Dị vật họng gây ra tình trạng khó chịu, đau đớn cho chúng ta. Và nếu không xử lý nhanh, vấn đề này có thể gây ra nhiều hệ lụy. Hãy cùng tìm hiểu về dị vật vùng họng trong bài viết sau đây để hiểu đúng và có cách xử trí phù hợp khi gặp hiện tượng này.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về tình trạng dị vật họng
1.1. Khái niệm
Dị vật họng – hay còn được gọi bằng tên quen thuộc trong đời sống là hóc nghẹn – là tình trạng khu vực họng có những dị vật bị mắc lại, gây nên tình trạng đau, khó chịu, làm cản trở sinh hoạt, ăn uống của con người. Dị vật ở cổ họng có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta, nhưng phổ biến nhất là với trẻ nhỏ và người già. Tùy từng đối tượng, mức độ, hình dạng dị vật, mà mỗi trường hợp hóc dị vật này sẽ có những biểu hiện tương đối khác nhau.
1.2. Nguyên nhân gây nên tình trạng dị vật họng
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng dị vật ở họng:
– Do nhai không kỹ thức ăn, nuốt vội, ăn khi cười đùa,… khiến thức ăn chưa được nghiền nhỏ đã bị nuốt xuống, gây nghẹn ở họng.
– Do cách chế biến đồ ăn: thức ăn mềm lẫn các mảnh xương văm, ăn dễ nuốt bị hóc.
– Do vô tình nuốt phải các dị vật ngậm trong miệng (thường xảy ra với trẻ em và người già, các đối tượng không có/không đủ răng).
Những dị vật thường dễ mắc trong họng như xương cá, đầu tăm, thức ăn, sợi tóc, viên bi, đồng xu,… Nhiều trường hợp, hóc dị vật không được giải quyết đúng cách đã gây ra tình trạng tắc đường thở, phù nề thanh quản, áp xe hầu họng,… Vì thế, cần hiểu rõ, phát hiện nhanh, có cách giải quyết hợp lý để bảo đảm an toàn cho bản thân mình cũng như cho mọi người xung quanh khi cần thiết.
2. Biểu hiện thường thấy khi bị mắc dị vật vùng họng
Tình trạng mắc dị vật trong họng thường dễ nhận thấy với cảm giác nghẹn ở cổ, không thể nuốt trôi, cũng không thể đẩy dị vật ra theo đường miệng. Bên cạnh đó, mắc dị vật thường khiến họng bị đau, thậm chí đau dữ dội nếu như dị vật là vật sắc nhọn hoặc kích thước quá lớn. Rất nhiều trường hợp còn có biểu hiện đỏ bừng mặt, ho liên tục, thậm chí là thở rít, khan tiếng.
Với trẻ em, cha mẹ cần hết sức chú ý các biểu hiện khi ăn uống của trẻ. Bởi, trẻ chưa biết nói, rất khó xác định kịp thời tình trạng bị mắc dị vật của trẻ. Trong khi đó, cha mẹ cũng có thể hiểu lầm và dự đoán sai tình trạng trẻ đang gặp phải.
Ở trẻ em, khi bị mắc dị vật họng, trẻ thường quấy khóc, chảy nước miếng, ho, trớ liên tục. Nếu dị vật nằm ở khu vực hạ họng, trẻ có thể biểu hiện mặt mày tím tái, khó thở, nghẹn thở, hít sặc. Khi đó, các bác sĩ sẽ phối hợp với cha mẹ để chẩn đoán đúng và có cách điều trị phù hợp cho bé.
3. Quy trình lấy dị vật vùng họng và cách xử lý an toàn
3.1. Những sai lầm thường thấy khi xử lý tình trạng dị vật họng
Họng mắc vật là tình trạng rất dễ bắt gặp trong đời sống. Rất nhiều người cho rằng, mắc dị vật họng là vấn đề nhỏ, có thể tự giải quyết. Thực tế, một số trường hợp không cần sự tác động của y tế cũng đã giải quyết được vấn đề này. Đó là khi xác định được hình dạng, kích thước dị vật. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như thế. Bởi nếu không cẩn thận, bạn có thể gặp nhiều hệ lụy nguy hiểm như: viêm nhiễm tại chỗ, áp xe, phù nề,…
Dưới đây là những sai lầm phổ biến trong việc chữa dị vật họng thường gặp:
– Tự móc dị vật bằng tay hoặc bằng vật cứng nào đó.
– Uống nước hoặc cố nuốt cơm, hoa quả, đồ ăn để dị vật trôi xuống.
– Lấy tay vuốt xuôi lưng hoặc ngực xuống, nhằm mong dị vật trôi xuống bụng.
Các bác sĩ khuyến cáo, các cách trên thực sự nguy hiểm, bởi chúng không đảm bảo an toàn cho cá nhân người bị mắc dị vật. Không những thế, chúng còn khiến nguy cơ dị vật lún sâu vào phổi hoặc các cơ quan khác, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cần nâng cao cảnh giác, thăm khám phù hợp để được giải quyết tình trạng này khoa học, an toàn nhất.
3.2. Điều trị y khoa
Thăm khám, chụp X-quang để phát hiện vật lạ trong khu vực cổ là điều cần thiết cho người bệnh. Đây cũng là điều cần thiết để các bác sĩ chẩn đoán, xác định vị trí dị vật và có phương pháp điều trị phù hợp.
Gắp vật lạ vùng họng được tiến hành với các quy trình sau:
– Gây mê, gây tê/tiền mê cho người bệnh.
– Nội soi, gắp dị vật.
– Dùng kháng sinh, giảm đau sau quá trình loại bỏ dị vật
– Theo dõi người bệnh, phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng, biến chứng.
4. Phòng tránh dị vật ăn uống đúng cách
Để tránh tình trạng dị vật mắc trong vùng cổ, hãy chú ý:
– Cẩn thận với việc ăn uống thức ăn có xương hoặc lẫn xương. Nên loại bỏ xương và kiểm tra kỹ trước khi đưa thức ăn vào miệng. Điều này sẽ tránh tình trạng hóc xương, xương chắn ngang đường tiêu hóa.
– Tránh việc cười đùa nói chuyện, nhai không kỹ khi ăn. Thêm nữa, hãy hạn chế tình trạng vừa ăn, vừa uống. Việc này khiến tình trạng nhai của bạn hạn chế hơn, dễ gây tình trạng nghẹn, hóc dị vật.
– Không ép trẻ ăn, nhất là khi trẻ đang khóc hoặc cười đùa.
– Coi sóc trẻ cẩn thận, không để trẻ ngậm các vật nhỏ trong miệng. Nên chăm chút bữa ăn cho trẻ với các món ăn phù hợp với tình trạng răng và sức khỏe bao tử của trẻ.
– Cẩn trọng trong ăn uống của người già đang sử dụng răng giả.
Ngoài ra, khi gặp tình trạng vật trong vùng họng, hãy thăm khám tại chuyên khoa tai mũi họng. Cần tiến hành can thiệp kịp thời khi cần thiết. Tránh tình trạng chưa thăm khám đã tự điều trị, gây nhiều nguy hiểm không lường trước cho sức khỏe.
Dị vật họng có thể giải quyết nhanh, điều trị dễ dàng. Tuy nhiên, cũng rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe nếu bạn không biết xử trí đúng cách. Để bảo đảm an toàn cho mình và những người xung quanh, hãy chú ý. Khi nghi ngờ dị vật, cần thăm khám, thực hiện điều trị theo phương pháp chuẩn y khoa. Đây cũng là cách tối ưu giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho sức khỏe của bản thân .