Suy hô hấp là tình trạng nguy hiểm và khó lường bởi có thể xuất hiện đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước nào. Đôi khi, bệnh cũng có thể xảy ra một cách chậm rãi khiến nhiều bệnh nhân chủ quan và khiến bệnh nặng hơn theo thời gian. Dưới đây là các loại suy hô hấp thường gặp và cách để điều trị và ngăn chặn bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Khái quát chung về tình trạng suy hô hấp
Suy hô hấp là tình trạng phổi khó khăn trong trao đổi oxy và CO2 trong máu dẫn tới 2 trường hợp xảy ra: người bệnh bị thiếu oxy hoặc lượng khí CO2 trong cơ thể quá cao ảnh hưởng tới hô hấp.
Việc hô hấp(hít thở) tưởng chừng như đơn giản nhưng đó là sự kết hợp của nhiều bộ phận phối hợp với nhau và khi một trong số các bộ phận đó gặp vấn đề có thể dẫn tới suy hô hấp.
Những nguyên nhân phổ biến dẫn tới suy hô hấp có thể kể đến như:
– Người bệnh bị chấn thương ngực hay xương sườn
– Uống nhiều rượu bia hoặc sử dụng thuốc gây hại đến não
– Hít nhiều khói bụi, chất độc khiến phổi bị tổn thương
– Mắc các bệnh phổi như: xơ nang, viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính(CORD)
– Tổn thương cơ hay thần kinh từ những bệnh lý nền như: xơ cứng cột bên teo cơ, đột quỵ, chấn thương tủy sống…
– Vẹo cột sống hoặc gặp vấn đề về cột sống ảnh hưởng đến xương
– Máu đông gây giảm lưu lượng máu di chuyển đến phổi.
Bất kỳ ai đều có thể mắc suy hô hấp nhưng nguy cơ sẽ cao hơn với những đối tượng như sau:
– Có bệnh hen suyễn, hô hấp mạn tính như CORD
– Thường xuyên tiếp xúc với nhiều khói bụi độc hại
– Có nhiều thói quen xấu ảnh hưởng tới sức khỏe như uống rượu, thuốc lá
– Có tiền sử gia đình mắc các bệnh về hô hấp.
2. Những loại suy hô hấp phổ biến và cách điều trị
2.1 Phân loại các loại bệnh suy hô hấp thường gặp
Hiện nay, suy hô hấp được phân chia thành:
Suy hô hấp cấp tính
Tình trạng hô hấp xảy ra đột ngột và nhanh chóng, trường hợp này khẩn cấp và cần được cấp cứu ngay. Những dấu hiệu của suy hô hấp cấp tính gồm:
– Suy giảm thị lực
– Cơ thể bỗng nhiên cảm thấy đau nhức
– Hơi thở gấp gáp, mạch nhanh, trống ngực
Suy hô hấp mạn tính
Tình trạng suy hô hấp nếu trở thành mạn tính cần phải thường xuyên thăm khám và theo dõi đánh giá. Suy hô hấp mạn tính được phân chia thành hai giai đoạn:
– Giai đoạn đầu: Những triệu chứng của bệnh thường mơ hồ, thông thường chỉ thoáng qua và khó nhận biết.
– Giai đoạn nặng:
Trường hợp nhẹ người bệnh có thể bị khó thở, đôi khi hụt hơi, thở khò khè, thở gấp và nhanh(nhất là khi vận động), cơ thể mệt mỏi, ho có đờm, khó ngủ, cơ thể xanh xao,…
Trường hợp nặng bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng cơ thể đột nhiên tím tái, khó để thở bình thường, rối loạn hành vi,… thậm chí là rơi vào hôn mê, suy tim,…
Suy hô hấp nếu được phát hiện và điều trị ngay có thể trở lại hoạt động bình thường, nếu mắc bệnh mạn tính cần tham khảo bác sĩ để chăm sóc và theo dõi sức khỏe hô hấp thường xuyên. Dựa trên đánh giá về loại suy hô hấp, nguyên nhân và mức độ tổn thương hệ hô hấp, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp bệnh.
2.2 Chẩn đoán và điều trị sớm các loại bệnh suy hô hấp thường gặp
Chẩn đoán đánh giá về tình trạng suy hô hấp
Thông thường, để chẩn đoán suy hô hấp, bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất để đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh sau đó chỉ định xét nghiệm:
– Nồng độ oxy trong máu với thiết bị trên tai hoặc ngón tay người bệnh
– Xét nghiệm khí máu động mạch để đánh giá mức oxy và CO2 trong máu người bệnh.
Bên cạnh đó, có thể thực hiện thêm xét nghiệm X quang ngực, điện tim… nếu cần thiết.
Điều trị bệnh suy hô hấp
Tùy vào tình trạng bệnh mà sẽ có phương pháp điều trị chuyên biệt. Trong đó những phương pháp phổ biến hiện nay gồm có:
– Liệu pháp oxy: Cung cấp oxy cho bệnh nhân qua mặt nạ hoặc ống thông bên mũi.
– Máy thở: Sử dụng máy thở nếu liệu pháp oxy không thể cung cấp đủ oxy hoặc không tự thở được. Máy sẽ đẩy khí vào phổi đồng thời giảm lượng khí CO2 khiến bệnh nhân dễ hô hấp hơn.
– Đeo mặt nạ qua mũi hoặc miệng với máy CPAP(máy áp lực dương liên tục) dùng cho chứng ngưng thở khi ngủ.
-Phẫu thuật mở khí quản: Bác sĩ mở một đường ở cổ(khí quản) và đặt ống thông để kết nối với máy thở trong khoảng một đến hai tuần nếu bệnh nhân cần máy thở giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
– Điều trị từ bệnh lý nền nguyên nhân: Xác định chính xác nguyên nhân gây ra suy hô hấp sau đó kết hợp điều trị các bệnh nền nguy cơ bằng cách: sử dụng kháng sinh, thuốc tan máu đông, thuốc giãn đường thở, sử dụng ống thông nếu có trường hợp tràn khí màng phổi.
Trong đó, điều trị suy hô hấp cụ thể phân chia thành hai cách khác biệt như sau:
– Điều trị tình trạng suy hô hấp cấp tính:
+ Đưa bệnh nhân đi cấp cứu nhanh chóng ngay lập tức khi có biểu hiện bệnh
+ Trường hợp bệnh nghiêm trọng cần chăm sóc đặc biệt
+ Điều trị bằng oxy với máy thở cho đến khi có thể tự thở được
+ Điều trị bằng thuốc và dịch để giảm triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh.
– Điều trị tình trạng suy hô hấp mạn tính:
+ Chăm sóc bệnh nhân liên tục tại nhà
+ Sử dụng thuốc để điều trị bệnh mỗi ngày theo phác đồ và chỉ định của bác sĩ
+ Nếu tình trạng nghiêm trọng, có thể cần điều trị với oxy.
Bệnh suy hô hấp có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân nên cần máy thở hỗ trợ(như CPAP hoặc máy thở) vào ban đêm để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Hi vọng những thông tin về các loại suy hô hấp thường gặp trên đây giúp người bệnh trang bị đầy đủ kiến thức để có thể phòng ngừa, ngăn chặn và điều trị bệnh sớm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân xung quanh.