Bệnh trĩ là căn bệnh cực kỳ phổ biến và ai cũng có khả năng mắc phải. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa căn bệnh này bằng những phương pháp vô cùng đơn giản và có thể thực hiện hàng ngày. Cùng nhau điểm danh những cách phòng bệnh trĩ hiệu quả qua bài viết này.
Menu xem nhanh:
1. 6 cách phòng ngừa bệnh trĩ nên áp dụng
1.1. Chế độ ăn nhiều xơ là cách phòng bệnh trĩ cực hiệu quả
Chất xơ đóng vai trò rất quan trọng trong tiêu hóa, giữ cho hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh và vận hành tốt. Chất xơ giúp nhu động ruột đều đặn, nhờ đó giảm tình trạng táo bón, phân khô cứng.
Bởi vậy, việc bổ sung chất xơ là điều vô cùng cần thiết nếu muốn phòng bệnh trĩ. Theo một số chuyên gia, mỗi ngày bạn nên tiêu thụ khoảng 25-30 gam chất xơ.
Một số loại thực phẩm chứa nhiều chất này có thể kể đến bông cải xanh, các loại rau xanh, củ quả như cà rốt, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt,…
Ngoài bổ sung chất xơ, cần hạn chế các thực phẩm cay nóng, đồ ăn chiên rán dầu mỡ quá nhiều,..
1.2. Cách phòng bệnh trĩ bằng việc uống nhiều nước
Bổ sung nước cho đủ lượng cần thiết mỗi ngày là cách cực tốt để bạn tránh táo bón và đại tiện dễ dàng hơn. Nước có thể chiếm tới 75% trong phân để bạn có thể đại tiện dễ dàng. Lưu ý có thể bổ sung bằng các loại nước ép hoa quả, tuy nhiên cần tránh sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn.
1.3. Không nhịn đại tiện – hãy đi ngay khi mắc
Điều này tưởng chừng như rất đơn giản, tuy vậy không ít người có thói quen nhịn đại tiện vì một số lý do khách quan như do tính chất công việc. Việc trì hoãn đại tiện có thể khiến phân khô và cứng hơn, gây khó khăn nếu bạn rặn. Điều này vô tình làm tăng áp lực lên thành hậu môn và các tĩnh mạch hậu môn- trực tràng. Bệnh trĩ cũng vì vậy mà tăng nguy cơ.
Ngoài ra, khi không có cảm giác muốn đại tiện, cũng không nên cố rặn vì điều này cũng làm tăng áp lực. Đối với người đã bị bệnh trĩ, rặn mạnh có thể khiến trĩ nội sa ra ngoài nhanh hơn.
1.4. Cách phòng bệnh trĩ bằng tập luyện thể dục thể thao
Việc tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp cho bạn có thể cải thiện và ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa, từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh trĩ. Ngoài ra, việc tập các bài thể dục phù hợp với sức khỏe có thể giúp bạn tăng cường tuần hoàn máu đến các bộ phận, trong đó có hậu môn, làm giảm nguy cơ ứ trệ, tắc máu ở vùng hậu môn gây ra trĩ.
Lối sống lành mạnh có thể giúp cho cơ thể ổn định và hạn chế được rất nhiều nguy cơ các bệnh lý khác. Bạn có thể tập các bài tập nhịp điệu, chạy bộ, yoga,..
Tuy nhiên, cần tránh các bài tập quá nặng, các bài tập có tư thế dồn áp lực lên hậu môn hoặc vùng ổ bụng. Cần lựa chọn bài tập vừa sức và phù hợp với cơ thể.
1.5. Không nên ngồi/ đứng quá lâu một vị trí
Như đã biết, ngồi lâu hay đứng nhiều đều là những tác nhân thúc đẩy hình thành trĩ, bởi những tư thế này làm tăng áp lực lên hậu môn trực tràng. Nhiều người có thói quen này do đặc thù công việc yêu cầu, tuy nhiên có thể khắc phục bằng cách di chuyển, vận động nhẹ nhàng sau mỗi tiếng làm việc. Cơ thể khỏe khoắn và thoải mái hơn kèm theo giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Đặc biệt, cần tránh ngồi đại tiện quá lâu làm tăng áp lực lên hậu môn. Không nên vừa sử dụng điện thoại vừa đại tiện bởi điều này kéo dài thời gian ngồi trên bồn cầu, lâu dần ảnh hưởng đến việc áp lực hậu môn tăng lên.
1.6. Hạn chế bê vác vật nặng tạo áp lực lên trực tràng
Bê vác vật nặng có thể gây gia tăng đột ngột áp lực lên các mạch máu xung quanh trực tràng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hình thành bệnh trĩ. Bởi vậy, cần hạn chế tối đa bê vác vật nặng quá mức để hạn chế nguy cơ bị trĩ. Khi tập thể dục cũng nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng tránh áp lực lên hậu môn kéo dài.
2. Khi phát hiện bị trĩ, cần xử trí như thế nào?
2.1. Cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả
Mặc dù là một bệnh lành tính, bệnh trĩ không thể tự khỏi và không thể khỏi hoàn toàn nếu bệnh nhân không nhận được điều trị đúng cách. Thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín là cách tốt nhất để phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh trĩ.
Các bác sĩ thường chỉ định điều trị nội khoa cho bệnh nhân khi khám vào giai đoạn đầu của bệnh. Các loại thuốc sẽ được kê đơn nhằm giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh, đồng thời hỗ trợ nhuận tràng và tăng độ bền tĩnh mạch. Sau khi dùng thuốc chỉ định, phần lớn các triệu chứng sẽ giảm dần. Ngoài ra, thời điểm này thường được coi là giai đoạn vàng, vì điều trị thường rất đơn giản.
Các bác sĩ sẽ yêu cầu các phương pháp ngoại khoa không xâm lấn cho bệnh nhân búi trĩ thập thò khi bệnh đang phát triển, gây vướng víu và khó chịu nhưng việc điều trị bằng thuốc không đảm bảo kết quả nhanh chóng. Đặc biệt, khi sử dụng công nghệ Laser Diode-mổ trĩ không dao kéo, bệnh nhân có thể thoát trĩ một cách nhẹ nhàng hơn mà không cảm thấy đau đớn hay chảy máu, có thể ra viện chỉ sau một ngày.
2.2. Tuân thủ tuyệt đối chỉ định, không tự ý dùng thuốc chưa được kiểm chứng
Bệnh nhân phải tuân thủ liều lượng, thời gian sử dụng và cách dùng từng loại thuốc mà bác sĩ đã chỉ định. Ngoài ra, bạn nên tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng khác ngoài chỉ định hoặc bất kỳ loại thuốc dân gian nào. Tránh tự ý sử dụng để giảm bớt rủi ro không mong muốn.
Khi búi trĩ đã phát triển lớn, bệnh nhân nên chú ý tuân thủ các chỉ định ngoại khoa và mổ sớm nếu cần. Điều này để tránh tình trạng bệnh nặng hơn gây khó khăn khi điều trị.
Ngoài ra, bệnh nhân vẫn luôn cần duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống, vận động hợp lý, đồng thời tránh các tác nhân có thể làm trĩ nặng hơn. Những cách phòng bệnh trĩ cũng chính là những lưu ý nên được thực hiện ngay cả khi đã mắc bệnh nhằm hạn chế bệnh tăng nặng cũng như hỗ trợ điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn.