Màu sắc, mùi vị, số lượng nước tiểu có thể giúp bạn đoán biết tình trạng sức khỏe của mình. Thông qua bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm được tình trạng sức khỏe và kịp thời điều trị bệnh (nếu có).
Menu xem nhanh:
Thay đổi màu sắc
Nếu màu sắc nước tiểu thay đổi có thể là dùng thuốc chữa bệnh hoặc cũng thể do phụ gia trong thực phẩm, dược phẩm. Thỉnh thoảng thay đổi màu có thể là do một số vấn đề sau:
– Nước tiểu màu da cam có thể là do khát nước. Nhưng đôi khi là do thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin C hoặc carotene cao hoặc do sắc tố có trong thực phẩm đậm màu như cà rốt. Nước tiểu có thể chuyển sang màu cam sau khi dùng một số dược phẩm như: thuốc kháng sinh, thuốc làm loãng máu, thuốc nhuận tràng, nhóm hóa trị liệu, và thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
– Nước tiểu màu xanh lá cây hay da trời: có thể do bạn ăn măng tây, thậm chí nó còn ảnh hưởng đến mùi vị nước tiểu. Ở trẻ em, nếu nước tiểu có màu xanh, thì rất có thể là do mắc phải căn bệnh hiếm gặp, có tên hội chứng tăng calci huyết có tính gia đình, do dư thừa canxi. Một số loại thuốc ợ nóng, vitamin tổng hợp, thuốc chống nôn cũng có thể làm cho nước tiểu có màu xanh da trời hay màu xanh lá cây.
– Nước tiểu có màu nước trà hoặc nâu: có thể là do bạn ăn nhiều đậu fava (đậu tằm), hoặc lô hội. Hay dùng thuốc nhiễm trùng đường tiểu, thuốc chống sốt rét, thuốc nhuận tràng, thuốc giãn cơ hoặc một số loại thuốc kháng sinh. Nước tiểu càng thẫm màu thì dấu hiệu rối loạn gan hoặc bệnh thận càng cao.
– Nước tiểu đỏ hay màu hồng: có thể là do sự xuất hiện của máu hoặc khả năng nhiễm trùng đường tiết niệu, mắc bệnh phình đại tiền liệt tuyến, thận hoặc sỏi thận, ung thư thận hoặc ung thư bàng quang. Tuy nhiên đôi khi là do tập thể dục cường độ cao, do ăn thực phẩm màu đỏ, nhóm quả mọng, có thể là ảnh hưởng bởi dùng thuốc nhuận tràng, thuốc chống loạn thần hay thuốc gây mê hoặc bị ngộ độc chì hoặc ngộ độc thủy ngân mạn tính cũng gây nước tiểu màu đỏ hoặc hồng.
Màu sắc nước tiểu nhất quán
Nếu không đi tiểu trong một thời gian, màu sắc nước tiểu lại có chiều hướng đậm đặc và tối màu thì có thể bạn đang mắc chứng nhiễm trùng hoặc một số vấn đề khác về sức khỏe.
– Nước tiểu có màu sẫm: dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận.
– Nước tiểu nhiều bọt hay sủi bọt, có nghĩa nước tiểu giàu protein, nguy cơ mắc bệnh thận.
Những thay đổi khi đi vệ sinh
Một khi tiểu ra quá nhiều hoặc quá ít nước cũng là dấu hiệu của sức khỏe.
– Đi tiểu thường xuyên, cấp bách, dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng hoặc viêm đường tiết niệu hoặc bàng quang, bệnh đái tháo đường, bàng quang hoạt động quá mức hoặc mắc bệnh tiểu không tự chủ, ung thư bàng quang.
– Lượng nước tiểu ít hơn 500ml mỗi ngày: đây là dấu hiệu cảnh báo hiện tượng mất nước, tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc do sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh.
Mùi vị nước tiểu thay đổi
Khi đi tiểu nếu thấy mùi nước tiểu nặng hơn, khai hơn hoặc lưu lại lâu hơn trong nhà vệ sinh rất có thể do lạm dụng cà phê hay măng tây nhưng đôi khi cũng có thể:
– Mùi như amoniac, nước tiểu bị đậm đặc, báo hiệu cơ thể bị mất nước.
– Nước tiểu có mùi hôi, có thể do bạn bị nhiễm trùng khuẩn.
– Nước tiểu có mùi vị ngọt, dấu hiệu của bệnh đái tháo đường không kiểm soát hoặc mắc chứng rối loạn chuyển hóa.
– Nước tiểu có mùi mốc, có thể là dấu hiệu của bệnh gan hoặc bị rối loạn chuyển hóa.
Khi thấy màu sắc, mùi, lượng nước tiểu bất thường, bạn cần đi khám bác sĩ. Thông qua xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ sẽ giúp xác định nguyên nhân. Từ đó chẩn đoán đúng bệnh và có phương pháp điều trị hiệu quả.