Dị ứng sau tiêm vắc xin: Cách xử lý và phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Phản ứng dị ứng sau tiêm vắc xin có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút hoặc vài giờ sau khi tiêm chủng và gây ra những biểu hiện khác nhau từ nhẹ đến nặng, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Vậy phải làm sao để xử lý cũng như hạn chế những phản ứng sau tiêm ở trẻ? 

1. Tìm hiểu về phản ứng dị ứng sau tiêm vắc xin

1.1. Nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng sau tiêm vắc xin

Phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện do 4 nguyên nhân chính gồm phản ứng do bản chất vắc xin, sai sót trong quy trình tiêm chủng, trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ hoặc phản ứng do tiêm. Không có loại vắc xin nào đảm bảo 100% không xuất hiện phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên tỉ lệ xảy ra phản ứng nặng sau tiêm là rất nhỏ.

Vắc xin là một chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên tương tự vi sinh vật gây bệnh đã được bào chế đến độ an toàn tiêu chuẩn. Tiêm vắc xin là đưa vào cơ thể kháng nguyên để kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động. Do đó cũng như việc sử dụng thuốc hay thực phẩm, tùy theo cơ địa từng người mà những phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện. Các chất liên quan đến quá trình điều chế vắc xin có thể gây ra phản ứng dị ứng. Trong đó protein trứng, gelatin và latex là những nguyên nhân thường gặp nhất của các phản ứng dị ứng tức thì.

Những phản ứng dị ứng có thể nhẹ nặng tùy trường hợp và tùy loại vắc xin được sử dụng. Những trường hợp phản ứng thông thường như sưng đau, sốt nhẹ không quá đáng lo ngại. Tỉ lệ xảy ra phản ứng nặng gây nguy hiểm cho tính mạng, yêu cầu nhập viện thường rất hiếm gặp. Những phản ứng nặng cũng có thể biến mất và không để lại di chứng nếu được điều trị kịp thời và thích hợp.

Nhìn chung tiêm chủng giúp dự phòng cho hàng triệu trẻ em khỏi nguy cơ mắc bệnh và tử vong, trong khi nguy cơ tai biến sau tiêm là rất thấp, phần nhiều liên quan đến cơ địa từng trẻ.

dị ứng vắc xin ở trẻ

Nếu nhân viên y tế thực hiện đúng quy trình tiêm chủng và phụ huynh thực hiện tốt tư vấn của bác sĩ thì có thể hạn chế tối đa những phản ứng dị ứng.

1.2. Những phản ứng dị ứng sau tiêm vắc xin

Phản ứng dị ứng sau tiêm có thể chia thành các cấp độ gồm:

– Độ I (nhẹ): Xuất hiện các triệu chứng dưới da, tổ chức dưới da và niêm mạc như nổi mề đay, ngứa và phù mạch.

– Độ II (nặng): Ảnh hưởng toàn thân như xuất hiện mề đay, phù mạch nhanh, khó thở, tức ngực, khản tiếng, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, huyết áp bất thường, chảy nước mũi, loạn nhịp tim.

– Độ III (nguy kịch): Ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tuần hoàn và ý thức như xuất hiện tiếng rít thanh quản, phù thanh quản, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, sốc, rối loạn cơ tròn, tụt huyết áp.

– Độ IV: Ngưng tuần hoàn, hô hấp.

phản ứng dị ứng sau tiêm

Nổi mề đay toàn thân là một trong những dấu hiệu dị ứng cần quan tâm.

2. Phương pháp hạn chế phản ứng sau tiêm phòng

Theo hướng dẫn xử trí cấp cứu phản ứng phản vệ, đối tượng sau tiêm cần ở lại phòng tiêm theo dõi ít nhất 30 phút. Nếu có phản ứng độ I sau tiêm có thể có thể chỉ cần uống hoặc tiêm solumedrol và diphenhydramin. Nếu có phản ứng độ II trở đi cần thực hiện tiêm bắp Adrenalin kèm các điều trị khác vì diễn biến dị ứng có thể trở nặng nhanh chóng và ảnh hưởng tính mạng.

Nhìn chung nếu được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, trẻ có thể phục hồi hoàn toàn và không phải chịu ảnh hưởng của di chứng từ dị ứng vắc xin. Theo đó, phụ huynh cần hết sức lưu ý và theo dõi các phản ứng sau tiêm ở trẻ, tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế để hạn chế các vấn đề gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Cụ thể:

2.1. Theo dõi tình trạng sức khỏe tối thiểu 30 phút ngay tại phòng tiêm

Sau khi tiêm phòng, phụ huynh cần theo dõi tình trạng của trẻ ngay tại cơ sở tiêm chủng tối thiểu 30 phút. Trong trường hợp trẻ bị sốc hoặc tai biến thì khoảng 7-10 phút sau tiêm sẽ có các biểu hiện bất thường.

Với trẻ có tiền sử sốc phản vệ hoặc cơ địa dị ứng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để nhận biết sớm những dấu hiệu cũng như kịp thời báo nhân viên y tế can thiệp. Với trẻ đã từng có biểu hiện sốc phản vệ nhẹ ở lần tiêm trước thì trong lần tiêm tiếp theo, phụ huynh cần báo với bác sĩ để có phác đồ tiêm phù hợp, hiệu quả và an toàn nhất cho trẻ. Không đưa trẻ đi tiêm nếu trẻ đang ốm sốt hoặc vừa ốm dậy. Phụ huynh cần đảm bảo trẻ ở trong trạng thái sức khỏe tốt nhất khi tiêm phòng.

Trước khi cho trẻ ra về, nhân viên y tế sẽ kiểm tra lại nhiệt độ cơ thể và vết tiêm cho trẻ để đảm bảo tất cả đều ổn.

dị ứng sau tiêm vắc xin

Trẻ cần được theo dõi sức khỏe cả trước trong và sau quá trình tiêm phòng.

2.2. Chăm sóc tại nhà

Khi về nhà, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi tình trạng trẻ trong vòng 24 – 48 giờ. Trong đó cần đặc biệt chú ý đến:

– Nhiệt độ.

– Tinh thần.

– Tình trạng ăn ngủ.

– Nhịp thở.

– Tình trạng da.

– Vết tiêm.

Phụ huynh lưu ý:

– Cho trẻ ăn đủ bữa, đủ lượng, hạn chế cho trẻ ăn nằm. Có thể cho trẻ ăn đồ lỏng , chia nhỏ bữa để dễ tiêu hóa.

– Tăng cường bú mẹ hoặc uống nước nếu trẻ đã lớn.

– Cho trẻ mặc quần áo thoải mái, giữ ấm nếu lạnh và thoáng mát nếu trời nóng.

– Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của trẻ, đặc biệt là vào ban đêm. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt nên chườm mát và sử dụng thuốc hạ sốt theo đơn.

– Không đắp, chườm, sử dụng bất kỳ chất gì theo mẹo dân gian (khoai tây, chanh, lá cây,…) vào vị trí tiêm vì nguy cơ cao gây nhiễm trùng.

– Khi ôm, bế trẻ tránh tì tay vào vết tiêm.

Cần cho trẻ đến bệnh viện để nhận chăm sóc chuyên nghiệp ngay nếu xuất hiện những dấu hiệu dưới đây:

– Trẻ có biểu hiện co giật, quấy khóc kéo dài, bỏ bú.

– Trẻ nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh, tím tái và khó thở.

– Trẻ sốt cao kéo dài, không thuyên giảm dù đã dùng thuốc.

– Vị trí tiêm sưng cứng và đau, có quầng đỏ lớn hơn 2cm.

Trên đây là những thông tin về các phản ứng phản vệ sau tiêm cũng như phương pháp hạn chế và xử trí nếu gặp phải. Nhìn chung tiêm chủng giúp dự phòng cho hàng triệu trẻ em khỏi nguy cơ mắc bệnh và tử vong, trong khi nguy cơ tai biến sau tiêm là rất thấp, phần nhiều liên quan đến cơ địa từng trẻ. Do đó khi có nhu cầu tiêm chủng, phụ huynh hãy tìm hiểu kỹ cũng như lựa chọn những địa chỉ tiêm phòng uy tín để đảm bảo quá trình tiêm phòng an toàn, hiệu quả cho con.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital