành bị thu hẹp, khiến dòng máu đi tới cơ tim lưu chuyển khó khăn và giảm sút. Cơ tim không nhận đủ oxy và dưỡng chất khiến người bệnh xuất hiện triệu chứng như:
– Đau tức ngực, lưng, cổ, cánh tay và bụng
– Bị hụt hơi khi đang tập thể dục
– Khó thở
– Nôn ói, ợ chua, ợ hơi và các vấn đề tiêu hóa khác
– Đổ mồ hôi, ớn lạnh
– Hồi hộp, tim đập nhanh hoặc không đều nhịp
– Chóng mặt, choáng váng
Có 3 nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh động mạch vành là:
– Do các mảng xơ vữa mạch vành
Các mảng xơ vữa hình thành từ cholesterol, canxi và các chất dễ lắng đọng khác trong máu là nguyên nhân chính khiến thiết diện lòng mạch ngày càng thu hẹp. Các mảng xơ vữa cứng làm giảm khả năng đàn hồi của thành mạch, cản trở đường đi của máu qua mạch vành, gây tình trạng thiếu máu cơ tim. Trong khi đó, các mảng xơ vữa mềm dễ vỡ ra, kích thích sự hình thành cục máu đông. Khi các cục máu đông di chuyển vào các vị trí nghẽn hẹp dễ gây tắc mạch, ngăn hoàn toàn dòng máu đến nuôi cơ tim, khiến cơ tim hoại tử.
– Do co thắt mạch vành
Co thắt mạch vành là tình trạng tắc nghẽn thoáng qua của động mạch vành liên quan đến rối loạn chức năng lớp nội mạc. Tình trạng này khiến lưu lượng máu về nuôi dưỡng cơ tim bị giảm đi nhanh chóng. Hậu quả gây ra thường là thiếu máu cơ tim cục bộ. Tất cả các nhánh động mạch vành đều có thể bị co thắt. Thường gặp nhất là hẹp nhánh động mạch liên thất trước, hẹp động mạch mũ và hẹp nhánh liên thất sau.
– Do bóc tách động mạch vành
Bóc tách động mạch vành là tình trạng mạch vành đột nhiên bị rách, khiến máu chảy vào các vết rách này thay vì theo dòng chảy bình thường trong lòng mạch. Điều này gây giảm lượng máu đến cơ tim, dẫn đến cơn đau tim, nhịp tim bất thường hoặc tử vong đột ngột.
2.2 Phình, giãn động mạch vành tim
Theo các bác cáo y học, phình động mạch vành là tình trạng giãn đoạn động mạch vành khu trú ít nhất 1,5 lần so với đoạn bình thường kế cận. Trong khi đó, giãn phình động mạch vành là hiện tượng giãn lan toả ít nhất 1,5 lần so với đoạn bình thường kế cận.
Phình, giãn động mạch vành chiếm 0,3% đến 5% các trường hợp chụp mạch vành, thường xảy ra ở nam. Bệnh thường gặp nhất ở động mạch vành phải (40,4%), động mạch liên thất trước (32,3%), động mạch mũ (23,4%), ít gặp ở đoạn thân chung (3,5%).
Nguyên nhân gây bệnh là do xơ vữa động mạch (50%), bẩm sinh (17%), nhiễm trùng (10%). Ngoài ra, các nguyên nhân khác gồm: bệnh viêm động mạch, can thiệp mạch vành, bệnh mô liên kết, khiếm khuyết collagen di truyền, nhiễm nấm, chấn thương, cường aldosterol nguyên phát…
2.3 Các bệnh lý do động mạch vành suy yếu
– Suy tim
Tình trạng thiếu máu cơ tim kéo dài khiến tim thường xuyên không được cung cấp đủ máu và trở nên suy yếu. Sau cơn nhồi máu cơ tim do hoại tử, người bệnh cũng rất dễ bị suy tim với các biểu hiện như thường xuyên ho, khó thở, mệt mỏi.
– Rối loạn nhịp tim
Đây là biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành. Tim co bóp không bình thường có thể khiến tim đập quá chậm, quá nhanh hoặc hỗn loạn. Bệnh nhân có thể phải đối mặt với nguy cơ đột tử do hệ thống điện tim bị rối loạn.
Như vậy, có thể thấy sức khỏe của hệ thống động mạch vành tim chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố. Để phòng tránh các bệnh lý thường xảy ra ở động mạch vành, bạn cần điều chỉnh lối sống, chủ động theo dõi sức khỏe của mình và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường.