Bệnh lý viêm kết mạc sạn vôi là một trong những bệnh lý đa phần là lành tính tuy nhiên nếu không được điều trị, xử lý dứt điểm, bệnh có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, gây khó chịu cho người bệnh. Cùng tham khảo bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI để tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề bổ ích này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Những thông tin cần biết về sạn vôi ở mắt
1.1. Khái niệm hiện tượng sạn vôi ở mắt là gì?
Sạn vôi ở trong mắt là hiện tượng canxi kết tủa và bị lắng đọng lại ở phần lớp dưới của kết mạc sụn mi. Hiện tượng này gây ảnh hưởng đối với mắt đó là xuất hiện các hạt tròn, màu trắng ở một bên mắt hoặc thậm chí cả 2 bên mắt. Số lượng các hạt sạn vôi này cũng không cố định.
Hiện tượng sạn vôi trong mắt có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng, độ tuổi. Tuy nhiên, ở những người trên 50 tuổi sẽ hay gặp hiện tượng này hơn những nhóm tuổi khác.
Sạn vôi trong mắt thường là lành tính, tuy nhiên nếu chúng xuất hiện nhiều thì sẽ có thể gây ra viêm kết mạc cho mắt, khiến mắt bị cộm, đau, khó chịu. Do đó, nếu trong trường hợp bạn bị sạn vôi trong mắt thì cần nhanh chóng điều trị và loại bỏ các hạt sạn trước khi chúng để lại biến chứng.
1.2. Viêm kết mạc sạn vôi là hiện tượng gì?
Sạn vôi gây viêm kết mạc là khi các hạt sạn vôi trong mắt cọ xát vào giác mạc, làm tổn thương giác mạc, gây viêm. Triệu chứng của bệnh lý này là khi quan sát thấy ở mí mắt bên dưới có xuất hiện các nốt mụn màu trắng. Những hạt sạn này đôi khi sẽ ngả sang màu vàng. Kích thước của các hạt sạn khoảng 1-2mm. Tuy nhiên chúng hoàn toàn có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn.
Bệnh lý viêm kết mạc do sạn vôi gây ra tình trạng cộm, đau trong mắt. Mắt cũng liên tục phải chớp, chảy nước mắt. Bệnh nhân cũng thường hay phải dụi mắt. Ngoài ra, khi bị viêm kết mạc do sạn vôi, dử, ghèn mắt cũng kéo nhiều, bệnh nhân có thể cảm thấy dễ chói, nhạy cảm với ánh sáng, đau nhức bên trong mắt.
1.3. Nguyên nhân nào gây ra viêm kết mạc sạn vôi?
Theo các nghiên cứu, hiện tại vẫn chưa có nguyên nhân cố định nào gây ra tình trạng xuất hiện sạn vôi bên trong mắt. Tuy nhiên, các nốt sạn bôi thường xuất hiện nhiều hơn ở những người có cơ địa dễ bị dị ứng, hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm, hóa chất,…
Ngoài ra, những đối tượng hay bị lên lẹo, chắp mắt, viêm kết mạc dạng mãn tính, đau mắt hột, viêm kết mạc dạng dị ứng,…cũng dễ bị sạn vôi hơn những người khác.
Một số nhóm đối tượng người lớn tuổi, người già cũng xuất hiện sạn vôi trong mắt không rõ căn cứ.
2. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị sạn vôi trong mắt như thế nào?
2.1. Phương pháp chẩn đoán đối với sạn vôi trong mắt
Để điều trị hiện tượng này, bác sĩ cần phải kiểm tra và xem xét từng tình trạng bệnh của mỗi người. Bên cạnh việc kiểm tra những triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm quan trọng, cần thiết khác.
2.2. Phương pháp điều trị bệnh viêm kết mạc do sạn vôi
Nếu không được phát hiện và điều trị, các hạt sạn vôi bên trong mắt sẽ không thể nào tự khỏi được. Đối với trường hợp sạn vôi còn nhỏ và không gây ra kích ứng, bạn có thể sử dụng nước mắt nhân tạo, thuốc mỡ để làm giảm triệu chứng, cũng như hỗ trợ điều tiết cho mắt. Tuy nhiên trong trường hợp sạn vôi đã lớn và gây viêm kết mạc, kích ứng cho mắt, bạn sẽ cần phải thực hiện tiểu phẫu để lấy các hạt sạn vôi ra bên ngoài. Nếu không được lấy ra ngoài, lâu dần các hạt sạn vôi sẽ tiếp tục gây trầy xước lớp giác mạc, gây viêm giác mạc nặng nề hơn.
Theo đó, khi thực hiện tiểu phẫu, bác sĩ sẽ gây tê ở phần kết mạc, nơi có sạn vôi. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng kim chích chuyên dụng để nạo, lấy sạn vôi ra khỏi mắt. Toàn bộ quá trình này thường sẽ diễn ra rất nhanh, ít gây đau đớn cho bệnh nhân. Sau khi lấy sạn vôi ra, bệnh nhân có thể được ra về trong ngày đi kèm với các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh, kháng viêm.
Bệnh nhân cũng không nên tự điều trị, lấy sạn vôi tại nhà bởi như vậy sẽ rất dễ gây nguy hiểm, nhiễm trùng, chấn thương cho mắt.
3. Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng sạn vôi trong mắt?
Chúng ta không thể hoàn toàn loại trừ khả năng sạn vôi có xuất hiện lại trong mắt hay không. Do đó, chúng ta nên thực hiện một số lưu ý như sau để ngăn ngừa sạn vôi tái phát trở lại:
– Sử dụng các loại kính râm, kính bảo vệ mắt khi đi ra ngoài đường hoặc trong trường hợp có tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm.
– Thường xuyên rửa, chăm sóc mắt với nước muối sinh lý để loại bỏ bụi bẩn.
– Hạn chế tối đa việc dụi mắt để tránh nhiễm trùng.
– Định kỳ đi khám mắt hoặc đi khám mắt ngay nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường.
– Tỉ lệ xảy ra biến chứng của sạn vôi trong mắt là không cao, tuy nhiên chúng ta vẫn cần cẩn trọng với hiện tượng này, bởi chúng có thể gây ra: sẹo giác mạc, loạn thị, ảnh hưởng tới thị lực mắt,..
– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố có khả năng gây sạn vôi trong mắt.
– Người đã từng mắc bệnh sạn vôi trong mắt cần đặc biệt giữ vệ sinh vùng mắt thật tốt, để tránh tái phát.
Trên đây là những thông tin quan trọng bạn cần biết về bệnh lý viêm kết mạc do sạn vôi. Bệnh lý này mặc dù không phải là bệnh cấp tính, tuy nhiên nếu chúng tái phát nhiều lần sẽ có thể gây ra những phiền toái, biến chứng đáng kể cho người bệnh. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu và đi bệnh viện lấy sạn vôi kịp thời để tránh làm tổn thương sâu tới phần giác mạc mắt. Hi vọng qua bài viết trên đây, bạn sẽ có cách bảo vệ mắt khỏi bệnh lý sạn vôi hiệu quả. Nếu bạn cần tư vấn thêm thông tin khác hoặc đặt lich thăm khám bác sĩ nhãn khoa, vui lòng liên hệ tới Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhanh nhất nhé.