Những tình huống dị vật bay vào mũi khiến chúng ta giật mình, mất bình tĩnh. Tuy nhiên, việc cần quan tâm nhất lúc này là cần xử lý đúng cách. Nhiều tình trạng dị vật trong mũi không được lấy ra đúng cách đã để lại không ít hậu quả. Vì vậy, hãy sẵn sàng tâm lý và tìm hiểu bài viết sau đây để có thể bình tĩnh xử lý dị vật khi gặp tình huống này.
Menu xem nhanh:
1. Dị vật bay vào mũi – Tai nạn dễ gặp trong đời sống
Dị vật bay vào mũi là một trong những tai nạn có thể bắt gặp trong đời sống thường nhật:
– Côn trùng chui vào mũi trong khi đang lái xe: Điều này cực kỳ phổ biến ở Việt Nam, khi mà số lượng phương tiện giao thông xe máy đang chiếm đa số.
– Côn trùng bay vào mũi trong khi ngủ: Một số loài côn trùng nhỏ có thể chui vào mũi trong lúc chúng ta ngủ và khiến chúng ta giật mình. Khi này, hãy xác định côn trùng đó như thế nào để có thể ứng phó phù hợp.
– Vật thể lạ bay vào mũi trong tình huống tai nạn (đá văng trên đường di chuyển, vật thể vào mũi khi đang bơi, đang chơi tàu lượn,…)
Trong đó, vấn đề côn trùng bay vào mũi khá phổ biến. Dị vật lúc này cũng có thể có kích thước và hình dạng đa dạng khác nhau. Với những dị vật bất động, việc xử lý có thể dễ dàng hơn. Còn trong trường hợp côn trùng có nọc độc hoặc có thể gây vết thương, chúng ta cần cẩn trọng để tránh kích động côn trùng và gây nguy hiểm cho bản thân. Thêm nữa, côn trùng khi chui vào mũi thường có xu hướng giãy giụa và đâm sâu vào trong hốc và khe mũi. Điều này có thể khiến người bệnh buồn nôn. Đó là còn chưa kể đến mùi hôi khó chịu từ côn trùng. Vì thế, cần xử lý sớm trường hợp này.
2. Nhận biết tình huống dị vật vào mũi
2.1. Nhận biết khi có dị vật trong mũi.
Với bản thân những người trưởng thành hoặc trẻ có ý thức, thì việc nhận ra dị vật trong mũi khá đơn giản. Mũi cũng là cơ quan rất nhạy cảm nên việc nhận thấy có vật thể lạ trong mũi cũng được xác định rất nhanh. Ngoài ra, một trường hợp khác, người bị dị vật mũi không biết có dị vật trong mũi, là khi dị vật đặc biệt. Đó là trường hợp dị vật khi đang ngủ, đang không tỉnh táo hoặc dị vật nhỏ, cảm giác không rõ. Khi đó, xác nhận dị vật mũi thông qua các dấu hiệu như:
– Cảm giác đau hoặc căng tức trong mũi.
– Mũi chảy dịch và có thể có mùi hôi.
– Chảy máu mũi (nếu dị vật sắc nhọn hay động vật ký sinh)
Với trẻ em, cha mẹ có thể xem xét những dấu hiệu trên kèm các biểu hiện khác của trẻ như:
– Ngứa mũi, thường đưa tay quẹt mũi.
– Tiếng thở như huýt sáo khi ngủ hoặc khi trẻ thở bằng mũi.
2.2. Dị vật trong mũi có nghiêm trọng không?
Hầu hết các tình huống dị vật trong mũi đều có thể phát hiện sớm, do dấu hiệu của tình trạng này khá nổi bật. Tuy vậy, với trẻ em, dị vật mũi có thể trở thành dị vật mũi bỏ quên. Tức là, dị vật trong mũi tồn tại nhiều ngày. Điều này có thể gây nên những nhiễm trùng trong khoang mũi – họng. Đồng thời, dị vật mũi nếu bị di chuyển vào sâu hơn có thể ảnh hưởng đến khí quản, thậm chí là phổi, gây nguy hiểm cho sức khỏe với những thương tích nghiêm trọng. Do đó, cần sớm nhìn nhận tình trạng này và xử lý sớm, tránh để dị vật trong mũi quá lâu.
3. Xử lý dị vật trong mũi và phòng ngừa đúng cách
3.1. Cách xử trí khi bị dị vật trong mũi
Khi bị dị vật vào mũi, hãy bình tĩnh và xử lý tại chỗ:
– Với các vật thể dễ lấy, hãy xì mũi để vật thể có thể ra. Cũng có thể dùng nhíp, gạc để moi dị vật.
– Các vật thể có thể đã chui sâu vào bên trong và khó lấy. Khi này, thử rửa mũi và xì mạnh để dị vật được đẩy ra khu vực đầu mũi.
– Với côn trùng, hãy dùng nước sạch bơm nhẹ vào mũi và xì thử.
Trong trường hợp dị vật không ra, bệnh nhân nên đến các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để được bác sĩ giải quyết kịp thời. Cần tránh việc cố khều hoặc lấy các dị vật, côn trùng khi không quan sát rõ cũng như không đủ dụng cụ thực hiện. Việc này có thể khiến côn trùng phản ứng nhiều hơn, các vật thể bị va chạm và gây ảnh hưởng đến niêm mạc mũi nhiều hơn. Như vậy, người bệnh có thể bị phù nề hoặc chảy máu trong mũi.
Ngoài ra, với những trường hợp côn trùng trong mũi, chúng ta không nên sử dụng những cách làm truyền miệng như xông hơi, dùng tăm ngoáy, hơ lá,… Những cách làm này có thể khiến côn trùng di chuyển sâu vào bên trong, gây khó khăn cho điều trị cũng như những tổn thương không đáng có mà côn trùng gây nên.
3.2. Đề phòng trường hợp dị vật vào mũi phù hợp, đúng cách
Để phòng tránh dị vật mũi hiệu quả và thiết thực, chúng ta cần chú ý thực hiện những điều dưới đây:
– Tránh việc côn trùng làm tổ trong nhà. Thiết kế nơi ở sáng sủa, thoáng mát. Năng thực hiện các công tác dọn dẹp nhà cửa, tránh để côn trùng ẩn náu.
– Khi đi đường, sử dụng khẩu trang và kính bảo hộ phù hợp.
– Chú ý bảo vệ tai mũi họng trong các trường hợp chơi các trò chơi mạo hiểm.
– Không ngủ ở nền đất. Nên có mùng, màn để bảo vệ cơ thể khỏi côn trùng khi đi ngủ.
– Với trẻ sơ sinh, cần chú ý dọn dẹp, giặt giũ để côn trùng không lui tới khu vực có trẻ hay quần áo trẻ.
– Nếu nhà có trẻ nhỏ, cần chú ý để tránh côn trùng hay các tai nạn xảy đến với trẻ.
– Vệ sinh mũi họng hằng ngày để không gặp tình trạng dị vật bỏ quên. Điều này rất cần được chú ý ở trẻ nhỏ. Bởi việc quên dị vật mũi luôn phổ biến ở độ tuổi này.
Với những thông tin trên, hi vọng bạn đã hiểu hơn về tình trạng dị vật bay vào mũi. Từ đó, có cho mình những phương pháp phòng tránh và giải quyết dị vật mũi hiệu quả. Bên cạnh đó, đừng quên sớm tìm đến các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để có thể xử lý sớm dị vật mũi, tránh những biến chứng nặng và bảo vệ sức khỏe một cách hiệu quả.